Chuyển đổi số (CĐS) đã được xác định là 1 trong 3 khâu đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh BR-VT giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu đến năm 2030, BR-VT cơ bản hoàn thiện CĐS và hình thành mô hình ĐTTM; kinh tế số trở thành nền tảng cốt lõi thúc đẩy kinh tế phát triển mạnh mẽ và xây dựng xã hội an toàn, nhân văn, thịnh vượng.
Bộ TT-TT và UBND tỉnh ký kết chương trình hành động thúc đẩy CĐS hồi tháng 3/2021. |
Chính quyền, DN và người dân cùng vào cuộc
Theo ông Lê Văn Tuấn, Giám đốc Sở TT-TT, CĐS là một hành trình dài có sự nỗ lực của các cấp, các ngành. Nhưng năm 2021 có thể được xem là một năm có nhiều đột phá nhất trong hành trình CĐS của tỉnh trong đó có sự vào cuộc của chính quyền, người dân và DN. Nhờ đó, tỉnh đã đạt một số kết quả khả quan: 100% TTHC đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4; là tỉnh thứ 8 và là tỉnh đầu tiên khai trương mạng 5G sau khi đợt dịch lần 4 được cơ bản kiểm soát. Bước đầu thực hiện CĐS trong nông nghiệp với việc tạo 9.000 tài khoản cho hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử; tiến hành thử nghiệm Trung tâm giám sát, điều hành Đô thị thông minh (IOC) của tỉnh; thử nghiệm tổng đài giải đáp dịch vụ công tự động dựa trên công nghệ AI. Ngoài ra, BR-VT cũng là tỉnh đầu tiên trên toàn quốc triển khai kết nối thành công chữ ký số công cộng với Cổng dịch vụ công của tỉnh; đưa vào hoạt động sàn thương mại du lịch, bước đầu thu hút hơn 250 khách sạn, cơ sở lưu trú tham gia sàn; hoàn thành kết nối Hệ thống Hội nghị truyền hình đến 100% cấp xã theo yêu cầu của Chính phủ; lần đầu tiên đưa hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến phục vụ Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND tiếp xúc cử tri...
Bên cạnh đó, CĐS cũng đã góp phần rất lớn trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh như: Cài đặt ứng dụng PC-COVID là 583.017, đạt 70%; ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử là 536.324, đạt tỷ lệ 64,4% người dân trên 18 tuổi; ứng dụng nền tảng truy vết hỗ trợ xác định F0; sử dụng thêm kênh thông tin trên zalo... BR-VT là một trong 3 tỉnh, thành phố sử dụng âm báo thoại và là tỉnh duy nhất áp dụng nhắn tin khi thuê bao di động đi vào tỉnh để tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19; là một trong 3 tỉnh đầu tiên đưa ứng dụng zalo connect vào hỗ trợ, kết nối người dân trong mùa dịch. Ngoài ra, BR-VT còn chủ động xây dựng các phần mềm hỗ trợ phòng, chống dịch như: cấp mã QR cho xe làn xanh (là một trong 3 tỉnh đầu tiên cả nước áp dụng) trước khi Bộ GT-VT triển khai đồng bộ toàn quốc; ứng dụng hỗ trợ đưa, đón người dân về quê; ứng dụng để các nhà hàng đăng ký mở lại dịch vụ trong mùa dịch.
Trong hành trình thực hiện CĐS, ngoài sự vào cuộc của các cấp chính quyền, còn có sự đồng hành của người dân và DN. Cụ thể, trong đợt dịch vừa qua, Sở TT-TT phối hợp với Sở NN-PTNT và các DN bưu chính, viễn thông đã đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử postmart và voso. Đây là bước đi cần thiết trong việc dần số hóa các sản phẩm nông nghiệp, nhằm phát triển các kênh tiêu thụ lâu dài và bền vững. Với việc mở ra 2 kênh bán hàng trực tuyến này, Viettel Post và Bưu điện tỉnh đã giúp cho người tiêu dùng tại BR-VT tiếp cận nguồn hàng hóa thiết yếu một cách nhanh chóng và an toàn.
Còn với nhiều nông dân, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn ra còn nhiều phức tạp như hiện nay, thì việc đẩy mạnh tiêu thụ nông sản tại thị trường nội địa là hết sức quan trọng. Không còn chỉ chú trọng vào thị trường truyền thống tại chợ, một số nông dân cũng đã chủ động tìm hướng kết nối, bán sản phẩm qua các kênh online, sàn giao dịch TMĐT. Sau đợt bùng phát dịch bệnh vừa qua, một số nông dân có tư tưởng tiến bộ đã ý thức mở rộng kênh tiêu thụ, chủ động tham gia sàn giao dịch TMĐT. Đây cũng là xu hướng tiêu dùng hiện nay.
