Những ngày tháng 4 lịch sử tại các “địa chỉ đỏ” lại tấp nập học sinh, đoàn viên, thanh niên về nguồn, nghe kể chuyện lịch sử.
Ông Phạm Xuân Ninh, Ủy viên thường trực Ban Liên lạc Trung đoàn 33 kể cho HS về cuộc chiến tranh giành giải phóng dân tộc vào ngày 30/4/1975. |
Thích thú với từng câu chuyện kể
Ngày 20/4, chuyến về nguồn của các em HS, ĐVTN xã Bình Ba (huyện Châu Đức) tại Khu tưởng niệm Trung đoàn 33 có ý nghĩa hơn khi được ông Phạm Xuân Ninh, Ủy viên thường trực Ban liên lạc Trung đoàn 33 chia sẻ về những chiến tích hào hùng của các chiến sĩ Trung đoàn 33 năm xưa…
Cựu chiến binh Phạm Xuân Ninh trong bộ lễ phục nghiêm trang, hào sảng kể lại những câu chuyện trong cuộc chiến tranh ác liệt giành độc lập dân tộc. Ông nâng niu từng hình ảnh, hiện vật ghi dấu về một thời hào hùng đang trưng bày tại di tích lịch sử Trung đoàn 33 và kể cho các bạn trẻ những câu chuyện liên quan đến hình ảnh, hiện vật đó. Qua đó, giúp các em hình dung được không khí sôi sục của những ngày chuẩn bị cho tổng tiến công giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ông Phạm Xuân Ninh kể: “Châu Đức, vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Trong cuộc kháng chiến, đây là nơi đã ghi dấu nhiều chiến thắng vang dội của quân và dân ta. Đặc biệt, trong đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, trận đánh Chi khu Đức Thạnh-vùng Ngãi Giao (huyện Châu Đức) ngày nay-chính là một trong những mũi tấn công đầu tiên để mở đường giải phóng vùng Bà Rịa-Long Khánh và tiến công tuyến phòng thủ Xuân Lộc (Đồng Nai)…”.
Chăm chú lắng nghe từng câu chuyện kể, Bùi Thanh Mai (HS Trường THCS Chu Văn An, xã Bình Ba, huyện Châu Đức) bày tỏ: “Chúng em như được sống không khí hào hùng của những ngày tháng 4 lịch sử cách đây 47 năm qua câu chuyện kể của ông Phạm Xuân Ninh. Chuyến về nguồn này không những giúp chúng em hiểu hơn về truyền thống anh hùng của vùng đất nơi mình sinh ra và lớn lên, mà còn khơi dậy trong các bạn lòng tự hào, tự tôn dân tộc; cũng như quyết tâm noi gương thế hệ cha anh, góp sức trẻ xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.
Đội thuyết minh của Trường THCS Văn Lương (huyện Long Điền) giới thiệu cho bạn cùng trường về lịch sử truyền thống của trường. |
Hiểu để thêm yêu và tự hào
Tại “địa chỉ đỏ” Trường THCS Văn Lương (huyện Long Điền), những ngày này cũng tiếp nhiều đoàn HS, ĐVTN đến tham quan, tìm hiểu. Trong căn phòng Truyền thống Trường THCS Văn Lương, người xem như được sống lại thời kỳ lịch sử hào hùng qua những hình ảnh, hiện vật trưng bày tại đây.
Nguyễn Trần Khánh Vy, HS lớp 9G, thành viên Đội thuyết minh Trường THCS Văn Lương giới thiệu với đoàn tham quan: Tháng 9/1955, Trường Văn Lương (nay là Trường THCS Văn Lương) được Tỉnh ủy Bà Rịa thành lập, với chủ trương xây dựng cơ sở cách mạng trong vùng địch chiếm đóng, nhằm tập hợp con em trong vùng để đào tạo thế hệ trẻ, chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng dân tộc. Trường ra đời để tập hợp các thế hệ từ HS, GV đến quần chúng nhân dân trong tỉnh tham gia phong trào đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc. Nhiều GV, HS của trường đã tham gia cách mạng, đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Trường đã đào tạo nhiều lớp cán bộ cách mạng cho Đảng.
Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021 - 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 11/11/2021. |
Hướng đến hình ảnh họp mặt thế hệ Văn Lương vào ngày 29/6/1975, Khánh Vy tự hào giới thiệu: “Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), Huyện ủy, UBND huyện Long Đất (nay huyện Long Điền) tiếp nhận cơ sở và đầu tư, sửa chữa, xây dựng lại cơ sở vật chất Trường Văn Lương. Lúc này, những thế hệ HS của trường sau nhiều năm rời mái trường ra chiến khu tham gia kháng chiến đến ngày đất nước thống nhất vui mừng gặp lại trong ngày Lễ tái lập trường…”.
Cô Nguyễn Thị Quế Phượng, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Văn Lương chia sẻ: Để giới thiệu cho các đoàn tham quan về Phòng truyền thống, Trường đã thành lập đội thuyết minh là các em HS giỏi, giọng truyền cảm, qua đó truyền tải những thời kỳ lịch sử anh hùng của tỉnh đến HS, người dân và du khách trong và ngoài nước đến tìm hiểu; hun đúc thêm tình yêu quê hương BR-VT.
Những hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng kể trên, góp phần giúp thế hệ trẻ BR-VT nói riêng và cả nước nói chung hiểu và tri ân thế hệ cha anh đã hy sinh cả tuổi thanh xuân để giành lại độc lập, tự do cho Tổ Quốc. Từ đó khơi dậy khát vọng cống hiến, tự hào trong thế hệ trẻ hôm nay.
Bài, ảnh: AN NHIÊN