Tăng cường hiệu lực giám sát của Quốc hội
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 11, họp phiên toàn thể tại Hội trường ngày 26/3, Quốc hội đã thảo luận về thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; các báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội.
Ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội khẳng định, nhìn lại chặng đường 5 năm, Quốc hội khóa XIV đã luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, cố gắng cao nhất để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đã thành công với những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực từ lập pháp, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước đến ngoại giao nghị viện, góp phần đưa đất nước vững bước vượt qua khó khăn, tạo ra những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong đời sống kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.
Các quyết sách của Quốc hội luôn xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc, từ yêu cầu phát triển của đất nước, tạo nên những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong đời sống kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được trong hoạt động lập pháp, một số ý kiến cho rằng, hoạt động lập pháp cũng còn những hạn chế nhất định như chương trình xây dựng luật, pháp lệnh còn phải điều chỉnh nhiều; một số dự án, dự thảo được đưa vào chương trình nhưng chính sách chưa rõ, chưa đánh giá tác động sâu sắc; một số báo cáo thẩm tra còn có nội dung chưa thể hiện rõ quan điểm, chưa cung cấp đầy đủ luận cứ phục vụ việc xem xét, lựa chọn phương án đối với vấn đề còn có ý kiến khác nhau…
Về hoạt động giám sát, một số ý kiến đại biểu đề nghị cần quan tâm nâng cao hơn nữa hiệu quả giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tránh tình trạng tham nhũng chính sách.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo một số đại biểu, hoạt động giám sát vẫn còn những hạn chế như: Hiệu quả giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa cao, nhất là văn bản quy định chi tiết thi hành luật. Việc giám sát chưa toàn diện, nhiều lĩnh vực bị “bỏ ngỏ” như lĩnh vực dân tộc, thiểu số miền núi. Giám sát của Quốc hội, các cơ quan của của Quốc hội chưa được thực hiện ở những việc vụ lớn nổi cộm, bức xúc dư luận; việc giám sát cá nhân của đại biểu Quốc hội chưa được thực hiện nhiều; chưa có cơ chế xác định bổn phận và trách nhiệm và điều kiện thực hiện giám sát của cá nhân.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) cho rằng, vấn đề hậu giám sát cần được Quốc hội quan tâm hơn nữa: “Quốc hội quan tâm nghiên cứu thêm về hậu giám sát một cách thiết thực, cụ thể với các tiêu chí định lượng rõ ràng, các chỉ số đo khả tín, tạo niềm tin vững chắc hơn cho cử tri với công tác giám sát của Quốc hội. Thực tế Đảng, Chính phủ, các cấp đã rất tích cực xử lý đơn thư nhưng vẫn còn những vụ việc kéo dài. Rất nhiều vụ việc đã có các văn bản ngừng tiếp nhận đơn thư của các cấp nhưng người dân vẫn tiếp tục gửi đơn ý kiến và không muốn ra tòa. Về việc này, tôi nghĩ cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và giám sát việc thực hiện pháp luật hơn nữa. Cần nghiên cứu thêm các giải pháp hiệu quả hơn để không làm lãng phí thời gian của người dân, của đại biểu Quốc hội và các cơ quan có trách nhiệm giải quyết và cũng tạo thêm niềm tin của cử tri đối với Quốc hội”.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Long An) cho rằng, cần làm rõ trong báo cáo tổng kết nhiệm kỳ về một số điểm còn hạn chế trong công tác giám sát liên quan đến vấn đề hậu giám sát và phải đưa nội dung này vào báo cáo tổng kết nhiệm kỳ khóa XIV. Theo đại biểu, cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, nhất là Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, đổi mới cơ chế để tăng cường hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề, tăng cường vai trò của đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đối với hậu giám sát.
Theo đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị), cần có cơ chế giám sát đối với từng đại biểu Quốc hội, có cơ chế giám sát “lời hứa” của các đại biểu. Đại biểu đề nghị Quốc hội khóa mới cần chủ động hơn nữa, dành thời gian giám sát hoạt động tư pháp, tăng cường giám sát các vụ việc để Quốc hội thực sự lắng nghe, thấu hiểu, hành động vì dân.
HẢI LIÊN