Với những đổi mới mạnh mẽ, đột phá trong cải cách hành chính (CCHC) được thực hiện đồng bộ từ các cơ quan, đơn vị, địa phương đã nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền, phục vụ tốt hơn cho người, doanh nghiệp (DN). Sau 30 năm thành lập, chính quyền địa phương đã xây dựng hình ảnh BR-VT với một nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp.
Người dân làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh (số 4 Phạm Văn Đồng, TP. Bà Rịa). |
Nỗ lực làm hài lòng người dân, doanh nghiệp
Một trong những điểm mới trong công tác nâng cao chất lượng CCHC của tỉnh là việc thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công vào tháng 4/2016 tại số 4, Phạm Văn Đồng, TP. Bà Rịa. BR-VT là tỉnh thứ 4 sau tỉnh Quảng Ninh, Bình Dương và Đà Nẵng triển khai mô hình “một cửa” tập trung cấp tỉnh hiện đại và là một trong những tỉnh, thành đầu tiên trong cả nước triển khai hệ thống một cửa điện tử, tạo thuận lợi cho người dân và DN.
Ông Dương Văn Thơm, Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cho biết, Trung tâm có 30 quầy giao dịch của 19 sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh. Ngoài ra, từ năm 2020, các cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc ở địa phương cũng cử công chức, viên chức (CCVC) tiếp nhận, giải quyết hồ sơ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Trung tâm có trang thiết bị hiện đại, tiện nghi cùng đội ngũ cán bộ, CCVC chuyên nghiệp, nhiệt tình, đã đáp ứng nhu cầu giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) của người dân, DN trong và ngoài tỉnh. Ngoài nhận hồ sơ trực tiếp, Trung tâm đã đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến tại địa chỉ http://dichvucong.baria-vungtau.gov.vn, giúp người dân, DN giảm bớt thời gian và chi phí đi lại.
Chị Nguyễn Thị Cảnh, nhân viên Công ty TNHH Bellus (KCN Châu Đức, huyện Châu Đức) đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh làm TTHC xin cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài tại quầy giao dịch của Ban Quản lý các Khu công nghiệp. Theo chị Cảnh, Trung tâm tập trung nhiều quầy giao dịch của các sở, ban, ngành, đơn vị với đầy đủ các TTHC nên cần thông tin thì nhờ các chuyên viên giải thích, hướng dẫn mà không phải mất nhiều thời gian đi lại. Các chuyên viên tại đây rất niềm nở, nhiệt tình, làm việc trách nhiệm, hồ sơ được giải quyết nhanh.
Bên cạnh đó, BR-VT đã nỗ lực thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, với mục tiêu là giải quyết nhanh, gọn TTHC cho người dân, DN. Ông Trương Thanh Phong, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, đến nay, 21 cơ quan hành chính cấp tỉnh, 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 82 đơn vị hành chính cấp xã đã thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đạt 100%. Bộ phận một cửa cả 3 cấp đều hoạt động ổn định. CCVC được các sở, ngành, địa phương cử ra làm việc tại Bộ phận một cửa đều có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu, kỹ năng ứng xử tốt. Nhờ vậy, hồ sơ TTHC giải quyết đúng hạn đạt tỷ lệ cao, trung bình đạt khoảng 98%. Công tác cải cách TTHC từng bước đổi mới, nâng cao hiệu quả thiết thực.
Hàng năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát TTHC còn vướng mắc thuộc lĩnh vực đơn vị quản lý để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định. Qua đó, đã tiết kiệm hàng chục tỷ đồng chi phí cho người dân và DN trong quá trình giải quyết TTHC. Cụ thể, từ ngày 1/12/2014, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-UBND về thực hiện ngay các giải pháp nâng cao chất lượng CCHC, cải thiện chỉ số CCHC tỉnh. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị cắt giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết TTHC. Đến nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã ban hành danh mục và thực hiện cắt giảm thời gian giải quyết TTHC từ 1-10 ngày.
