Sáng 1/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tiến hành họp tổ thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022.
Tỉnh cần xây dựng chính sách để phục hồi, phát triển kinh tế, trong đó, chú trọng đến việc hỗ trợ các DN khôi phục sản xuất. Trong ảnh: Người lao động Công ty Posco Yamato tuân thủ 5K trong giờ sản xuất. Ảnh: THANH NGA |
Cần có chính sách đặc thù cho y tế cơ sở
Phát biểu thảo luận tại Tổ 2, ông Mai Ngọc Thuận, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, tỉnh cần có chính sách đặc thù, quan tâm đầu tư cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, nhất là y tế cấp xã và trường học. “Lâu nay, chúng ta mới tập trung cho điều trị là chính, còn y tế dự phòng, y tế học đường chưa được đầu tư đúng mức. Do đó cần xem xét, đầu tư cho y tế cơ sở và trường học để bảo đảm sức khỏe cho nhân dân và cho HS”, ông Thuận nói.
Đồng quan điểm, ông Đặng Minh Thông, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Bà Rịa khẳng định, việc củng cố y tế cơ sở là cần thiết. Cùng với đó là việc xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình. Tuy nhiên, cần có giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, ông Đặng Minh Thông cũng đề nghị Sở Nội vụ, Sở GD-ĐT xem xét duy trì y tế học đường để chăm sóc sức khỏe cho HS, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Ông Huỳnh Sơn Tuấn, Chủ tịch LĐLD tỉnh cũng cho rằng, cần quan tâm hơn nữa và có chế độ phù hợp, thích đáng cho đội ngũ y tế cơ sở.
Đánh giá tác động của dịch bệnh trên mọi mặt
Tham gia thảo luận tại Tổ 3, ông Trần Văn Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhận định, dịch COVID-19 đã tác động sâu sắc đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội và đời sống của người dân, hoạt động của DN. Do vậy, ông Trần Văn Tuấn đề nghị cần tiếp tục quan tâm đến việc vừa tập trung phòng, chống dịch nhưng phải bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo tốt cho cuộc sống người dân và chú trọng bảo đảm an ninh-trật tự, an toàn xã hội. Cùng với đó, tỉnh cần xây dựng chính sách để phục hồi, phát triển kinh tế, trong đó, chú trọng hỗ trợ DN khôi phục sản xuất, nhất là các DN trọng điểm. “Về lâu dài, phải có các giải pháp để tăng cường chuyển đổi số, phát triển đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Ông Huỳnh Sơn Tuấn, Chủ tịch LĐLD tỉnh đề nghị cần quan tâm hơn nữa tới công tác an sinh xã hội. “Hiện nay đã xuất hiện biến chủng mới của COVID-19. Nếu biến chủng này xâm nhập địa bàn sẽ gây ra những hậu quả khó lường, khiến cho chuỗi sản xuất kinh doanh đứt gẫy, người lao động mất việc, ngừng việc. Do đó, tỉnh cần xây dựng kịch bản phù hợp với tình hình thực tế, ứng phó với biến chủng mới”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Việt, Bí thư Huyện ủy Châu Đức cho hay, đến thời điểm này, đã có nhiều doanh nghiệp cắt giảm số lượng lớn lao động, khiến cho người lao động mất việc. Nhiều công nhân đã yêu cầu địa phương, ngành chức năng can thiệp với chủ doanh nghiệp cho họ tiếp tục quay trở lại làm việc. Thời gian tới, tỉnh cần có giải pháp bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Cùng với đó, cần tiếp tục có chính sách cho người dân chịu ảnh hưởng do dịch bệnh, giúp họ vượt qua khó khăn.
Phát triển kết cấu hạ tầng
Liên quan đến phát triển hạ tầng cơ sở, bà Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị, cần đẩy nhanh việc phát triển hệ thống giao thông kết nối tỉnh với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đồng thời, tỉnh có thể xem xét xây dựng cơ chế đặc thù để trình Quốc hội, Chính phủ thông qua; từ đó, có điều kiện để tập trung nguồn lực, tạo sức bật trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Riêng tại huyện Côn Đảo, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cũng cho rằng, cần có những giải pháp để vừa bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, vừa phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
Một số đại biểu đề nghị tỉnh sớm có nghị quyết về quy hoạch khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. Ông Mai Minh Quang, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, nhiều khu vực khi hết thời hạn khai thác khó có thể hoàn nguyên môi trường, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân xung quanh. Do đó, ông Quang cho rằng, cần xem xét có Nghị quyết chuyên đề về vấn đề khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, sao cho bảo đảm đúng quy hoạch, đúng pháp luật và hoàn nguyên môi trường.
Bà Võ Ngọc Thanh Trúc, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cũng chỉ ra các vấn đề tồn tại như chưa di dời doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, chậm khắc phục tình trạng rác thải tồn đọng ở Côn Đảo… Bà Trúc đề nghị cần tăng cường kiểm tra, giám sát nghiêm các trường hợp gây ô nhiễm môi trường, thành lập tổ giúp việc hỗ trợ Ban Chỉ đạo Môi trường, hình thành khu giết mổ tập trung, đẩy nhanh xử lý rác bằng công nghệ đốt; công tác di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường vào khu sản xuất tập trung.
Ngoài ra, các đại biểu còn thảo luận các vấn đề liên quan đến việc tăng cường giám sát chất lượng dạy-học trực tuyến; giải pháp nâng cao chất lượng nguồn cán bộ; triển khai việc học tập nghị quyết bằng các hình thức phù hợp với tình hình dịch bệnh; bồi dưỡng phát triển đảng viên từ nguồn quần chúng có nhiều đóng góp trong phòng, chống dịch; đẩy mạnh chuyển đổi số, đô thị thông minh ở các địa phương…
Vừa chống dịch nhưng phải bảo đảm an sinh xã hội, cùng với đó là xây dựng chính sách để phát triển kinh tế, chú trọng hỗ trợ DN khôi phục sản xuất. Trong ảnh: Chế biến thuỷ sản tại Công ty Baseafood. Ảnh Thụy Nhiên |
NHÓM PV THỜI SỰ CHÍNH TRỊ