Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Trung ương Đảng xác định phải tiếp tục đổi mới, chuyển đất nước sang thời kỳ phát triển mới - thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
ĐẠI HỘI ĐẢNG LẦN THỨ VIII
Thời gian: 28/6 đến 1/7/1996
Địa điểm: Thủ đô Hà Nội
Số lượng đại biểu tham dự Đại hội: 1.196
Số đảng viên trong nước: hơn 2 triệu
BỐI CẢNH CHUNG
- Chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ khiến CNXH tạm thời lâm vào thoái trào, nhưng điều đó không làm thay đổi tính chất của thời đại; loài người vẫn đang trong thời đại quá độ lên CNXH.
- Sau 10 năm thực hiện đường lối đổi mới toàn diện, đất nước đã đạt những thắng lợi nổi bật trên nhiều mặt. Đời sống vật chất của đại bộ phận nhân dân được cải thiện. Dân chủ được phát huy. Lòng tin của nhân dân đối với chế độ và tiền đồ của đất nước, với Đảng và Nhà nước được khẳng định. Nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, nhưng một số mặt còn chưa vững chắc.
Trong quan hệ quốc tế, Việt Nam đạt được thành tựu to lớn: bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ (7/1995), gia nhập ASEAN (7/1995)... góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
TIẾP TỤC ĐỔI MỚI, THỰC HIỆN CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC
Ðại hội tổng kết 10 năm tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, 5 năm thực hiện Nghị quyết Ðại hội VII của Ðảng, đề ra mục tiêu, phương hướng, giải pháp thực hiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bổ sung, sửa đổi Ðiều lệ Ðảng.
Ðại hội đánh giá tổng quát: Công cuộc đổi mới trong 10 năm đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa rất quan trọng. Nhiệm vụ do Ðại hội VII đề ra đã được hoàn thành cơ bản. Nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, nhưng một số mặt còn chưa vững chắc. Nhiệm vụ đề ra cho chặng đường đầu của thời kỳ quá độ là chuẩn bị tiền đề cho công nghiệp hóa đã cơ bản hoàn thành, cho phép chuyển sang thời kỳ mới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn.
Nhận định đặc điểm tình hình thế giới, thời cơ và thách thức, Ðại hội xác định: Mục tiêu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa là xây dựng nước ta thành một nước công nghiệp có cơ sở vật chất-kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần cao, quốc phòng, an ninh vững chắc, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.
Ðại hội đã xây dựng định hướng phát triển các lĩnh vực chủ yếu: Phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chính sách đối với các thành phần kinh tế; tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý kinh tế; phát triển khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; chính sách giải quyết một số vấn đề xã hội; quốc phòng và an ninh; chính sách đối ngoại; thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân; tiếp tục cải cách bộ máy nhà nước, xây dựng và hoàn thiện nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Ðại hội cũng đề ra phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Ðảng ngang tầm đòi hỏi của thời kỳ mới. Ðó là, giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Ðảng. Nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất và năng lực cán bộ, đảng viên. Củng cố Ðảng về tổ chức, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ. Nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng. Ðổi mới công tác kiểm tra và kỷ luật của Ðảng.
Ðại hội bầu BCHTW gồm 170 đồng chí. Ðồng chí Ðỗ Mười được bầu tiếp tục làm Tổng Bí thư của Ðảng. Các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Ðồng, Võ Chí Công làm Cố vấn BCHTW.
Tại hội nghị lần thứ tư, tháng 12/1997, BCHTW chấp thuận đề nghị của đồng chí Ðỗ Mười thôi giữ chức vụ Tổng Bí thư, bầu đồng chí Lê Khả Phiêu làm Tổng Bí thư của Ðảng. BCHTW suy tôn các đồng chí Ðỗ Mười, Lê Ðức Anh, Võ Văn Kiệt làm Cố vấn BCHTW Ðảng.
SỰ KIỆN TRONG NƯỚC
- 26/4/1996: Lần đầu tiên Việt Nam phát hành thẻ tín dụng quốc tế.
- 15/8/1996: Khởi công xây dựng đường cao tốc Láng-Hòa Lạc
- 24/9/1996: Việt Nam ký Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) tại Mỹ.
- 12/11/1996: Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX (thay Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 1987; Luật sửa đổi 1990, 1992)
- 28/11/1996: Thành lập Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
SỰ KIỆN QUỐC TẾ
- Ngày 26/1/1996: Thượng viện Mỹ thông qua Hiệp ước START-2 về việc cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược giữa Mỹ và Nga.
- Ngày 24/4/1996: Tổng thống Nga Boris Yeltsin gặp Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân tại Bắc Kinh, mở ra thời kỳ quan hệ mới giữa hai nước.
- Ngày 5/11/1996: Đương kim Tổng thống Mỹ Bill Clinton tái đắc cử.
- Ngày 17/12/1996: Đại hội đồng Liên hợp quốc bầu ông Kofi Annan làm Tổng Thư ký Liên hợp quốc.
XUÂN HOÀNG (Nguồn: daihoidang.vn)