TRƯỜNG SA - NƠI TÔI ĐẾN - Kỳ 1: Cuộc hò hẹn giữa ngàn khơi
Mỗi một tấc đất ở Trường Sa đều như chứa đựng hồn thiêng sông núi. Có lẽ vì thế, một lần đặt chân lên đảo thiêng của Tổ quốc, là một lần nghẹn ngào trong xúc cảm trào dâng.
Căn cứ quân sự Cam Ranh (Khánh Hòa) chiều 10/5 nhộn nhịp hơn thường lệ. Hàng chục chuyến xe tải chở nhu yếu phẩm, quà tặng của các tổ chức, địa phương và người dân từ mọi miền Tổ quốc tập kết tại cầu cảng để chuyển hàng lên tàu ra Trường Sa, theo Đoàn công tác số 7.
Cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Thị vẫy tay chào đoàn đại biểu từ đất liền ra thăm. |
Tổ quốc, đâu đâu cũng là nhà
Sau hơn 30 giờ lênh đênh trên biển, sáng 12/5, chúng tôi - những thành viên trong Đoàn công tác số 7 - đặt chân đến với điểm đảo đầu tiên, Đá Thị. Chúng tôi không khỏi nôn nào khi gặp hình ảnh cán bộ, chiến sĩ trong quân phục chỉnh tề đứng đợi và vẫy tay chào từ xa. Ai cũng tươi vui như sắp được đón người thân.
Xúc động đón Đoàn, Trung úy Nguyễn Xuân Phong, Chỉ huy trưởng đảo Đá Thị nói: “Lâu lắm rồi mới có đoàn ra thăm đảo. Đây là sự cổ vũ, động viên rất lớn, tiếp thêm sức mạnh để cán bộ, chiến sĩ vượt qua khó khăn. Chúng tôi luôn nguyện với lòng mình sẽ đoàn kết, chủ động, khắc phục khó khăn, kiên trì cảnh giác, giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Đá Thị là điểm đảo đầu tiên chúng tôi đến, nhưng Trường Sa lớn (thị trấn Trường Sa) mới là điểm dừng chân lâu nhất. Chúng tôi được gặp gỡ, nói chuyện với các hộ gia đình, thăm trường học và hòa mình trong buổi tối giao lưu văn nghệ thắm tình quân dân…
Giữa trùng khơi xanh thẳm, thị trấn Trường Sa như một bức tranh tuyệt mỹ với những tán cây xanh rợp bóng mát, đường bê tông và cả những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi. Bên cột mốc chủ quyền, lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới như khẳng định sức sống mãnh liệt của Tổ quốc nơi đầu sóng.
Trong một buổi chiều trời thanh bình, yên ả, chúng tôi đến thăm các hộ gia đình ở thị trấn Trường Sa. Trong ngôi nhà cấp 4 kiên cố, rộng rãi, niềm hạnh phúc vỡ òa thể hiện rõ trên ánh mắt, cử chỉ của vợ chồng anh Ngân Văn Vĩnh và chị Thiều Thị Xoan khi đón đoàn công tác từ đất liền.
Nhiều phần quà thiết thực
Đoàn công tác số 7 với 239 đại biểu đến từ 23 bộ, ngành, địa phương. Dẫn đầu các thành viên của tỉnh BR-VT tham gia Đoàn công tác số 7, ông Trần Tuấn Lĩnh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy BR-VT, cho biết: Chuyến công tác này được nối lại sau 2 năm tạm hoãn để phòng, chống dịch COVID-19. Do đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh đã cử 20 đại biểu ra thăm, động viên quân, dân Trường Sa và Nhà giàn DK1, đồng thời trích 2 tỷ đồng từ Quỹ An sinh xã hội tỉnh để trao tặng những phần quà thiết thực: quạt tích điện, loa thùng di động, màn hình trình chiếu… cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi đảo xa.
|
Vừa rót trà mời khách, anh Vĩnh vui vẻ cho biết, vợ chồng anh quê ở TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, ra Trường Sa sinh sống từ năm 2018. “Trước đây, khi ở đất liền, chỉ nghe nói về Trường Sa, nhưng ai cũng yêu mến. Ra đây rồi, càng thấy yêu và gắn bó với cuộc sống ở đảo nhiều hơn. Các cán bộ, chiến sĩ luôn quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ cho người dân”, anh Vĩnh nói.
