Cần có giải pháp kiểm soát giá cả thị trường
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành trung ương cần có chính sách, giải pháp kiểm soát giá cả thị trường, nhất là giá xăng dầu. Ảnh: CHÂU VŨ. |
Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, sáng 25/5, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận tại tổ về các nội dung: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021; Việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết này.
Kinh tế vĩ mô ổn định
Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022, đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng, năm 2021 nền kinh tế nước ta đối mặt với tác động nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng toàn cầu cả về y tế, kinh tế, xã hội. Đợt dịch bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 đã tác động lớn đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội, nhưng dưới sự lãnh đạo của của Đảng, quyết sách của Quốc hội và sự điều hành năng động, linh hoạt, sáng tạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chúng ta đã thực hiện linh hoạt, hiệu quả nhiệm vụ vừa phòng, chống đại dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội. So với báo cáo tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2021 sau khi đánh giá bổ sung có một số thay đổi tích cực, có 7/12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn còn 5 chỉ tiêu chưa đạt.
Trong những tháng đầu năm 2022, trước tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp như cuộc chiến giữa Nga - Ucraina; giá dầu và lạm phát tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế nước ta. Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để bảo đảm nguồn cung, ổn định giá xăng dầu, lương thực, thực phẩm, duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, tỷ giá. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, tiêm vắc-xin, điều trị bệnh nhân tiếp tục được triển khai quyết liệt. Quốc phòng, an ninh, được giữ vững. Hoạt động đối ngoại được được tăng cường. Đây là kết quả đáng ghi nhận trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
Cần giải pháp tổng thể bảo đảm nguồn cung xăng dầu
Đại biểu Nguyễn Thị Yến nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được, nước ta cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, tiềm ẩn nhiều rủi ro về ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát, giá xăng dầu tăng, kéo theo giá nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào sản xuất, giá vật tư, giá các mặt hàng tiêu dùng tăng, ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của nhân dân; giải ngân đầu tư công những tháng đầu năm chậm (đạt 16,36% kế hoạch). Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Dịch bệnh còn tiểm ẩn diễn biến phức tạp.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận tổ sáng 25/5. Ảnh: CHÂU VŨ |
Từ những phân tích trên, đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành trung ương cần cân nhắc đánh giá, dự báo sát tình hình để có chính sách, giải pháp kiểm soát giá cả thị trường, nhất là giá xăng dầu, khắc phục tình trạng công tác điều hành giá xăng dầu còn bất cập trong thời gian qua. Đại biểu cho rằng cần có giải pháp tổng thể bảo đảm nguồn cung xăng dầu (gồm cả trong nước và nhập khẩu), chính sách điều tiết hệ thống phân phối, tránh đứt đoạn nguồn cung, ảnh hưởng tới đời sống người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hạn chế thấp nhất và kiểm soát tốt lạm phát. Bên cạnh đó cần có cơ chế kiểm soát tốt thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản.
Quang cảnh phiên thảo luận tổ 14 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Bà Rịa-Vũng Tàu, Gia Lai, Thái Nguyên sáng 25/5. Ảnh: CHÂU VŨ. |
Để khắc phục tình trạng giải ngân đầu tư công những tháng đầu năm chậm, đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành trung ương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công, nhất là một số dự án trọng điểm, các công trình quan trọng quốc gia; các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Xác định chính xác tình trạng chậm tiến độ dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể của cá nhân, tập thể dẫn tới việc chậm trễ để có biện pháp khắc phục.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Yến cũng đề nghị đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhằm phục hồi các hoạt động kinh tế, bình ổn thị trường và sớm thúc đẩy giao thương quốc tế bị gián đoạn do tác động của đại dịch COVID-19; tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 vì nguy cơ bùng phát trở lại của dịch COVID-19 với các biến chủng mới vẫn còn tiềm ẩn; đẩy nhanh và hoàn thành việc tiêm vắc xin phòng dịch theo lộ trình kế hoạch đề ra.
Hoàn thiện hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu
Thảo luận về nội dung tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của nghị quyết này, đại biểu Nguyễn Thị Yến nhấn mạnh, trách nhiệm tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ trong rà soát, điều chỉnh hoàn thiện cơ chế pháp lý có sự bất cập và chưa kịp thời, để sự thiếu đồng bộ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật diễn ra trong thời gian dài.
Trên cơ sở đó, đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước tập trung giải quyết các tồn tại trong quá trình thực hiện Nghị quyết 42 thời gian qua. Đó là, khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu, bảo đảm chặt chẽ các quy trình, thủ tục xử lý bằng các thiết chế pháp lý để thực hiện sau ngày 31/12/2023. Phối hợp với các cơ quan tư pháp, các bộ, ngành trung ương rà soát, đánh giá các vướng mắc, tồn tại trong quá trình thực hiện Nghị quyết 42 để có văn bản hướng dẫn thực thi kịp thời, tháo gỡ vướng mắc. Xây dựng lộ trình kế hoạch xử lý nợ xấu nội bảng, xác định mục tiêu xử lý nợ xấu đến ngày 31/12/2023 đối với khoản nợ xấu đã xác định theo Nghị quyết số 42 chưa được xử lý đến ngày 31/12/2021 là bao nhiêu phần trăm theo hướng cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025. Cần làm rõ trách nhiệm trong việc chậm xây dựng hành làng pháp lý, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng sau gần 5 năm Nghị quyết 42 đi vào thực tiễn, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng yếu kém còn nhiều vướng mắc, chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là vướng mắc về cơ sở pháp lý.
PHÚC LƯU