Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng có điểm gì khác biệt?
(Tiếp theo kỳ trước)
Theo các nghị quyết số 97/2019/QH14, số 119/2020/QH14 và số 131/2020/QH14 của Quốc hội thì tại TP.Hà Nội, TP.Đà Nẵng sẽ tổ chức thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, TP.Hồ Chí Minh sẽ chính thức thực hiện mô hình chính quyền đô thị từ năm 2021. Theo đó, bắt đầu từ nhiệm kỳ 2021-2026, ở các phường của TP.Hà Nội sẽ không tổ chức HĐND phường; ở các quận, phường của TP.Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh đều không tổ chức HĐND quận, HĐND phường. Như vậy, việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn các thành phố nói trên sẽ được tiến hành như sau:
- Trên địa bàn TP.Hà Nội, chỉ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND TP.Hà Nội, đại biểu HĐND các quận, đại biểu HĐND TX.Sơn Tây, đại biểu HĐND các huyện thuộc TP.Hà Nội và đại biểu HĐND các xã, thị trấn thuộc các huyện, thị xã của TP.Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026.
- Trên địa bàn TP.Đà Nẵng, chỉ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND TP.Đà Nẵng, đại biểu HĐND huyện Hòa Vang và đại biểu HĐND các xã thuộc huyện Hòa Vang nhiệm kỳ 2021-2026.
- Trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh, chỉ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND TP.Hồ Chí Minh, đại biểu HĐND TP.Thủ Đức, đại biểu HĐND các huyện thuộc TP.Hồ Chí Minh và đại biểu HĐND các xã, thị trấn thuộc các huyện của TP.Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2021-2026.
Việc thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng được thực hiện thế nào?
Để tổ chức việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND nêu tại Câu 78, TP.Hà Nội, TP.Đà Nẵng và TP.Hồ Chí Minh sẽ cần thành lập các loại tổ chức phụ trách bầu cử sau đây:
1. Đối với TP.Hà Nội:
- Thành lập Ủy ban bầu cử ở TP.Hà Nội để thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và tổ chức bầu cử đại biểu HĐND TP.Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026.
- Thành lập Ủy ban bầu cử đại biểu HĐND ở các quận, huyện, thị xã, xã, thị trấn trên địa bàn TP.Hà Nội để tổ chức bầu cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026 ở từng đơn vị hành chính tương ứng. Không thành lập Ủy ban bầu cử đại biểu HĐND phường tại các phường thuộc quận, thị xã của TP.Hà Nội.
- Thành lập các Ban bầu cử đại biểu Quốc hội tại mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội trên địa bàn TP.Hà Nội.
- Thành lập các Ban bầu cử đại biểu HĐND TP.Hà Nội, Ban bầu cử đại biểu HĐND huyện, quận, thị xã, xã, thị trấn tại mỗi đơn vị bầu cử đại biểu HĐND của cấp tương ứng. Không thành lập Ban bầu cử đại biểu HĐND phường tại các phường thuộc quận, thị xã thuộc TP.Hà Nội.
- Thành lập ở mỗi khu vực bỏ phiếu một Tổ bầu cử để thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND của cấp được tổ chức bầu cử trên địa bàn khu vực bỏ phiếu. Như vậy, Tổ bầu cử được thành lập ở các khu vực bỏ phiếu trên địa bàn các quận nội thành của TP.Hà Nội và các phường thuộc thị xã Sơn Tây sẽ chỉ thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND TP.Hà Nội, đại biểu HĐND quận hoặc thị xã thuộc TP.Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026.
2. Đối với TP.Hồ Chí Minh và TP.Đà Nẵng:
- Thành lập Ủy ban bầu cử ở TP.Hồ Chí Minh, TP.Đà Nẵng để thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và tổ chức bầu cử đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ 2021-2026.
- Thành lập Ủy ban bầu cử đại biểu HĐND ở TP.Thủ Đức, các huyện, xã, thị trấn trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh, ở huyện Hòa Vang, các xã thuộc huyện Hòa Vang của TP.Đà Nẵng để tổ chức bầu cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026 ở từng đơn vị hành chính tương ứng. Không thành lập Ủy ban bầu cử đại biểu HĐND quận, Ủy ban bầu cử đại biểu HĐND phường tại các quận và tại các phường thuộc quận của TP.Hồ Chí Minh, TP.Đà Nẵng; không thành lập Ủy ban bầu cử đại biểu HĐND phường tại các phường thuộc TP.Thủ Đức.
- Thành lập các Ban bầu cử đại biểu Quốc hội tại mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh, TP.Đà Nẵng.
- Thành lập các Ban bầu cử đại biểu HĐND TP.Hồ Chí Minh, Ban bầu cử đại biểu HĐND TP.Thủ Đức, Ban bầu cử đại biểu HĐND huyện, xã, thị trấn tại mỗi đơn vị bầu cử đại biểu HĐND của cấp tương ứng trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh. Thành lập các Ban bầu cử đại biểu HĐND TP.Đà Nẵng, Ban bầu cử đại biểu HĐND huyện Hòa Vang, Ban bầu cử đại biểu HĐND các xã thuộc huyện Hòa Vang thuộc TP.Đà Nẵng. Không thành lập Ban bầu cử đại biểu HĐND quận, Ban bầu cử đại biểu HĐND phường tại các phường thuộc quận của TP.Hồ Chí Minh và TP.Đà Nẵng; không thành lập Ban bầu cử đại biểu HĐND phường tại các phường thuộc TP.Thủ Đức.
- Thành lập ở mỗi khu vực bỏ phiếu một Tổ bầu cử để thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND của cấp được tổ chức bầu cử trên địa bàn khu vực bỏ phiếu. Như vậy, Tổ bầu cử được thành lập ở các khu vực bỏ phiếu trên địa bàn các quận của TP.Hồ Chí Minh, TP.Đà Nẵng sẽ chỉ thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND TP.Hồ Chí Minh hoặc đại biểu HĐND TP.Đà Nẵng nhiệm kỳ 2021-2026; Tổ bầu cử được thành lập ở các khu vực bỏ phiếu trên địa bàn TP.Thủ Đức chỉ thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND TP.Hồ Chí Minh, đại biểu HĐND TP.Thủ Đức nhiệm kỳ 2021-2026.
Do số lượng các tổ chức phụ trách bầu cử tại các thành phố sẽ tổ chức mô hình chính quyền đô thị có sự giảm bớt khá nhiều so với các đơn vị hành chính thông thường khác, nên để có thể bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và tổ chức bầu cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn, thì cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là Ủy ban bầu cử ở các thành phố nói trên, cần tập trung đẩy mạnh, tổ chức thực hiện tốt công tác chỉ đạo việc tổ chức bầu cử; kiểm tra, đôn đốc việc thi hành pháp luật về bầu cử trên toàn địa bàn thành phố; chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về cuộc bầu cử; chú trọng công tác bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; có phương án chủ động ứng phó với những tình huống thiên tai, dịch bệnh có thể xẩy ra trong thời gian tiến hành bầu cử,... Sau khi kết thúc cuộc bầu cử, các tổ chức phụ trách bầu cử cần tiến hành tổng kết cụ thể, chi tiết về việc triển khai thực hiện công tác bầu cử ở địa phương mình để đánh giá, rút kinh nghiệm, chỉ ra các nội dung còn khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp, điều chỉnh cần thiết nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác này trong các kỳ bầu cử tiếp theo.
(Còn nữa)