Sửa đổi luật tạo điều kiện phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Thứ Hai, 10/01/2022, 18:44 [GMT+7]
In bài này
.

Tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, ngày 10/1, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự; chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và các đại biểu của Đoàn ĐBQH tỉnh tham dự kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV tại điểm cầu BR-VT.
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và các đại biểu của Đoàn ĐBQH tỉnh tham dự kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV tại điểm cầu BR-VT.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật

Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cơ bản tán thành với hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung của 8 luật đã được Ban soạn thảo gửi đến. Nhiều ý kiến cho rằng việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật nêu trên là cần thiết. Điều này xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Các đại biểu cũng nhấn mạnh yêu cầu, việc sửa đổi, bổ sung phải bám sát tinh thần sửa đổi những vấn đề cấp bách, đã rõ, được thực tế kiểm nghiệm, có sự đồng thuận cao để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn; tăng cường phân quyền, đồng thời bảo đảm sự kiểm soát chặt chẽ nguồn lực của đất nước.

Góp ý về sửa đổi Luật Đấu thầu, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TP. Hồ Chí Minh) đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần xây dựng quy định riêng về đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, qua đó góp phần thúc đẩy mua sắm thiết bị y tế, tháo gỡ những khó khăn hiện nay về đấu thầu trang thiết bị y tế trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Đóng góp vào việc sửa đổi dự án Luật Đầu tư, đại biểu Hoàng Văn Nghiệm (Lạng Sơn) cho rằng giải phóng mặt bằng luôn là vấn đề nan giải, là điểm nghẽn lớn nhất làm chậm tiến độ các dự án đầu tư công. Để giải quyết vấn đề này, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, có cơ chế, chính sách tách các dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư.

Bày tỏ sự thống nhất cần tăng cường phân cấp, phân quyền liên quan đến sửa đổi Luật Đầu tư, đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình) đề nghị cần có sự phân cấp mạnh mẽ hơn về vấn đề chấp thuận đầu tư dự án, cùng với sửa đổi Luật Đầu tư, cần nghiên cứu các luật khác để kịp thời sửa đổi các nội dung về vấn đề phân cấp, phân quyền, tránh chống chéo, mâu thuẫn.

Liên quan nội dung nói trên, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) khẳng định việc đẩy mạnh phân cấp trong quyết định đầu tư là cần thiết, song cần có quy định cụ thể về trách nhiệm của các chủ thể được phân quyền trong việc bảo đảm tính hiệu quả sử dụng nguồn lực, tính tuân thủ, công khai, minh bạch khi tổ chức thực hiện.

Về bổ sung ngành, nghề kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng vào Phụ lục IV Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư, đại biểu Nguyễn Văn Hận (Bạc Liêu) đề nghị xem xét, sửa đổi, bổ sung quy định về khái niệm, điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng tại Luật An ninh mạng để bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc đề xuất bổ sung ngành, nghề kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng vào Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. “Cần có quy định chặt chẽ về nội dụng dịch vụ an ninh mạng, phải khắc phục được những kẽ hở về luật pháp trong lĩnh vực này, tránh việc lợi dụng công nghệ xâm phạm đến an ninh quốc gia, xâm phạm thông tin của tổ chức, cá nhân...”, đại biểu Nguyễn Văn Hận nói.

Bảo đảm minh bạch 

Thảo luận về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, các đại biểu đều tán thành với sự cần thiết đầu tư dự án nhằm cụ thể hóa Kết luận số 11-KL/TW của Hội nghị Trung ương khóa XIII, Nghị quyết số 16/2021/QH15 của Quốc hội, trong đó xác định “Đến năm 2025, cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông”.

Các ĐBQH cho rằng, cần áp dụng cơ chế đặc thù để phục hồi, phát triển kinh tế như chỉ định thầu, thiết kế, giải phóng mặt bằng, thi công để sớm hoàn thành 5.000km đường cao tốc theo quy hoạch.

Về nội dung Chính phủ đề nghị thiết kế hướng tuyến theo tiêu chuẩn đường ô tô cao tốc với tốc độ tối đa 120km/giờ, đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về vận tốc tối đa cho phép nhằm đảm bảo tính phù hợp, chủ động, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật tuyến đường cao tốc định hướng dài hạn đến năm 2050. “Chính phủ cần tiếp tục đánh giá tính phù hợp với thiết kế quy mô 4, 6, 8, 10 làn xe vì giải phóng mặt bằng thực hiện một lần cho cả dự án, cần tính toán chính xác quy mô với các làn xe tối đa cho phép phù hợp với tiềm năng vận hành, khả năng trung chuyển của đường cao tốc…”, đại biểu Phương Lan nói.

Liên quan đến giải phóng mặt bằng, đại biểu Đinh Thị Phương Lan chỉ rõ mức độ tác động lớn, trải dài qua nhiều tỉnh, thành phố. Do đó, Chính phủ cần có giải pháp chủ động; cân nhắc dự kiến nguồn kinh phí giải phóng mặt bằng trong dự án tái định cư là hơn 19 ngàn tỷ đồng, trong đó bao gồm cả dự trù chi phí trồng rừng thay thế, hỗ trợ chuyển đổi đất lúa 2 vụ với gần 15 ngàn hộ bị ảnh hưởng, gần 12 ngàn hộ tái định cư để có cân đối phù hợp.

Đại biểu Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) đánh giá đây là tuyến đường chiến lược, vì vậy Quốc hội cần áp dụng cơ chế đặc thù để phục hồi, phát triển kinh tế như chỉ định thầu, thiết kế, giải phóng mặt bằng, thi công, như vậy mới sớm hoàn thành 5.000km đường cao tốc theo quy hoạch. Nếu không có cơ chế đặc thù thì phải làm nhanh thủ tục trong năm 2022, giải phóng mặt bằng đến đâu, làm đến đó để bảo đảm tiến độ.

Theo Tờ trình của Chính phủ, với vai trò là trục xương sống, dự án đặc biệt quan trọng của đất nước, để triển khai thành công và sớm hoàn thành theo Kết luận số 18-KL/TW của Bộ Chính trị, Chính phủ kiến nghị triển khai theo hình thức đầu tư công, sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn Nhà nước. Đây cũng là một hình thức huy động nguồn lực xã hội để tiếp tục đầu tư cho kết cấu hạ tầng.

Các ĐBQH cho rằng thị trường vốn còn hạn chế, DN chưa thông qua thị trường vốn để huy động vốn cho các dự án đầu tư hạ tầng mà chủ yếu là huy động vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại, trong khi khả năng các ngân hàng thương mại cho các nhà đầu tư vay vốn để thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) là rất thấp. Do đó, việc Chính phủ đề xuất đầu tư dự án theo hình thức đầu tư công là có cơ sở.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng phương án Chính phủ đưa ra là phù hợp. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ cần đảm bảo minh bạch trong tổ chức thực hiện để không thất thoát nguồn lực đầu tư của Nhà nước.

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) cũng đề nghị Chính phủ làm rõ khả năng cân đối vốn theo phân kỳ đầu tư, tiến độ thực hiện dự án theo khoản 3, Điều 18 Luật Đầu tư công; đồng thời cần có phương án cụ thể, cơ sở pháp lý để tổ chức thực hiện thu phí, chuyển nhượng quyền thu phí đảm bảo tính khả thi, minh bạch, tránh thất thoát tài sản của Nhà nước; khả năng cân đối vốn. “Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động, đặc biệt là khả năng gây hiệu ứng lấn át khi tăng trưởng quá mức đầu tư công và nợ công đối với nền kinh tế”.

Bài, ảnh: MINH THIÊN

;
.