Anh Vĩnh tham gia lực lượng dân quân của thị trấn được 2 năm nay, còn chị Xoan ở nhà làm nội trợ. Vợ chồng anh chị có 2 người con. Cháu lớn học hết tiểu học ở đảo thì được chính quyền và bộ đội hỗ trợ đưa về đất liền học THCS. Còn khi sinh cháu thứ hai, chị Xoan được tàu hải quân đưa vào bờ sinh nở an toàn. Sau khi con cứng cáp, vợ chồng anh lại theo tàu hải quân tiếp tục ra đảo. “Người dân trên đảo không phân biệt quê quán luôn đùm bọc, yêu thương lẫn nhau”, chị Xoan cười tươi nói.
Cuộc sống thay đổi nhiều
Điều đặc biệt của cư dân sinh sống ở Trường Sa lớn là hầu như nhà nào cũng có giàn bầu, bí trĩu quả hay những chậu mùng tơi phủ kín bờ rào. Phía sau nhà, luôn có tiếng heo ủn ỉn, tiếng gà, vịt xao xác đòi ăn. Sau giờ học, những đứa trẻ ở thị trấn Trường Sa dung dăng, dung dẻ nắm tay hát vang “Quê em ở Trường Sa”.
Trong tổng số 21 đảo với 33 điểm đóng quân ở quần đảo Trường Sa thì chỉ 3 đảo có người dân sinh sống là Trường Sa Lớn, Song Tử Tây và Sinh Tồn. Những đôi vợ chồng tình nguyện ra giữ đảo ở độ tuổi từ 30-45, có một hoặc hai con, mưu sinh bằng nhiều nghề khác nhau nhưng những tổ ấm ấy luôn tràn ngập tiếng cười, niềm vui và tinh thần lạc quan yêu đời.
Để đáp ứng nhu cầu hành chính của người dân địa phương và từ các nơi khác đến đảo, mỗi xã, thị trấn đều có đủ bộ máy Đảng, chính quyền và một số ban ngành chức năng ở cơ sở. UBND các xã đảo có hội trường, khu dân cư, khu bệnh xá, lớp học, công trình văn hóa như chùa, đài tưởng niệm, nhà tưởng niệm Bác Hồ, nhà khách, sân vận động, sân bóng chuyền, khu vui chơi thiếu nhi. Hệ thống đường sá cũng được bê tông hóa khang trang giúp nhân dân đi lại rất dễ dàng. Nhà dân được xây dựng kiên cố. Sóng điện thoại phủ khắp giúp nhân dân liên lạc thông suốt.
Đoàn đại biểu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thăm, tặng quà các hộ dân trên đảo Trường Sa lớn. |
Chị Nguyễn Thị Mỹ Dung, người dân đảo Trường Sa lớn chia sẻ: “Mặc dù thời tiết khắc nghiệt, khó khăn nhưng nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cuộc sống vật chất và tinh thần trên đảo thay đổi nhiều, môi trường sống, điều kiện sinh hoạt ngày càng tốt hơn”, chị Mỹ Dung nói.
Hòa chung lời ca tiếng hát
Chiều về, dưới tán cây bàng vuông ở Trường Sa lớn, từng tốp chiến sĩ và các thành viên trong đoàn công tác của chúng tôi nói cười râm ran. Các nghệ sĩ Đoàn Nghệ thuật các dân tộc tỉnh Hòa Bình chuẩn bị loa đài để biểu diễn các tiết mục văn nghệ đặc sắc phục vụ cán bộ, chiến sĩ. Tối hôm đó, những lời ca tiếng hát ca ngợi Tổ quốc, ca ngợi vẻ đẹp của biển đảo, của tình yêu đôi lứa… vang lên rộn ràng, hòa vào tiếng sóng biển mênh mang…
Giây phút khiến chúng tôi thực sự xúc động là khoảnh khắc chia tay trước khi tàu rời đi. Quân và dân trên đảo đứng thành hàng trong màu cờ Tổ quốc rực rỡ. Những đứa trẻ nhãy cẫng lên gọi í ới và vẫy tay không ngừng, nhìn con tàu dần xa…
Bài, ảnh: MINH NHÂN
(Còn nữa)