.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Kiến nghị nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội

Cập nhật: 16:12, 26/10/2018 (GMT+7)

Ngày 26-10, tiếp tục Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019. 

Đại biểu Dương Minh Tuấn (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh BR-VT) phát biểu thảo luận.
Đại biểu Dương Minh Tuấn (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh BR-VT) phát biểu thảo luận.

Nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao những điều hành, quản lý kinh tế-xã hội của Chính phủ trong thời gian qua, giúp đất nước vượt qua nhiều khó khăn, thách thức trong đầu nhiệm kỳ; đạt được nhiều kết quả tích cực, tăng cường niềm tin trong nhân dân và cộng đồng DN trong nước và quốc tế.

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An), kinh tế-xã hội năm 2018 đã đạt nhiều thắng lợi, đánh dấu bước phát triển vượt bậc trong sự điều hành vững chắc, sát sao, quyết liệt của Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Đây là năm thứ hai liên tiếp chúng ta đạt được hầu hết tất cả các chỉ tiêu về kinh tế-xã hội, trong đó có hơn 2/3 các chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra. Những thành tựu đó là sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, mà trước hết là vai trò lãnh đạo Trung ương, sự điều hành quyết liệt, sáng tạo của Chính phủ, sự đồng hành của cộng đồng DN và cử tri cả nước.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cũng đưa ra các băn khoăn, lo lắng của cử tri về tình trạng nhiều dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư, kéo dài thời gian hoàn thiện trong thời gian qua khiến thất thoát lớn nguồn lực nhà nước, gây bức xúc dư luận. “Đầu nhiệm kỳ, nhiều đại biểu Quốc hội lên tiếng phản ứng gay gắt vì 12 dự án thua lỗ hàng ngàn tỷ do Bộ Công thương quản lý, thì đến bây giờ lại phát sinh thêm các dự án do Bộ Giao thông-Vận tải quản lý”, đại biểu Cầu phản ánh.

Đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) phản ánh, hiện nay, công suất khai thác của cụm cảng Cái Mép - Thị Vải chỉ mới đạt 40%. Nguyên nhân chính là do chi phí thương mại cao, giao thông kết nối thiếu đồng bộ… Nhiều trường hợp điểm đến của hàng hóa không quá xa các cảng, nhưng do khó khăn về giao thông nên khi tàu cập cảng, chủ hàng phải chấp nhận tốn thêm chi phí để sang hàng, chuyển hàng, vận chuyển bằng xà lan, tàu nhỏ đến cảng khác để thông quan, rồi sau đó vận chuyển tiếp bằng ô tô qua những cung đường ít bị ùn tắc, gây lãng phí lớn. Hiện nay, để hoàn thiện hạ tầng giao thông khu vực cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, cần khoảng 5.000 tỷ đồng xây cầu Phước An, 2.400 tỷ đồng (còn thiếu) xây dựng đường 991B và khoảng 7.500 tỷ đồng xây cao tốc Biên Hòa - Phú Mỹ. “Như vậy, nếu Nhà nước đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng nữa sẽ giúp tạo nên hệ thống giao thông kết nối cảng đồng bộ, chi phí dịch vụ giảm đến mức tương đương với thông lệ quốc tế, thì chắc chắn công suất cảng sẽ tăng. Nếu công suất cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đạt 80% thì mỗi năm có thể thu nộp ngân sách Nhà nước khoảng 24.000 tỷ đồng”, đại biểu Dương Minh Tuấn nói. 

Cũng tại hội trường, nhiều đại biểu đã đánh giá thực trạng và kiến nghị các giải pháp về phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới. Bên cạnh những thành tựu đạt được, một số đại biểu “chưa thật sự an tâm, còn cảm thấy lo lắng” trước nhiều khó khăn thách thức đã và đang đặt ra trong thời gian tới như: Chất lượng tăng trưởng tích cực, cải thiện nền kinh tế dựa vào vốn tài nguyên sức lao động, đầu tư nước ngoài; công nghiệp chủ yếu là quan hệ gia công sản xuất; nông nghiệp chưa phát huy lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới; nền nông nghiệp còn chịu nhiều rủi ro về thị trường dễ bị tổn thương; nền kinh tế dựa vào khai thác tài nguyên thô, lao động giá rẻ, chế biến thô là phổ biến, trong khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chưa thật sự lan tỏa trong nền kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, bên cạnh thúc đẩy phát triển kinh tế, cần quan tâm, chú trọng hơn đến các chỉ tiêu về các vấn đề xã hội. Đại biểu Nguyễn Anh Trí nói: “Trong các chỉ tiêu Quốc hội giao cho Chính phủ và các chỉ tiêu của Chính phủ giao cho các bộ, ngành, tôi đề nghị cần phải bổ sung thêm một số chỉ tiêu nữa vì nó rất cần thiết. Đó là các chỉ tiêu về biển, về du lịch, về giáo dục - đào tạo. Còn các chỉ tiêu của Chính phủ giao cho Bộ Y tế, có lẽ phải điều chỉnh, phải thêm các chỉ tiêu về sản khoa, trẻ em, các chỉ tiêu về dịch bệnh, số vụ, số người bị bệnh không lây nhiễm, bệnh bẩm sinh, bệnh di truyền...”.

Ngoài phát triển kinh tế, đại biểu Bùi Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị Chính phủ cần phải tiếp tục tích cực chỉ đạo tăng cường hơn nữa vấn đề phòng, chống tội phạm. Theo đại biểu, thời gian qua tình trạng giết người tàn độc diễn ra ở nhiều nơi, nạn cờ bạc, số đề, cho vay nặng lãi làm phát sinh tín dụng đen, các băng, nhóm đâm thuê, chém mướn, đòi nợ thuê làm nhiều gia đình khốn đốn; bạo lực còn tràn vào nhà trường, bệnh viện... Thực trạng trên đã khiến xã hội phát sinh nhiều tiêu cực, bất an, xuất hiện tình trạng “người ngay sợ kẻ gian”. Bên cạnh đó, đại biểu Phương đề nghị Chính phủ tập trung quyết liệt hơn nữa khắc phục tình trạng buôn lậu, hàng nhái, hàng giả, trốn thuế, gian lận thương mại. 

 Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu kiến nghị về thực trạng và giải pháp giảm nghèo bền vững cho các vùng nông thôn, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số; các vấn đề về tăng tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội; nâng cao chất lượng y tế, giáo dục - đào tạo...

XUÂN TÙNG - PHÚC LƯU

.
.
.