KỲ HỌP THỨ 3, QUỐC HỘI KHÓA XV

Cần thay đổi tư duy từ sản xuất sang làm kinh tế nông nghiệp

Thứ Ba, 07/06/2022, 18:47 [GMT+7]
In bài này
.

Chiều 7/6, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, về vấn đề bình ổn giá vật tư nông nghiệp, ùn tắc nông sản, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ những khó khăn của nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp trong giai đoạn dịch COVID-19 vừa qua, cũng như vấn đề ùn ứ nông sản xuất khẩu ở các cửa khẩu phía Bắc. Vật tư, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản đều tăng cao, trong bối cảnh thị trường bị đứt gãy.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: LÂM KHÁNH
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: LÂM KHÁNH

Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ cảm ơn 14 triệu nông dân Việt Nam đã rất năng động, linh hoạt, góp phần vào kết quả xuất khẩu nông nghiệp, nông lâm, thủy sản trong năm 2021 đạt 48,6 tỷ USD, trong bối cảnh rất khó khăn, tưởng chừng như không thể nào đạt được.

Trả lời cụ thể câu hỏi chất vấn của các đại biểu Lê Thị Song An (Long An), Hoàng Anh Công (Thái Nguyên) và Chu Hồng Thái (Lạng Sơn) về câu chuyện giá nguyên liệu tăng cao, tình trạng ùn ứ nông sản xuất khẩu ở biên giới và các giải pháp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, ngay khi đứt gãy chuỗi cung ứng trong giai đoạn COVID-19 và nhất là cao điểm bị ùn ứ nông sản ở các cửa khẩu phía Bắc, Bộ NN-PTNT cùng với Bộ Công thương cũng như Bộ Ngoại giao đã vào cuộc dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để hạn chế thấp nhất thiệt thòi, thiệt hại cho nông dân. Tuy nhiên, đây là trường hợp hết sức bất khả kháng do quy định phòng, chống dịch của Việt Nam với Trung Quốc.

Theo Bộ trưởng, Việt Nam là quốc gia làm nông nghiệp, nhưng lại phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ phân bón, thuốc, nguyên liệu để chế biến thức ăn… Đây là vấn đề Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ NN-PTNT phải làm sao nâng cao tính tự chủ của ngành nông nghiệp để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, giảm thiểu rủi ro về thị trường.

Để giải đáp câu hỏi trên, Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương đã có nhiều phiên họp. Bộ Công thương cũng tổ chức nhiều cuộc họp với các hiệp hội ngành hàng phân bón, bảo vệ thực vật, hóa chất và các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực này để cố gắng thuyết phục. Theo Bộ trưởng, trong kinh tế thị trường không dễ để áp đặt mệnh lệnh hành chính và các hiệp hội cũng đã có can thiệp nhất định.

Trả lời câu hỏi của đại biểu về thực tế Trung Quốc thay đổi biện pháp kiểm soát dịch bệnh cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng chúng ta chậm thay đổi, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết, có trách nhiệm của các bộ, ngành Trung ương, trong đó có Bộ NN-PTNT chậm thông tin để người dân biết. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, nhiều bà con nông dân cũng chưa quan tâm đến lĩnh vực này, mặc dù Bộ NN-PTNT cũng tổ chức rất nhiều đợt truyền thông và tập huấn.

Bộ trưởng cho rằng, về giải pháp không thể chỉ dùng biện pháp truyền thông, mà cần phải thực hiện một cách duy nhất là tổ chức lại sản xuất, tổ chức thị trường, tổ chức lại các hiệp hội ngành hàng để dẫn dắt thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Bộ NN-PTNT cùng với Bộ Ngoại giao cũng xây dựng dự thảo văn bản về thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc để chuyển dần xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch.

Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, có hàng ngàn thông tin thay đổi biện pháp an toàn vệ sinh thực phẩm của các quốc gia trên thế giới đối với mặt hàng nông sản. Như vậy, trung bình 1 tháng gần 100 thay đổi biện pháp an toàn vệ sinh thực phẩm của các quốc gia, trong đó có những yêu cầu bắt buộc phải thực hiện ngay nhưng vẫn phải chấp nhận để chuẩn hóa nông sản của Việt Nam đáp ứng theo từng loại thị trường trong bối cảnh thay đổi rất nhanh chóng.

VIỆT HẠNH

;
.