.
NGÀY LÀM VIỆC THỨ 4, ĐẠI HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN CÁC VĂN KIỆN

Đổi mới, sáng tạo để phát triển

Cập nhật: 22:43, 28/01/2021 (GMT+7)

Sáng 28/1, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng bước sang ngày thứ 4. Đại hội tiếp tục dành buổi sáng làm việc tại hội trường để đại biểu tiếp tục thảo luận các văn kiện Đại hội. Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội thay mặt Đoàn Chủ tịch điều hành phiên thảo luận. 

13 tham luận của các đại biểu đến từ các đảng bộ các cơ quan, đơn vị trung ương và địa phương đã góp phần làm rõ thêm các vấn đề đặt ra tại các văn kiện trình Đại hội.

Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội thay mặt Đoàn Chủ tịch điều hành phiên họp.
Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội thay mặt Đoàn Chủ tịch điều hành phiên họp.

TẠO MÔI TRƯỜNG THUẬN LỢI CHO ĐẦU TƯ KINH DOANH 

Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, thành tựu của công cuộc đổi mới đã tạo nên nền tảng phát triển to lớn cho kinh tế đất nước. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là động lực cho phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện mục tiêu sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. 

Đến nay, Việt Nam đã hình thành được một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như: khai thác, chế biến dầu khí; điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin; luyện kim, sắt thép; xi măng và vật liệu xây dựng; dệt may, da giày; cơ khí chế biến chế tạo, ô tô, xe máy..., tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng dài hạn, cũng như thúc đẩy quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước. Trong giai đoạn chiến lược 10 năm qua 2011 - 2020, công nghiệp là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các ngành kinh tế với đóng góp xấp xỉ 30% vào GDP và trở thành ngành xuất khẩu chủ lực của đất nước, góp phần đưa Việt Nam từ vị trí thứ 50 (năm 2010) lên vị trí thứ 22 (năm 2019) trong các quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới.  

Cùng với việc chỉ ra những hạn chế, thách thức đặt ra trong quá trình phát triển công nghiệp của nước ta, đồng chí Trần Tuấn Anh cũng khẳng định Việt Nam đứng trước những cơ hội quý giá để có thể tận dụng nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển và vươn lên mạnh mẽ. Đó là dòng chảy đầu tư của thế giới về các địa bàn có môi trường ổn định, trong đó Việt Nam đang trở thành điểm sáng, ngày càng chiếm được lòng tin của các doanh nghiệp và nhà đầu tư trên thế giới. “Quá trình chuyển đổi số, sự phát triển các mô hình kinh doanh mới, sự thay đổi phương thức sản xuất, tiêu dùng và giao tiếp trên toàn cầu, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng là cơ hội tốt để những nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam có thể rút ngắn thời gian, bắt kịp các nền kinh tế phát triển”, đồng chí Trần Tuấn Anh bày tỏ tin tưởng. 

Để đạt điều đó, Việt Nam cần tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên cơ sở tái cơ cấu mạnh mẽ từng ngành, từng lĩnh vực và khai thác triệt để thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; thực hiện có hiệu quả việc phân bổ nguồn lực cho phát triển, tập trung nguồn lực tạo ra các cực tăng trưởng, đầu tàu phát triển mạnh trong các ngành, lĩnh vực. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh đến việc tiếp tục phát huy vai trò của khu vực kinh tế ngoài nhà nước, đặc biệt là kinh tế tư nhân trong nước ở các ngành quan trọng như công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn, bán lẻ, dịch vụ phân phối, chế biến nông sản, sắt thép; tiếp tục hoàn thiện thể chế theo hướng Chính phủ kiến tạo, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho đầu tư kinh doanh. 

Các đại biểu dự phiên thảo luận các văn kiện đại hội tại hội trường, sáng 28/1.
Các đại biểu dự phiên thảo luận các văn kiện đại hội tại hội trường, sáng 28/1.

KHOA HỌC-CÔNG NGHỆ LÀ CHÌA KHÓA CỦA PHÁT TRIỂN

Đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, khoa học và công nghệ Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ và thành tựu nổi bật, đóng góp thiết thực cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, củng cố quốc phòng và an ninh quốc gia, cải thiện an sinh xã hội và chất lượng cuộc sống người dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội bền vững. 

