.

Số người được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV, đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026

Cập nhật: 17:29, 30/03/2021 (GMT+7)

Số người được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV, đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 là phụ nữ, người dân tộc thiểu số có bảo đảm theo quy định không?

Hỏi: Tỉnh BR-VT đã hoàn thành hiệp thương lần thứ hai, vậy, đến thời điểm này, số người được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV, đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 là phụ nữ, là người dân tộc thiểu số có bảo đảm theo quy định hay không?

(Lê Thị Phương Trà, TP.Vũng Tàu)

Trả lời: Tại hội nghị hiệp thương lần thứ hai, tổng số ứng cử ĐBQH khóa XV của tỉnh BR-VT là 11, trong đó có 1 trường hợp tự ứng cử. Trong số 11 người ứng cử ĐBQH khóa XV, có 5 nữ (tỷ lệ 45,4%), 2 trường hợp là người dân tộc thiểu số (18%). 

Tổng số ứng cử đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 sau hiệp thương lần thứ hai là 94 trường hợp, trong đó có 1 trường hợp tự ứng cử, còn lại là giới thiệu ứng cử. Về tỷ lệ nữ đến thời điểm này là 38/94 người (40,4%). Về tỷ lệ người dân tộc thiểu số hiện là 2/94, đạt 2,1%. 

Theo quy định, tỷ lệ nữ ứng cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 là 35%, số lượng người ứng cử là người dân tộc thiểu số được xác định phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương, không quy định tỷ lệ. Như vậy, về cơ cấu đối với người ứng cử là nữ và dân tộc thiểu số, đến thời điểm này, BR-VT  bảo đảm đạt theo yêu cầu. 

Hỏi: Tôi là Việt kiều vừa về nước và hiện đang được cách ly tập trung tại TP.Vũng Tàu theo quy định phòng, chống COVID-19. Tôi được biết, hiện đang lập danh sách cử tri để bỏ phiếu cho cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026. Vậy trường hợp của tôi có được tham gia bỏ phiếu hay không?

(Lương Nguyễn)

Trả lời: Theo quy định hiện hành, cử tri là người có quyền bầu cử. Công dân Việt Nam (có quốc tịch Việt Nam), tính đến ngày bầu cử, đủ 18 tuổi trở lên và có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về bầu cử đều có quyền bầu cử. 

Như vậy, để được tham gia bầu cử, ông phải có quốc tịch Việt Nam, đủ 18 tuổi trở lên và không thuộc những trường hợp không được ghi tên vào danh sách cử tri (gồm: người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án; người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo; người mất năng lực hành vi dân sự).

Việc xác định người có quốc tịch Việt Nam dựa trên các cơ sở sau:

Thứ nhất, theo Luật Quốc tịch năm 2008 thì một trong các giấy tờ sau đây có giá trị chứng minh người có quốc tịch Việt Nam: giấy khai sinh (trường hợp giấy khai sinh không thể hiện rõ quốc tịch Việt Nam thì phải kèm theo giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam của cha mẹ); giấy chứng minh nhân dân/CCCD; hộ chiếu Việt Nam; quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam, quyết định công nhận việc nuôi con nuôi đối với trẻ em là người nước ngoài, quyết định cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi (Điều 11, Luật Quốc tịch năm 2008).

Thứ hai, người được xác định có quốc tịch Việt Nam, nếu có một trong những căn cứ sau đây: do sinh ra theo quy định tại các điều 15, 16 và 17 của Luật Quốc tịch năm 2008; được nhập quốc tịch Việt Nam; được trở lại quốc tịch Việt Nam; theo quy định tại các điều 18, 35 và 37 của Luật Quốc tịch năm 2008; theo Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên (Điều 14, Luật Quốc tịch năm 2008).

Hỏi: Tại khu dân cư nơi tôi cư trú, có trường hợp vừa bị Tòa án kết án tù nhưng được hưởng án treo. Đối với trường hợp này có được tham gia bầu cử hay không?

(Trịnh Vũ Nam, huyện Châu Đức)

Trả lời: Khoản 1 Điều 30 của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND quy định: Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án; người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo; người mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri. 

Như vậy, công dân đủ mười tám tuổi trở lên, đủ năng lực hành vi dân sự, bị Tòa án kết án tù nhưng được hưởng án treo, nếu không bị tước quyền bầu cử (trong bản án không ghi bị mất quyền bầu cử) vẫn có quyền bầu cử và được ghi tên vào danh sách cử tri ở nơi mình cư trú để tham gia bầu ĐBQH và đại biểu HĐND theo quy định của pháp luật.

(Còn nữa)

ỦY BAN BẦU CỬ TỈNH

 
.
.
.