Thúc đẩy tăng trưởng
BR-VT là địa phương đầu tiên đưa ứng dụng ký số từ xa tích hợp vào cổng dịch vụ công của tỉnh. |
Ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, CĐS được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII xác định là một trong những đột phá của tỉnh. Tỉnh thực hiện chương trình CĐS xác định lấy người dân, DN làm trung tâm với mục tiêu phục vụ người dân, DN ngày càng tốt hơn, góp phần nâng cao cuộc sống người dân. Trong năm 2022, BR-VT đặt mục tiêu CĐS gắn liền với cải cách hành chính và sử dụng dữ liệu, phân tích dữ liệu nhiều hơn trong việc ra quyết định; nâng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến lên 50% trong năm 2022 từ mức 17,5% hiện nay. Ngoài ra, để thúc đẩy CĐS mạnh mẽ, tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch yêu cầu các sở, ban, ngành phải phải hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin chuyên ngành còn thiếu trong 2022 và các cơ sở dữ liệu này phải có khả năng kết nối với IOC tỉnh theo thời gian thực để công khai, minh bạch và phục vụ nhu cầu phân tích dữ liệu theo nhu cầu quản lý; BR-VT cũng tiên phong đưa vào ứng dụng trợ lý ảo kết nối với kho dữ liệu để giúp đội ngũ lãnh đạo, công chức (và có thể sau này là người dân) dễ dàng tiếp cận, tra cứu số liệu của bất cứ lĩnh vực nào, vào bất cứ thời điểm nào.
Về kinh tế số, trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh đẩy mạnh, hỗ trợ đưa sản phẩm nông nghiệp với mục tiêu 30% hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản trên sàn thương mại điện tử; hướng dẫn hộ sản xuất nông nghiệp cài đặt, sử dụng Sổ tay theo dõi tình hình sản xuất trồng trọt để theo dõi toàn bộ quá trình trồng trọt, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Trong lĩnh vực du lịch, tỉnh sử dụng ứng dụng nền tảng lưu trú trực tuyến để thống kê theo thời gian thực số lượng phòng khách sạn còn trống đưa lên sàn thương mại điện tử du lịch; từng bước tiến tới thông báo giá phòng theo thời gian thực thay vì theo mức trong tuần và cuối tuần như truyền thống. Trong lĩnh vực cảng biển, tỉnh sẽ thúc đẩy triển khai nền tảng cảng biển thông minh phục vụ lưu thông liên cảng, tối ưu hóa việc luân chuyển container và vận chuyển hàng hóa. Hỗ trợ DNNVV chuyển đổi số với mục tiêu 50% DNNVV có website với tên miền .vn. Như vậy các trụ cột kinh tế sẽ thực hiện CĐS trước.
Tỉnh BR-VT đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ tích hợp các dịch vụ theo hướng tập trung phục vụ người dân và DN; toàn bộ TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và tích hợp lên cổng dịch vụ công của tỉnh. Đồng thời tỉnh cũng từng bước triển khai kinh tế số, xã hội số trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên, như: Du lịch, dịch vụ, cảng biển, tài nguyên và môi trường, y tế, giáo dục, giao thông, đô thị… Ðến năm 2030, tỉnh cơ bản hoàn thiện CĐS, xây dựng thành công chính quyền điện tử và hình thành mô hình đô thị thông minh. |
Đối với xã hội số, BR-VT sẽ tập trung vào xây dựng công dân số, trong đó trang bị cho người dân kiến thức, kỹ năng và công cụ sẵn sàng cho một xã hội số với một số chỉ tiêu như 95% người dân có thiết bị thông minh, 90% hộ gia đình có cáp quang ngay trong năm 2022, cao hơn chỉ tiêu đề ra cho toàn quốc (80%, 70%); phổ biến chữ ký số trên nền tảng di động và triển khai trên diện rộng mạng di động 5G.
Cùng với các giải pháp trên, năm 2022 BR-VT đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tăng tỷ lệ người dân có tài khoản thanh toán điện tử. BR-VT quyết tâm đạt mục tiêu 90% người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử. “Để đạt mục tiêu này, các lĩnh vực mà tỉnh yêu cầu phải phải đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt là y tế, giáo dục, điện, nước, viễn thông, các siêu thị... và khuyến khích việc nộp thuế, thanh toán dịch vụ công, trả lương không tiền mặt; tổ chức cho học sinh cấp 3 tiếp cận và có tài khoản thanh toán điện tử”, ông Thọ nói.
Bài, ảnh: QUANG VŨ