XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN HIỆN ĐẠI, NĂNG ĐỘNG, VÌ DÂN PHỤC VỤ - Kỳ 1: Xây dựng chính quyền điện tử- nền móng của chuyển đổi số

Thứ Tư, 08/12/2021, 20:44 [GMT+7]
In bài này
.

Sau 30 năm, hệ thống hạ tầng viễn thông có bước phát triển mang tính đột phá, tiên phong, bảo đảm phục vụ kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, xây dựng chính quyền điện tử làm nền tảng hướng tới chính quyền số được BR-VT xác định là nhiệm vụ quan trọng nhằm hiện đại hóa nền hành chính, phục vụ tốt hơn cho người dân và DN.

Tỉnh BR-VT là địa phương thứ 8 khai trương dịch vụ 5G, một bước đệm quan trọng cho quá trình CĐS.
Tỉnh BR-VT là địa phương thứ 8 khai trương dịch vụ 5G, một bước đệm quan trọng cho quá trình CĐS.

Công dân số

Ðã thành thói quen, mỗi khi có nhu cầu nộp hồ sơ hành chính hay cập nhật thông tin về nhà đất, chị Phạm Thị Thảo (93/18 Lê Lợi, TP. Vũng Tàu), lại dùng app “IOCVungtau” được cài đặt trên điện thoại thông minh của mình để vào xem, bốc số trực tuyến. Theo chị Thảo, đây là hình thức tương tác giữa người dân và chính quyền tiện lợi, nhanh chóng, giảm bớt thời gian đi lại rất nhiều. Trường hợp người dân hay DN có nhu cầu đến TP. Vũng Tàu nộp hồ sơ bản giấy thì cũng đã xem trước thông tin, hướng dẫn đăng tải trên app để chuẩn bị mà không phải lui tới, bổ sung giấy tờ nhiều lần.

Nhiều lĩnh vực khác thời gian qua cũng được đầu tư bài bản giúp người dân trở thành “công dân số” chủ động trong việc tiếp cận thông tin và thủ tục với các cấp chính quyền. Ông Phạm Huỳnh Quang Hiếu, Giám đốc Trung tâm CNTT (Sở TN-MT) cho biết, sở đã hoàn thành xây dựng sổ tay quản lý đất đai Mobile Android và iOS, triển khai đến phòng TN-MT, UBND các cấp để truy cập Cơ sở dữ liệu đất đai phục vụ công tác quản lý ở địa phương. Hoàn thành ứng dụng Quản lý đất công, tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu cho 7.571 khu đất với tổng diện tích 11.104,20ha và thực hiện công bố dữ liệu đến công dân và DN trên Internet; ứng dụng công bố các khu đất dự kiến đấu giá năm 2020 dưới dạng WebGIS, có thông tin vệ tinh giúp người dân và DN có điều kiện tiếp cận thông tin đấu giá đất. Đồng thời, triển khai thí điểm một số thủ tục cấp Giấy chứng nhận “không biên giới” tại TP. Bà Rịa và huyện Long Điền… Tất cả những giải pháp, ứng dụng này đều nhằm đến mục tiêu lâu dài biến mỗi người dân trở thành một “công dân số” trong sự quản lý của chính quyền điện tử.

Hiện nay, phần mềm Quản lý văn bản và điều hành đã được triển khai đến 21 sở, ban, ngành; 8 UBND huyện, thị xã, thành phố; 82 xã, phường, thị trấn, đáp ứng việc liên thông 4 cấp. Hơn 90% CBCCVC sử dụng thư công vụ trong trao đổi công việc, góp phần tiết kiệm thời gian, giấy tờ, trao đổi công việc nhanh chóng, thuận tiện và đảm bảo an toàn. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã được triển khai và đưa vào sử dụng phục vụ công tác chuyên môn; góp phần nâng cao chất lượng hoạt động quản lý và điều hành, như: Cơ sở dữ liệu ngành TN-MT; cơ sở dữ liệu về đăng ký DN; quản lý CBCCVC; cơ sở dữ liệu về giá; cơ sở dữ liệu về hộ tịch; phần mềm tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại tố cáo… Ngoài ra, tỉnh có 1 cổng thông tin điện tử và 28 trang thông tin điện tử thành phần; cung ứng dịch vụ công mức độ 3, 4 trên môi trường mạng từ 19 sở, ban, ngành, 8 huyện, thị xã, thành phố và 82 đơn vị cấp xã triển khai thực hiện.

