.
NGÀY LÀM VIỆC THỨ 3, ĐẠI HỘI THẢO LUẬN CÁC VĂN KIỆN

Nhiều tham luận tâm huyết, kiến tạo phát triển

Cập nhật: 09:53, 28/01/2021 (GMT+7)

Ngày 27/1, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục ngày làm việc thứ 3, thảo luận các văn kiện trình Đại hội. Trong một ngày thảo luận tại hội trường, Đại hội đã nhận được 23 tham luận về các nội dung được đề cập trong các văn kiện trình tại Đại hội.

Quang cảnh ngày làm việc thứ 3 tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: HOÀI LINH
Quang cảnh ngày làm việc thứ 3 tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: HOÀI LINH

TƯ TƯỞNG “DÂN LÀ GỐC”

Trong phần thảo luận, một số đại biểu nhấn mạnh đến tư tưởng “dân là gốc”. Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN khẳng định: Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Tinh thần yêu nước, trọng nhân nghĩa, đùm bọc lẫn nhau đã thấm sâu vào tình cảm và hành động của mỗi người dân đất Việt trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Đại đoàn kết toàn dân tộc đã tạo nguồn sức mạnh, lập nên những kỳ tích vẻ vang, là điều kiện cơ bản cho sự thành công sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, cũng như công cuộc đổi mới xây dựng, phát triển đất nước ngày nay.

Đoàn Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: NGUYỄN ĐỨC
Đoàn Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: NGUYỄN ĐỨC

Thời gian qua, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận phát động đã hướng vào phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững. Thông qua hoạt động giám sát và phản biện xã hội, Mặt trận tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Thực hiện nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, các thành viên của Mặt trận đã xây dựng các mô hình nhân dân tự quản, hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, khuyến học, khuyến tài, đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn nêu ra 5 bài học kinh nghiệm về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và hoạt động của MTTQVN, trong đó nhấn mạnh: “Trong mọi hoạt động, hệ thống chính trị phải quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”, khơi dậy sức sáng tạo, sự ủng hộ của nhân dân, tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân”.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức đất nước ta phải đối mặt trong thời gian tới và khẳng định những thách thức đó đòi hỏi Mặt trận phải đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng tốt hơn trước những yêu cầu phát triển mạnh mẽ của đất nước.

Chung quan điểm “dân là gốc”, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương khẳng định, trong suốt quá trình lãnh đạo, với quan điểm sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, Đảng luôn xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng, là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. “Một trong những bài học quan trọng, góp phần làm nên những thành tựu to lớn xuyên suốt chiều dài lịch sử là bài học “dân là gốc”, phát huy vai trò làm chủ, sức sáng tạo và nguồn lực của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương phát biểu tham luận tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: NGUYỄN ĐỨC
Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương phát biểu tham luận tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: NGUYỄN ĐỨC

Chỉ ra một số hạn chế trong công tác dân vận của Đảng, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh khẳng định, trước đòi hỏi của thực tiễn và mục tiêu phát triển bền vững của Đảng, của dân tộc, đất nước, công tác vận động nhân dân càng phải chú trọng và đổi mới mạnh mẽ, xây dựng lòng dân hướng về Đảng, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. “Công tác dân vận phải tập hợp, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo nên sự đồng lòng trong các phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh.

QUẢN LÝ CHẶT BỘI CHI NGÂN SÁCH VÀ NỢ CÔNG

Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tài chính trong giai đoạn tới là: Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế tài chính, cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN), nợ công nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển và cơ cấu lại nền kinh tế. Ngành cũng đẩy mạnh đổi mới khu vực sự nghiệp công lập, tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy, biên chế cùng với cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính-ngân sách; củng cố dư địa tài khóa, nâng cao khả năng chống chịu của nền tài chính quốc gia.

Theo đó, ngành sẽ tập trung hoàn thiện, triển khai đồng bộ hệ thống chính sách giá cả, tài chính nhà nước, tài chính doanh nghiệp, kế toán, kiểm toán, cải cách hành chính, ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0… khơi thông và phân bổ các nguồn lực tài chính theo tín hiệu thị trường, ưu tiên thu hút vốn đầu tư nước ngoài tạo giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, đi đôi với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Ngành cũng sẽ tập trung nghiên cứu, sửa đổi Luật NSNN, bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương; hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền theo hướng Chính phủ quản lý các cân đối lớn, giữ vai trò định hướng phát triển chung cho cả nước.

