.

Lùi thời hạn trình Quốc hội dự án Luật đất đai (sửa đổi)

Cập nhật: 14:11, 24/05/2022 (GMT+7)

Ngày 24/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Sự phối hợp giữa Chính phủ, Quốc hội ngày càng chặt chẽ, hiệu quả và kịp thời - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Sự phối hợp giữa Chính phủ, Quốc hội ngày càng chặt chẽ, hiệu quả và kịp thời - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Lùi thời hạn trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sang kỳ họp thứ 4

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Chương trình xây dựng pháp luật năm 2021 và các tháng đầu năm 2022 được triển khai thực hiện nghiêm túc, hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra, góp phần tích cực hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác lập và triển khai thực hiện Chương trình vẫn còn một số hạn chế, bất cập, như: một số hồ sơ đề nghị xây dựng luật, nghị quyết chưa bảo đảm chất lượng, chưa đầy đủ theo quy định, chưa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận đưa vào Chương trình để có thời gian hoàn thiện thêm; việc gửi hồ sơ dự án, dự thảo đến cơ quan thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội không ít trường hợp chưa bảo đảm thời gian theo quy định; vẫn còn tình trạng dự án đã được đưa vào Chương trình nhưng không chuẩn bị kịp để trình Quốc hội theo đúng kế hoạch.

Trên cơ sở xem xét đề nghị của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, ý kiến tham gia thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội và theo quy định tại Điều 51 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định bổ sung vào Chương trình năm 2022 các dự thảo nghị quyết của Quốc hội gồm:

Nghị quyết về kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa để Chính phủ kịp chuẩn bị hồ sơ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 3 theo quy trình tại một kỳ họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình Quốc hội đối với dự án Luật này đến khi có chủ trương, định hướng, chỉ đạo của Trung ương về đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai.

Đây là dự án luật lớn, có nhiều nội dung phức tạp, cần nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng. Mặt khác, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII (tháng 5/2022) mới tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW để ban hành Nghị quyết mới, nên cần có thêm thời gian để nghiên cứu, thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, hoàn thiện dự án Luật.

Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép lùi thời hạn trình dự án Luật này từ kỳ họp thứ 3 sang kỳ họp thứ 4 và vẫn giữ quy trình xem xét, thông qua tại 3 kỳ họp Quốc hội (cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và thứ 5, thông qua tại kỳ họp thứ 6).

Đoàn ĐBQH tỉnh tham dự tại phiên họp ngày 24/5. Ảnh: CHÂU VŨ
Đoàn ĐBQH tỉnh BR-VT tham dự tại phiên họp ngày 24/5. Ảnh: CHÂU VŨ

Quốc hội xem xét, đánh giá kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh

Trong chương trình làm việc sáng 23/5, Quốc hội cũng nghe báo cáo tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai Dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo. Theo Tờ trình của Chính phủ, đến hết năm 2020 còn 6 đoạn với tổng chiều dài khoảng 279 km chưa triển khai, trong đó mới cân đối bố trí vốn cho 3 đoạn với tổng chiều dài 108 km, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025.

Thẩm tra Tờ trình số 157/TTr-CP ngày 5/5/2022 của Chính phủ về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai Dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết về tiến độ triển khai thực hiện, đối với phân kỳ đầu tư đến năm 2020, Dự án chưa đạt yêu cầu nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) với quy mô 2 làn xe.

Về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Dự án trong giai đoạn 2022-2025, Ủy ban KHCN&MT đề nghị Chính phủ xem xét, cân đối, bố trí nguồn vốn thích hợp và quyết tâm hoàn thành các dự án thành phần, các đoạn còn lại trong giai đoạn 2022-2025; báo cáo, đánh giá, làm rõ việc cân đối nguồn vốn 4.450 tỷ đồng kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 triển khai 2 dự án thành phần đoạn Chợ Chu - Ngã Ba Trung Sơn và đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận.

Về việc nâng cấp một số đoạn theo phân kỳ đầu tư, Ủy ban KHCN&MT đề nghị Chính phủ làm rõ việc tích hợp Dự án đường Hồ Chí Minh vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ đã bảo đảm đầy đủ, toàn diện, hợp lý theo đúng tinh thần Nghị quyết hay chưa.

Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu đầu tư nâng cấp tuyến đường trong giai đoạn tiếp theo, bảo đảm phù hợp với Quy hoạch; cân nhắc thời hạn hoàn thành các dự án cao tốc phù hợp với Quy hoạch và nguồn lực hiện nay, bảo đảm tính khả thi…

Uỷ ban Kinh tế QH: Nợ xấu bất động sản chiếm 18,4% tổng nợ xấu của toàn hệ thống

Trình bày báo cáo đánh giá việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và thẩm tra Tờ trình về việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42/2017/QH14 (viết tắt là Nghị quyết số 42), Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết Uỷ ban Kinh tế cơ bản thống nhất với báo cáo về đánh giá kết quả thí điểm xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42.

Tuy nhiên, ông Vũ Hồng Thanh cho rằng kết quả xử lý nợ xấu chưa thực sự vững chắc, thực trạng nợ xấu cho thấy nền kinh tế vẫn tiềm ẩn rủi ro; một số biện pháp áp dụng theo Nghị quyết số 42 chưa phát huy hiệu quả (như áp dụng thủ tục rút gọn tại Tòa án...). "Đối với nợ xấu nói chung, xử lý bằng dự phòng rủi ro còn chiếm tỷ lệ cao; một số lĩnh vực có số nợ xấu chiếm tỷ trọng cao so với nợ xấu của toàn hệ thống như: bất động sản (chiếm 18,4%); cho vay tiêu dùng (chiếm 25,8%); BOT, BT giao thông (3,92%)... "- Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế nói.

Do đó, Uỷ ban Kinh tế đề nghị phân tích rõ hơn nguyên nhân dẫn đến số nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42 đến nay còn ở mức khá cao và có xu hướng gia tăng; các giải pháp đã triển khai thực hiện để nhận diện cũng như kiểm soát rủi ro đối với các khoản cho vay, nhất là các khoản thuộc các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao.

NGUYỄN THI (tổng hợp)

 

.
.
.