Những năm gần đây, BR-VT luôn xếp thứ hạng cao của cả nước về các chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT- Thông tin (ICT Index), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)… Đặc biệt, trong năm 2020, BR-VT xếp vị trí thứ 7 chỉ số ICT Index. Theo Sở TT-TT, mục tiêu của BR-VT là lọt vào top đầu cả nước về ứng dụng CNTT; đồng thời thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh. Khi chính quyền điện tử được đầu tư bài bản, các chỉ số về ứng dụng CNTT đã sẵn sàng thì việc giúp mỗi người dân trở thành một “công dân số” đang đến rất gần.

Chính quyền điện tử

Ông Trương Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở TT-TT cho biết, thời kỳ đầu, khi mới thành lập, tỉnh chỉ có một DN bưu chính - viễn thông. Ở mỗi đơn vị hành chính cấp huyện chỉ có các bưu cục tập trung ở các đô thị trung tâm. Mật độ điện thoại năm 1991 chỉ đạt khoảng 0,8 máy/100 dân. Các thủ tục hành chính (TTHC) hoàn toàn được thực hiện trên các giải pháp truyền thống, trực tiếp. Với định hướng xây dựng chính quyền ngày càng hoàn thiện, bắt kịp với xu hướng công nghệ để phục vụ người dân, DN ngày càng tốt hơn nên ngay từ đầu BR-VT đã tập trung đầu tư hạ tầng CNTT, đẩy mạnh CCHC, đưa các ứng dụng vào phục vụ người dân.

Đặc biệt, trong 5 năm gần đây, diện mạo của một chính quyền điện tử đã hình thành rõ nét. Từ ngày 1/7/2017, toàn bộ các cơ quan, đơn vị Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã chấm dứt việc chuyển văn bản giấy. Ngoài ra, các đơn vị cũng tăng cường ứng dụng chữ ký số; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ; xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh... 100% các sở, ban, ngành, thành phố, huyện, xã, phường trên địa bàn tỉnh đã xử lý văn bản hoàn toàn trên mạng Internet bằng phần mềm eOffice và liên thông văn bản 4 cấp (từ xã đến Chính phủ); tích hợp chữ ký số trong xử lý văn bản; 100% phường, xã, huyện, thành phố ứng dụng phần mềm một cửa điện tử trong tiếp nhận và xử lý hồ sơ TTHC liên thông. Các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đã được cấp phát với hơn 8.000 tài khoản người dùng. Khoảng 80% CBCC-VC sử dụng thư công vụ trong trao đổi công việc. Từ tháng 1/2020, UBND tỉnh cũng đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh BR-VT và kết nối đồng bộ với Cổng dịch vụ công Chính phủ, trong đó công khai việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC của từng cá nhân, tổ chức trên môi trường trực tuyến. Các cuộc hội họp trực tiếp đã chuyển sang họp trực tuyến tại 4 điểm cầu tỉnh (Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh, Hội trường Trung tâm Hành chính, Sở TT-TT); 8 điểm cầu cấp huyện và 82/82 phường, xã, thị trấn.

Đến nay, tại 100% số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều có trạm thu, phát sóng thông tin di động 3G/4G. Tỷ lệ hộ gia đình có kết nối băng rộng cố định đạt gần 88% (xếp thứ 3 trên toàn quốc) và tỷ lệ thuê bao di động băng rộng trên 91% (xếp thứ 4 trên toàn quốc). Đặc biệt, tháng 9/2021, BR-VT là một trong 8 tỉnh đầu tiên trong cả nước phát sóng và khai trương mạng thông tin di động 5G, đáp ứng hạ tầng viễn thông băng thông rộng tốc độ cao để đẩy nhanh công cuộc số hóa và mục tiêu hình thành xã hội số trên địa bàn tỉnh. Tháng 11/2021, BR-VT là tỉnh đầu tiên khai trương dịch vụ ký số từ xa tích hợp với Cổng thông tin dịch vụ công của tỉnh. Đây được xem là những nền tảng quan trọng trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử để tiến tới chuyển đổi số trong hầu hết các ngành, các lĩnh vực.

Theo Sở TT-TT, hạ tầng kỹ thuật phục vụ ứng dụng CNTT và phát triển chính quyền điện tử tuy mới được triển khai trong thời gian gần đây, nhưng đã có những tiến bộ, có trung tâm tích hợp dữ liệu dùng chung trên nền tảng cloud đầu tiên trong cả nước. Mạng truyền số liệu chuyên dùng được các cơ quan, đơn vị duy trì, bảo đảm đáp ứng việc vận hành, kết nối các ứng dụng dùng chung như: phần mềm Một cửa điện tử, phần mềm Quản lý văn bản và điều hành... Đến nay 100% các cơ quan, đơn vị đều kết nối đường truyền số liệu chuyên dùng với tốc độ băng thông 30Mbps đối với Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh, 10Mbps đối với các sở, ban, ngành và cấp huyện, 4Mbps đối với cấp xã.

(Còn nữa)

Bài, ảnh: QUANG VŨ

;
.