.
KỲ HỌP THỨ 8, QUỐC HỘI KHÓA XIV

Tình hình nợ đọng thuế còn cao, nhiều khoản không có khả năng thu hồi

Cập nhật: 18:38, 22/10/2019 (GMT+7)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 22/10, Quốc hội làm việc ở hội trường nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh BR-VT phát biểu tại buổi thảo luận ở tổ chiều 22/10.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh BR-VT phát biểu tại buổi thảo luận ở tổ, chiều 22/10.

Theo Tờ trình của Chính phủ, thời gian qua, cơ quan quản lý thuế đã có nhiều nỗ lực trong việc thu hồi nợ đọng thuế, theo đó công tác quản lý nợ thuế đã đạt được kết quả quan trọng. Tỷ trọng tổng nợ trên tổng thu nội địa đã giảm mạnh từ 12,2% năm 2014, đến cuối tháng 8/2019 giảm xuống ở mức 6,9%. Tuy nhiên, tình hình nợ đọng thuế vẫn còn cao, tổng số tiền nợ thuế tính đến ngày 31/8/2019 là 88.253 tỷ đồng, tăng 8,2% so với thời điểm 31/12/2018; trong đó tiền nợ thuế không còn khả năng nộp ngân sách là 42.990 tỷ đồng, chiếm 48,7% tổng số tiền nợ thuế. Tổng số tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp cơ quan quản lý thuế đã tính và quản lý của các đối tượng nêu trên tính đến ngày 31/8/2019 là 15.779 tỷ đồng, song thực tế không có khả năng thu hồi.

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Văn bản số 2667/TB-TTKQH ngày 19/3/2019, Chính phủ đã hoàn thiện Luật Quản lý thuế sửa đổi trình Quốc hội ban hành Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14. Tại Luật này đã quy định đầy đủ các đối tượng được xử lý nợ và các điều kiện xử lý, thẩm quyền xử lý nợ. Tuy nhiên, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực thi hành từ 1/7/2020; vì vậy đối với các khoản nợ phát sinh trước ngày 1/7/2020 không được hồi tố để xử lý.

Bên cạnh đó, Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 trước đây quy định tiền phạt, phạt chậm nộp, tuy nhiên quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính yêu cầu phải tách hai hành vi - phạt vi phạm hành chính và tiền chậm nộp. Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13 có hiệu lực từ 1/7/2013 đã điều chỉnh hành vi chậm nộp tiền thuế bị “phạt chậm nộp” thành “tiền chậm nộp”. Do đó, đối với các khoản “tiền chậm nộp” theo Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13 đến nay chưa có cơ chế xử lý.

Quốc hội cũng thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).

Đại biểu Dương Minh Tuấn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh BR-VT phát biểu tại buổi thảo luận ở tổ chiều 22/10.
Đại biểu Trần Hồng Hà, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu tại buổi thảo luận ở tổ chiều 22/10.

Chiều cùng ngày, Quốc hội tiến hành thảo luận tổ với các nội dung: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020. Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước. Việc cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước. Việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015.

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh BR-VT Nguyễn Thị Yến đã có ý kiến về một số vấn đề liên quan đến các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của kế hoạch năm 2020. Đồng thời kiến nghị nên xem xét về việc đào tạo bác sĩ theo địa chỉ của địa phương. Đại biểu Nguyễn Thị Yến cho biết: BR-VT hiện đang thiếu bác sĩ và phấn đấu đạt tỷ lệ 8 bác sĩ/vạn dân, vì vậy đã thực hiện chương trình sử dụng ngân sách địa phương để đào tạo có địa chỉ nhưng lại bị xuất toán. Đề nghị xem xét cho phép các tỉnh có nguồn ngân sách được đào tạo có địa chỉ để bảo đảm số lượng bác sĩ phục vụ khám chữa bệnh ở địa phương. Trưởng Đoàn ĐBQH BR-VT cũng băn khoăn về giá cả nông sản, nông nghiệp, chăn nuôi còn thiếu tính ổn định, gây khó khăn cho nông dân, ảnh hưởng đến việc thực hiện chỉ tiêu trong xây dựng nông thôn mới dù đã có sự hỗ trợ của Nhà nước.

Tham gia thảo luận tổ, đại biểu Dương Minh Tuấn, Đoàn ĐBQH tỉnh BR-VT đã kiến nghị bổ sung thêm công cụ trong phòng, chống buôn lậu ma túy, do hiện nay xuất hiện một số loại ma túy mới (ma túy đá) nhưng chưa có công cụ phát hiện. Đại biểu Trần Hồng Hà có ý kiến về mâu thuẫn phát sinh từ đất đai, về khai thác khoáng sản, tài nguyên và một số bất cập khác của hệ thống pháp luật hiện hành chưa bắt kịp sự phát triển của thực tiễn cuộc sống. Đại biểu Trần Hồng Hà cũng cho rằng, trong năm 2019, việc giải ngân vốn cho các dự án đầu tư công còn chậm, tuy chưa có thống kê chính thức nhưng thực tế cho thấy kinh tế tư nhân, tập thể và hộ gia đình có sự đóng góp lớn trong tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Đại biểu Dương Minh Tuấn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh BR-VT phát biểu tại buổi thảo luận ở tổ chiều 22/10.
Đại biểu Dương Minh Tuấn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh BR-VT phát biểu tại buổi thảo luận ở tổ chiều 22/10.

THU PHƯƠNG

.
.
.