BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HĐND CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021-2026

Khi nào Hội đồng bầu cử quốc gia kết thúc nhiệm vụ?

Chủ Nhật, 28/03/2021, 18:02 [GMT+7]
In bài này
.

Hội đồng bầu cử quốc gia kết thúc nhiệm vụ sau khi đã trình Quốc hội khóa XV báo cáo tổng kết cuộc bầu cử trong cả nước và kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội được bầu, bàn giao biên bản tổng kết và hồ sơ, tài liệu về bầu cử đại biểu Quốc hội cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV.

Khi nào Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử, Tổ bầu cử kết thúc nhiệm vụ?

Ủy ban bầu cử ở cấp tỉnh, Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Tổ bầu cử kết thúc nhiệm vụ đối với bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV sau khi Hội đồng bầu cử quốc gia kết thúc việc tổng kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội trong cả nước và công bố kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV.

Ủy ban bầu cử ở các cấp kết thúc nhiệm vụ đối với bầu cử đại biểu HĐND cùng cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sau khi Ủy ban bầu cử đã trình báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu HĐND và hồ sơ, tài liệu về bầu cử tại kỳ họp thứ nhất của HĐND cấp tương ứng nhiệm kỳ 2021-2026.

Ban bầu cử đại biểu HĐND, Tổ bầu cử hết nhiệm vụ đối với bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sau khi Ủy ban bầu cử ở cấp tương ứng kết thúc việc tổng kết công tác bầu cử và công bố kết quả bầu cử đại biểu HĐND của cấp mình nhiệm kỳ 2021-2026.

Đối với đơn vị hành chính cấp xã chỉ có 1 khu vực bỏ phiếu thì Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp xã có đồng thời thực hiện nhiệm vụ của Tổ bầu cử được hay không?

Tại đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp xã chỉ có duy nhất một khu vực bỏ phiếu, vẫn thành lập Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp xã và Tổ bầu cử ở khu vực bỏ phiếu. Thành viên Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp xã có thể kiêm nhiệm làm thành viên của Tổ bầu cử. Ban bầu cử, Tổ bầu cử thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật về bầu cử.

Những trường hợp không được tham gia vào các tổ chức phụ trách bầu cử và việc thay đổi, bổ sung hoặc giữ nguyên thành viên tổ chức phụ trách bầu cử được quy định như thế nào?

Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND không được làm thành viên Ban bầu cử hoặc Tổ bầu cử ở đơn vị bầu cử mà mình ứng cử.

Nếu đã là thành viên của Ban bầu cử hoặc Tổ bầu cử ở đơn vị bầu cử mà mình có tên trong Danh sách chính thức những người ứng cử thì người ứng cử phải xin rút khỏi danh sách thành viên của tổ chức phụ trách bầu cử đó chậm nhất là vào ngày công bố Danh sách chính thức những người ứng cử theo từng đơn vị bầu cử. Trường hợp người ứng cử không có đơn xin rút thì cơ quan đã quyết định thành lập Ban bầu cử, Tổ bầu cử ra quyết định xóa tên người đó khỏi danh sách thành viên của tổ chức phụ trách bầu cử và bổ sung thành viên khác để thay thế.

Trường hợp bị khuyết thành viên tổ chức phụ trách bầu cử thì xử lý như thế nào?

Trường hợp thành viên tổ chức phụ trách bầu cử bị chết, bị kỷ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc vì lý do khác dẫn đến khuyết thành viên tổ chức phụ trách bầu cử so với số lượng ghi trong quyết định thành lập thì căn cứ tình hình cụ thể của mỗi địa phương, Ủy ban nhân dân sau khi thống nhất với Thường trực HĐND và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định thay đổi, bổ sung thành viên tổ chức phụ trách bầu cử ở cấp mình trước ngày bầu cử.

Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử có được cử thêm chức danh Thư ký Ủy ban bầu cử và Thư ký Ban bầu cử để thường xuyên giúp việc cho các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương hay không?

Các luật bầu cử trước đây có quy định về chức danh Thư ký Ủy ban bầu cử, Thư ký Ban bầu cử trong số các thành viên của Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử. Tuy nhiên, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015 không có quy định cụ thể về chức danh này. Điều 4 của Thông tư số 01/2021/TT-BNV ngày 11/1/2021 của Bộ Nội vụ hướng dẫn nghiệp vụ công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-20261 đã nêu rõ: Người đứng đầu tổ chức phụ trách bầu cử chịu trách nhiệm phân công nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của từng thành viên tổ chức phụ trách bầu cử cấp mình từ giai đoạn chuẩn bị, triển khai, tổ chức ngày bầu cử, các công việc tiến hành sau ngày bầu cử cho đến khi kết thúc cuộc bầu cử; trong đó phân công một thành viên làm thư ký chịu trách nhiệm quản lý tài liệu, con dấu, tổng hợp chung công tác bầu cử của Ủy ban bầu cử và Ban bầu cử. Do đó, Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử có thể phân công một Phó Trưởng ban hoặc một Ủy viên thực hiện các nhiệm vụ của Thư ký Ủy ban bầu cử, Thư ký Ban bầu cử trước đây mà không cần có chức danh riêng cho công tác này.

Địa phương có thể thành lập thêm các tổ chức trung gian ở xã, phường, thị trấn và ở các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh để giúp các Ban bầu cử tập hợp kết quả bầu cử được không?

Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND đã quy định rõ về các tổ chức phụ trách bầu cử ở trung ương và ở địa phương. Nhiệm vụ, quyền hạn của từng loại tổ chức phụ trách bầu cử cũng đã được quy định rất cụ thể. Vì vậy, để bảo đảm thống nhất và phù hợp với các quy định của pháp luật, các địa phương không được thành lập thêm các tổ chức trung gian để tập hợp kết quả bầu cử hoặc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác mà Luật đã quy định cho các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương.

(Còn nữa)

 
;
.