Nhân viên Trung tâm Điều hành đô thị thông minh TP. Vũng Tàu tiếp nhận, xử lý phản ánh của người dân qua hệ thống máy tính. |
Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở TN-MT cho biết, hiện nay có 122 TTHC về lĩnh vực đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết và tham mưu giải quyết của Sở. Từ tháng 2/2021, Sở đã cắt giảm thời gian giải quyết so với quy định đối với 13 TTHC. “Thời gian tới, Sở tiếp tục đặt nhiệm vụ công tác CCHC làm khâu đột phá, trong đó, lấy cải cách TTHC làm nhiệm vụ trọng tâm, Ban Giám đốc Sở TN-MT chỉ đạo các đơn vị tiếp tục rà soát, cắt giảm 10-50% thời gian giải quyết TTHC theo quy định. Để đạt mục tiêu này, ngày 19/5, Sở đã thành lập Tổ CCHC nhằm tham mưu các giải pháp thực hiện tốt nhiệm vụ và mục tiêu CCHC”, ông Hải cho biết thêm.
Song song đó, các đơn vị, địa phương đã nỗ lực đơn giản hóa thành phần hồ sơ, góp phần giảm chi phí cho người dân, DN, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi để người dân, DN thực hiện TTHC. Qua đó, thúc đẩy tăng trưởng phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Xây dựng nền hành chính điện tử
TP. Vũng Tàu là địa phương đi đầu trong việc xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh với sự ra đời của Trung tâm Điều hành đô thị thông minh cuối năm 2020. Hiện tại, Thành ủy Vũng Tàu đang xây dựng dự thảo Chương trình hành động về thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 25/8/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số, đô thị thông minh gắn với CCHC.
Ông Trần Đình Khoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Trưởng BCĐ Ứng dụng CNTT TP. Vũng Tàu cho biết, thành phố đặt mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý điều hành của nhà nước, tiến tới xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP. Vũng Tàu lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Ngày 22/11, Sở Thông tin-Truyền thông đã khai trương tích hợp giải pháp ký số trên nền tảng di động với Cổng dịch vụ công của tỉnh. Với sự kiện này, BR-VT trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước tiên phong trong việc tích hợp dịch vụ chứng thực chữ ký số theo mô hình ký số trên thiết bị di động và ký số từ xa vào cổng dịch vụ công của tỉnh, nhằm tạo thuận lợi cho người dân, DN khi tham gia sử dụng các dịch vụ công của tỉnh. |
“Xác định chuyển đổi số, đô thị thông minh gắn với CCHC là chương trình đột phá, thành phố huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp, các ngành. Đồng thời, sẽ tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho CBCCVC và người dân về việc xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh; tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong thực hiện TTHC; giao dịch, mua sắm, thanh toán hóa đơn… bằng các ứng dụng điện tử”, ông Trần Đình Khoa nói.
Còn ông Hoàng Nguyên Dinh, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết, hiện nay, 100% cơ quan chuyên môn và 100% xã, thị trấn có mạng nội bộ (LAN), 100% máy tính của CBCCVC có kết nối Internet để khai thác, trao đổi thông tin trên môi trường mạng. Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp xã được trang bị CNTT đầy đủ (máy tính, máy in, máy scan, camera...). Việc ứng dụng chữ ký số, chứng thư số trong phát hành văn bản được UBND huyện quan tâm thực hiện. Đến nay, UBND huyện được cấp 32 chứng thư số và 91 chữ ký số cá nhân cho các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, thị trấn để áp dụng ký số và phát hành văn bản điện tử, bảo đảm kịp thời, nhanh chóng trong thực hiện mệnh lệnh hành chính.
Bài, ảnh: THI PHONG
Chỉ số CCHC của tỉnh được nâng cao qua từng năm. Năm 2019, cả 4 chỉ số CCHC của BR-VT đều tăng điểm và được xếp hạng cao trên toàn quốc: Chỉ số CCHC (PAR INDEX) xếp hạng 9/63 toàn quốc; chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp hạng 16/63; Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp hạng 10/63; chỉ số Sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) xếp hạng 4/63. CCHC của tỉnh năm 2020 đạt kết quả đáng khích lệ: Chỉ số PCI xếp hạng 15 (tăng 1 hạng so với năm 2019), chỉ số PAPI xếp hạng 11/63 tỉnh, thành phố.
|