 “Khoa học kỹ thuật và công nghệ đã phát triển lên tầm cao mới về năng lực và trình độ nghiên cứu, đóng góp ngày càng hiệu quả hơn cho phát triển kinh tế-xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Các công nghệ chủ chốt của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được nhanh chóng tiếp thu, thúc đẩy ứng dụng trong các chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ”, đồng chí Huỳnh Thành Đạt khẳng định.

Theo mục tiêu đề ra, đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. “Với mục tiêu này, việc tiếp tục duy trì mô hình tăng trưởng dựa vào vốn và lao động như trước đây sẽ không còn phù hợp bởi mô hình này còn rất ít dư địa, có xu hướng chững lại và có nguy cơ đưa nước ta rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các quốc gia trên thế giới”, đồng chí Huỳnh Thành Đạt phân tích. 

Do vậy, Bộ trưởng Bộ Khoa học-Công nghệ cho rằng trong giai đoạn tới, khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã trở thành một trong những xu hướng phát triển của thời đại, Việt Nam cần phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng hiện nay sang mô hình dựa trên khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế để phát triển đất nước nhanh, bền vững, độc lập, tự chủ, sớm đạt ngang tầm với các quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới. 

Đồng chí Nguyễn Văn Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cùng các đại biểu trao đổi trong giờ giải lao sáng 28/1.
Đồng chí Nguyễn Văn Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cùng các đại biểu trao đổi trong giờ giải lao sáng 28/1.

ĐƯA VIỆT NAM THÀNH QUỐC GIA SỐ 

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT-TT cho biết, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030, đặt ra các mục tiêu: Việt Nam sẽ thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử, Kinh tế số đóng góp 30% GDP; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 8%; mọi người dân có cơ hội tiếp cận, trải nghiệm các dịch vụ thiết yếu thông minh, không ai bị bỏ lại phía sau.  

Để đạt được mục tiêu đó, cần có quyết tâm và đột phá với cách làm mới, phù hợp với bối cảnh và thực tiễn. Trong đó, phát huy nội lực là cách làm của Việt Nam. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng độc lập”. Trong thời đại số, khi không gian mạng đã trở thành không gian chiến lược thứ năm, chuyển đổi số đặt ra yêu cầu cấp bách về việc tự chủ trên không gian mạng, di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục trở thành kim chỉ nam xuyên suốt cho quá trình chuyển đổi số của Việt Nam: làm chủ hạ tầng số, làm chủ các nền tảng số, từ đó làm chủ không gian mạng quốc gia dựa trên các sản phẩm “made in Viet Nam”.

Thông qua số lượng Ủy viên BCH Trung ương Đảng khóa XIII
180 Ủy viên chính thức, 20 Ủy viên dự khuyết
Cũng trong ngày làm việc thứ 4, Đại hội làm việc tại Hội trường về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư thay mặt Đoàn Chủ tịch điều hành phiên họp. Đại hội đã thảo luận và biểu quyết thông qua số lượng Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII là 200 đồng chí, gồm 180 Ủy viên chính thức và 20 Ủy viên dự khuyết.

 

Theo đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam có thị trường gần 100 triệu dân và có khả năng tiếp cận với thị trường ASEAN gần 600 triệu dân, thị trường RCEP (10 nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand) hơn 2 tỉ dân và nhiều thị trường quan trọng khác. Nếu có lộ trình và hướng đi đúng đắn, công nghệ “made in Viet Nam” sẽ vươn tầm thế giới và trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp lớn vào GDP quốc gia. “Chuyển đổi số và “made in Viet Nam” sẽ là con đường đúng đắn và bền vững nhất để nâng tầm và đưa sản phẩm “made in Viet Nam” tiếp cận với các thị trường ngoài nước”, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định. 

Trong thời gian tới, ngành TT-TT sẽ phải nỗ lực hơn nữa để tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt quá trình chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi số mọi mặt kinh tế - xã hội trên cơ sở tập hợp, phát huy sức mạnh của toàn xã hội. Lĩnh vực TT-TT tạo nền móng cho chuyển đổi số, phát triển đồng bộ cả ba trụ cột là Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới vào năm 2030.

NGUYỄN ĐỨC

(Từ Hà Nội)

 
.
.
.