Với quyết tâm không để thủ tục hành chính cản trở sự phát triển, BR-VT đã và đang cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích cho người dân, DN, hướng tới xây dựng đô thị thông minh.
Lực lượng chức năng giám sát các hoạt động về an toàn giao thông, trật tự xã hội từ trung tâm điều hành ĐTTM TP. Vũng Tàu. |
Khi thành phố trở nên thông minh
Trung tâm điều hành đô thị thông minh (ĐTTM) tại số 45 Bacu, phường 1, TP. Vũng Tàu hàng ngày tiếp nhận hàng chục ngàn hình ảnh từ hơn 1.100 camara an ninh trên các tuyến đường, ngõ ngách của thành phố. Nhiều phương tiện vi phạm Luật Giao thông hay cả người xả rác không đúng nơi quy định đã bị camera ghi lại. Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thành phố cũng được giám sát chặt chẽ hơn thông qua những “mắt thần” này.
Về phía người dân, họ có thể dùng điện thoại thông minh chụp hình, quay phim những vấn đề bất cập gặp phải trong cuộc sống như: thái độ phục vụ của cán bộ, công chức; hồ sơ chậm trễ… rồi gửi vào hệ thống “Phản ánh hiện trường” để chính quyền tiếp nhận và xử lý. Ý kiến phản ánh sẽ được Trung tâm điều hành ĐTTM TP. Vũng Tàu (IOC) xác minh và chuyển đến cơ quan chuyên môn có thẩm quyền xử lý tức thời. Kết quả xử lý sẽ được công bố trên trang thông tin điện tử Phản ánh hiện trường và ứng dụng VungtauIOC.
Theo Kế hoạch số 85/KH-UBND triển khai thử nghiệm Trung tâm giám sát, điều hành ĐTTM (IOC) tỉnh BR-VT, IOC tỉnh được triển khai thử nghiệm gồm 10 phân hệ chức năng chính như: hệ thống giám sát du lịch; hệ thống y tế; hệ thống giáo dục; hệ thống giám sát môi trường; hệ thống giao tiếp công dân (phản ánh hiện trường); hệ thống giám sát, điều hành tình hình an ninh trật tự; hệ thống giám sát, điều hành thông tin mạng xã hội... IOC tỉnh dự kiến được vận hành thử nghiệm trong tháng 12/2021 nhân dịp chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập tỉnh. |
Ông Hoàng Vũ Thảnh, Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu cho hay, trung tâm điều hành ĐTTM được đưa vào hoạt động tháng 12/2020. Với mô hình này, thành phố đã xác định vị trí “người dân là trung tâm”. Do đó, người dân được thụ hưởng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong việc giải quyết thủ tục hành chính, xử lý các phản ánh nhanh chóng. Trung tâm điều hành còn có hệ thống kiểm soát thông tin giúp thu thập bài viết, ý kiến người dân trên Internet từ nhiều nguồn như mạng xã hội, báo điện tử… tìm lọc các bài viết, ý kiến người dân về các chủ đề, từ khóa liên quan đến TP. Vũng Tàu. Đây cũng là công cụ khảo sát, đánh giá mức độ quan tâm của người dân để giúp chính quyền thành phố có những quyết sách điều hành phù hợp. Với hệ thống quản lý lưu trú, các cơ sở như nhà nghỉ, khách sạn có thể nhập thông tin và nộp báo cáo khách lưu trú tại cơ sở cho cơ quan chức năng một cách nhanh chóng, dễ dàng.
Sau hơn 1 năm vận hành Trung tâm điều hành ĐTTM, lãnh đạo TP. Vũng Tàu cho rằng, việc xây dựng ĐTTM đã mang lại 3 giá trị lớn: Người dân làm trung tâm của đối tượng thụ hưởng, chất lượng đời sống của người dân ngày càng được nâng cao; chính quyền điều hành và quản trị xã hội thông minh hơn, hiệu quả hơn; nâng cao hiệu quả năng lực quản lý Nhà nước, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh.
Người dân sử dụng ứng dụng “Sổ tay quản lý đất đai”, một trong những ứng dụng trong quá trình xây dựng chuyển đổi số, ĐTTM của Sở TN-MT. |
Phát triển đô thị thông minh
BR-VT hướng đến mục tiêu nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về mức độ chuyển đổi số, phát triển ĐTTM gắn với cải cách hành chính. Do đó, các nhiệm vụ, giải pháp được tỉnh xác định rõ ràng trong Nghị quyết về chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính, phát triển ĐTTM.
Theo ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, mục tiêu của đề án “Phát triển ĐTTM tỉnh giai đoạn 2020-2022, định hướng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” là xây dựng tỉnh BR-VT trở thành ĐTTM với trọng tâm là xây dựng Trung tâm điều hành ĐTTM tập trung của tỉnh.
Mô hình này lấy chính quyền điện tử làm nòng cốt để nâng cao hiệu quả, năng lực quản lý nhà nước, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Đồng thời, tạo ra kênh thông tin kết nối chặt chẽ giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước; giữa chính quyền với người dân, DN và tổ chức. Qua đó, nhằm phục vụ, lắng nghe phản hồi của nhân dân để xử lý, điều chỉnh kịp thời, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, xã hội…
Mục tiêu đến năm 2030, BR-VT tiệm cận được với các ĐTTM trong khu vực và trên thế giới dựa trên 6 lĩnh vực chủ yếu: Nền kinh tế thông minh; Quản trị thông minh; Môi trường thông minh; Giao thông thông minh; Cư dân thông minh; Cuộc sống văn minh và một số lĩnh vực khác.
Kinh phí thực hiện Đề án phát triển ĐTTM khoảng 3.574 tỷ đồng. Theo đó, BR-VT sẽ xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và truyền thông sẵn sàng, đủ điều kiện tối thiểu cho phát triển các dịch vụ ĐTTM; cũng như xây dựng trung tâm giám sát, điều hành ĐTTM tỉnh. Ngoài ra, BR-VT cũng xác định việc xây dựng và phát triển ĐTTM không chỉ là ứng dụng những công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất mà là sử dụng công nghệ một cách thông minh nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Việc trang bị cho nguồn nhân lực những kỹ năng cần thiết là rất quan trọng, không chỉ là những kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn, mà còn phải là kỹ năng nghiên cứu, đổi mới và sáng tạo không ngừng.
(Còn nữa)
Bài, ảnh: QUANG VŨ
Để trở thành một ĐTTM cần có 5 yếu tố cốt lõi đó là: Sự quyết tâm của lãnh đạo, tổ chức, sự đồng lòng của người dân; quy trình vận hành để phục vụ bài toán quản lý, cung cấp dịch vụ; lựa chọn các lĩnh vực ưu tiên để triển khai thực hiện, đồng thời cân bằng các mục tiêu để xây dựng theo kế hoạch dài hạn, ngắn hạn; triển khai xây dựng ĐTTM với mức độ phù hợp (phù hợp với nguồn lực trong từng giai đoạn của địa phương và phù hợp với năng lực lãnh đạo, tổ chức, người dân) và cuối cùng là lựa chọn công nghệ phù hợp và lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ có uy tín để xây dựng ĐTTM. |