Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phục hồi nền kinh tế

Thứ Bảy, 30/10/2021, 17:03 [GMT+7]
In bài này
.

Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV, sáng 30/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận trực tuyến về Dự kiến Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung làm việc. Ảnh: Trang thông tin điện tử của Quốc hội
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung làm việc. Ảnh: Trang thông tin điện tử của Quốc hội

Kiến nghị gói kích thích kinh tế khoảng 10% GDP

Đa số đại biểu tán thành cao và kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về gói kích thích kinh tế khoảng 10% GDP. Từ đó, đại biểu cũng kiến nghị Quốc hội một số vấn đề phục hồi nền kinh tế.

Một là, Quốc hội ban hành một gói kích cầu khoảng 10% GDP để phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu cho nền kinh tế, bao gồm đường cao tốc, cảng biển, sân bay kết nối các đường sắt với 2 cảng biển chính: cảng Hải Phòng và cảng Cái Mép - Thị Vải. Qua đó, đạt được mục tiêu kép là xây dựng nền tảng hạ tầng kinh tế lớn và tạo việc làm.

Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh BR-VT và các đại biểu tham dự kỳ họp tại điểm cầu Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh. Ảnh: NGUYỄN THI
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh BR-VT và các đại biểu tham dự kỳ họp tại điểm cầu Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh. Ảnh: NGUYỄN THI

Hai là, hỗ trợ DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhằm xây dựng nông nghiệp nông thôn ổn định, bền vững. Nông nghiệp đã là trụ đỡ cho nền kinh tế qua 2 lần khủng hoảng, là khủng hoảng tài chính năm 2008 và lần này. Tuy nhiên, Viêt Nam tới đây sẽ tham gia sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, khả năng kim ngạch xuất khẩu sẽ gấp đôi GDP. Và khi khủng hoảng thì nông nghiệp khó đỡ cho chính nó. Do vậy, cần hỗ trợ ngay từ bây giờ để tạo việc làm và thu nhập cho người dân ngay tại quê hương.

Bên cạnh đó, cần có giải pháp khắc phục các tồn tại, bất cập trong thực hiện thu ngân sách nhà nước. Đặc biệt, đối với các hoạt động chuyển giá, thương mại điện tử và các hình thức kinh doanh trên nền tảng số. Quỹ tài chính có nguồn thu, nhiệm vụ chi trùng với ngân sách nhà nước không còn phù hợp. Cân nhắc trong việc điều tiết khoản thu ngân sách trung ương về địa phương để vừa đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, vừa đảm bảo trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Phải vượt qua tư duy nhiệm kỳ, lợi ích của bộ, ngành, địa phương

Phát biểu giải trình, tiếp thu và làm rõ những vấn đề mà đại biểu quan tâm về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây không phải là vấn đề mới. Bởi, chúng ta đã thực hiện trong 10 năm qua, nhưng có bối cảnh mới là chúng ta đang tiến hành thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra với nhiều mục tiêu lớn, khát vọng lớn trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chóng và bất định, tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 và nhiều thách thức đang đặt ra. Bên cạnh đó là các vấn đề lớn như liên kết phát triển vùng, chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế biển…

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc thúc đẩy nhanh hơn, thực chất hơn, hiệu quả hơn của nền kinh tế là những vấn đề hết sức cần thiết hiện nay. Bộ trưởng cho rằng, nếu chúng ta chậm một bước thì sẽ có nhiều vấn đề đặt ra như không vượt qua được bẫy thu nhập trung bình; không ứng phó được với biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh; không tiếp cận được với cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; không tận dụng được quá trình hội nhập quốc tế mà chúng ta đang tham gia các hiệp định thương mại tự do; không nâng cao được năng lực tự chủ, tính thích ứng của nền kinh tế và không tận dụng được cơ hội mới đang hình thành sau đại dịch…

Ngày 30/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Ảnh: Trang thông tin điện tử của Quốc hội
Ngày 30/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Ảnh: Trang thông tin điện tử của Quốc hội

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cơ cấu lại nền kinh tế là quá trình thay đổi thể chế chính sách kinh tế phù hợp với tình hình mới, phân bổ lại nguồn lực phát triển ở tầm quốc gia để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, từ đó nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Đó là sự thay đổi, điều chỉnh trong quá trình chỉ đạo, điều hành để hình thành cơ cấu kinh tế mới hợp lý hơn, hiệu quả hơn.

“Chúng ta không chỉ tập trung vào cơ cấu lại các ngành, các thành phần kinh tế hay không gian kinh tế mà còn quan tâm đến các lĩnh vực quan trọng có tiềm năng, lợi thế để trở thành mũi nhọn mang tính lan toả, dẫn dắt, đóng góp nhiều hơn vào nền kinh tế. Ba đột phá lớn của cơ cấu lại nền kinh tế là thể chế, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Các bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu thấy được trách nhiệm của mình để tích cực thực hiện với tư duy mới để vượt qua tư duy nhiệm kỳ, tư duy lợi ích, cục bộ của bộ ngành, phải tính đến sự phát triển tổng thể và hiệu quả chung của nền kinh tế.

Buổi chiều, các đại biểu tham gia thảo luận trực tuyến về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).

Cần bổ sung thêm mục tiêu giải pháp khắc phục hiệu quả tác động của đại dịch  COVID-19

Về mục tiêu tổng quát trong Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, tôi đề xuất Chính phủ cân nhắc bổ sung thêm nội dung “Thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục có hiệu quả tác động của đại dịch COVID-19, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế”. Vì trong giai đoạn tới, bối cảnh thế giới trở nên bất định và nhiều rủi ro hơn bởi COVID-19, nên cần phải hướng tới thêm mục tiêu này.

Trong phần nhiệm vụ, giải pháp, về cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, qua nghiên cứu, tôi nhận thấy nguyên nhân hạn chế trong cơ cấu lại các tổ chức tín dụng chủ yếu là nguyên nhân chủ quan, tập trung chính ở cơ sở pháp lý với sự chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất liên quan đến các Luật, Nghị định, Thông tư. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh trách nhiệm, tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ trong rà soát, điều chỉnh hoàn thiện cơ chế pháp lý có sự bất cập và chưa kịp thời, để sự thiếu đồng bộ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quá lớn, diễn ra trong thời gian dài. Tôi đề nghị cần rà soát lại các vướng mắc pháp lý một cách tổng thể và toàn diện, nhằm tập trung xây dựng “hoàn thiện hành lang pháp lý” để “thông điểm nghẽn”; để cơ cấu lại tổ chức tín dụng.

Về nội dung cơ cấu lại DN nhà nước, thoái vốn DN nhà nước, hiện nay, cơ cấu lại DN nhà nước chủ yếu được thực hiện theo hình thức cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2016 - 2020, số lượng DN thực hiện cổ phần hóa là 39/128 DN chỉ đạt 28% - 30 % kế hoạch.

Do đó, để làm được điều này, cần chú trọng hoàn thiện thể chế; hiện đại hóa quản trị DN; phân định rõ việc quản lý vốn và quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh. Phân loại DN để thúc đẩy cải cách; chia DN nhà nước thành 2 loại hình lớn là thương mại và công ích; đảm bảo công khai, minh bạch.

(Trích nội dung bài đăng ký phát biểu thảo luận tại Kỳ họp vào sáng 30/10 của bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh BR-VT)

NGUYỄN THI

 

 

;
.