Song song đó, ngành cũng đẩy mạnh cơ cấu lại chi NSNN trên cơ sở phân định rõ vai trò, chức năng của Nhà nước và thị trường, đẩy mạnh đổi mới khu vực sự nghiệp công lập, thực hiện “xã hội hóa” trong một số lĩnh vực như y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao và tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Quản lý chặt chẽ bội chi ngân sách và nợ công, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tăng cường ổn định vĩ mô vững chắc; cải thiện dư địa chính sách tài khóa, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Người đứng đầu ngành tài chính khẳng định: “Nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn tới là khá nặng nề, nhưng với ý chí và quyết tâm cao, ngành Tài chính xin hứa trước Đại hội sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, nhiệt huyết, phấn đấu thực hiện đạt và vượt các mục tiêu tài chính-NSNN”.

KHÔNG CÓ VÙNG CẤM TRONG PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

Đồng chí Mai Trực, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương cho hay, trong nhiệm kỳ qua, UBKT Trung ương và UBKT các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với hơn 15 ngàn tổ chức đảng và hơn 47 ngàn đảng viên (trong đó trên 23 ngàn là cấp ủy viên các cấp), giám sát hơn 183 ngàn tổ chức đảng và hơn 528 ngàn đảng viên (trong đó trên 154 ngàn là cấp ủy viên các cấp). Công tác kiểm tra tập trung nhiều vào những điểm “nóng”, những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, những vấn đề bức xúc mà dư luận quan tâm như: việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; công tác cán bộ; suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; công tác cán bộ; thực hiện dự án đầu tư, xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản công...

Trong ngày 27/1/2021, buổi sáng, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ thay mặt Đoàn Chủ tịch điều hành phiên họp.
Đã có 12 đại biểu thuộc các đoàn đại biểu, các đảng bộ, đảng đoàn, ban cán sự đảng, cơ quan phát biểu ý kiến: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quân đội, Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tài chính, thành phố Hà Nội, Ban Dân vận Trung ương, Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Đối ngoại Trung ương, tỉnh Bắc Giang, Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỉnh Lâm Đồng.
Buổi chiều, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương thay mặt Đoàn Chủ tịch điều hành phiên họp.
Trong phiên buổi chiều, đã có 11 đại biểu thuộc các đoàn đại biểu, các đảng bộ, đảng đoàn, ban cán sự đảng, cơ quan phát biểu ý kiến: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Ngoại giao, tỉnh Đồng Tháp, Ủy ban Dân tộc, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch.

Trong đó, nhiều việc mới, việc tồn tại đã lâu, rất khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, liên quan nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương, gây bức xúc trong xã hội đã được phát hiện, làm rõ, kết luận và xử lý kỷ luật nghiêm minh nhiều tổ chức đảng và đảng viên vi phạm. Trong số này có cả những đồng chí giữ cương vị cao của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo chủ chốt các địa phương, đơn vị, sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang, đương chức hoặc đã nghỉ hưu.

“Tinh thần là làm nghiêm từ trên xuống, không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ, nhưng cũng rất nhân văn, mục đích chính là làm cho tổ chức đảng, đảng viên thấy được vi phạm, khuyết điểm của mình để sửa chữa, khắc phục. Các tổ chức đảng sau khi được kiểm tra, giám sát đều đã quyết tâm khắc phục, sửa chữa vi phạm khuyết điểm, siết chặt lại kỷ luật, kỷ cương, tập trung lãnh đạo chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị đạt nhiều kết quả tích cực”, đồng chí Mai Trực nhấn mạnh.

Đồng chí Mai Trực cho biết thêm, đối với công tác phòng, chống tham nhũng, UBKT Trung ương đã có nhiều chủ trương, biện pháp chỉ đạo và tổ chức thực hiện, đạt được kết quả quan trọng. UBKT các cấp đã tiến hành kiểm tra ở những nơi, những lĩnh vực mà trước đây ít hoặc chưa được kiểm tra như: cơ quan tư pháp, các cơ quan trong lực lượng vũ trang, các tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước… Qua kiểm tra, đã kịp thời xử lý những đảng viên tham nhũng, xử lý nghiêm tổ chức đảng và đảng viên không chấp hành nghiêm các quy định của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng.

Đồng chí Mai Trực đề ra một số giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác kiểm tra giám sát và phòng, chống tham nhũng trong nhiệm kỳ Đại hội XIII. Trong đó nhấn mạnh việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và các quy định về phòng chống tham nhũng, lãng phí gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực và kỷ luật của Đảng, kỷ luật hành chính, xử lý bằng pháp luật gắn với việc xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức để cán bộ đảng viên “không thể tham nhũng”, “không dám tham nhũng”, “không cần tham nhũng”. “Việc xử lý kỷ luật phải nghiêm minh, kịp thời, không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ, song, phải trên tinh thần nhân văn, “trị bệnh cứu người”, mục đích là làm cho tổ chức đảng, đảng viên tiến bộ hơn, tốt hơn”, đồng chí Mai Trực nói.

Bài, ảnh: NGUYỄN ĐỨC
(Từ Hà Nội)

 

.
.
.