.
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

Chống "bệnh thành tích"

Cập nhật: 18:35, 24/10/2018 (GMT+7)

Thành tích là kết quả đạt được vượt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Còn “bệnh thành tích” lại là thổi phồng để kết quả cao hơn thực tế. Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, Đảng, Bác Hồ và toàn dân phải dồn sức cho kháng chiến, nhưng Người vẫn dành sự quan tâm đúng mức và tìm mọi biện pháp để kiên quyết phòng, chống căn bệnh nguy hiểm này.

Đoàn viên, thanh niên Sở Y tế khám bệnh cho người nghèo xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc). Ảnh: MINH NHÂN
Đoàn viên, thanh niên Sở Y tế khám bệnh cho người nghèo xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc). Ảnh: MINH NHÂN

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, tháng 10-1947, Người đề cập nhiều căn bệnh xuất hiện trong đội ngũ cán bộ, đảng viên cần lưu tâm và kiên quyết khắc phục, sửa chữa. Người chỉ rõ: Một số cán bộ, đảng viên mang trong mình “bệnh thành tích”, làm việc theo lối “hữu danh, vô thực”, “làm việc không thiết thực, làm cho có chuyện, làm lấy rồi”. Nhưng nguy hại hơn là vì thành tích và chạy theo thành tích nên “Làm được ít suýt ra nhiều, để làm một bản báo cáo cho oai, nhưng xét kỹ lại thì rỗng tuếch”. Không chỉ khai khống, tô hồng thành tích, mà còn tệ hại hơn là che giấu mọi yếu kém của mình, Người thẳng thắn phê phán đó là những “báo cáo giả dối”: “Thành công ít, thì suýt ra nhiều. Còn khuyết điểm thì giấu đi, không nói đến”.

Ngày 11-6-1948, Người viết “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân tham gia phong trào yêu nước, tạo nên sức mạnh to lớn hướng đến kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công. Và trong chỉ đạo công tác thi đua Người đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống “bệnh thành tích”. Người cảnh báo: Thi đua rất dễ nảy sinh “bệnh thành tích”, biến “thi đua” thành “ganh đua” và căn bệnh đó biểu hiện với nhiều hình thức khác nhau: Hoặc là “phô trương hình thức”, hoặc là “làm bừa, làm ẩu” để được “hưởng mức công cao”, hoặc là gian dối với cấp trên “kết quả ít, báo cáo nhiều”, “chỉ có thành tích mà không có khuyết điểm”. Theo dõi sát và nắm vững phong trào trồng cây trong những năm 60 của thế kỷ XX ở miền Bắc, Người chỉ ra những thói hư, tật xấu “Năm ngoái, phong trào rầm rộ và rộng khắp, cho nên về số lượng thì rất khá, trồng được rất nhiều. Nhưng vì tham trồng nhiều mà ít lo giữ gìn chăm sóc, cho nên chất lượng kém, cây trồng thì nhiều, cây sống tốt thì ít. Có cơ quan lại tính cả những cây sú trồng ở bờ biển, để phô trương “thành tích” trồng cây”.

“Bệnh thành tích”, thường nảy sinh từ  “bệnh háo danh”, sự “ganh đua”, “óc địa phương chủ nghĩa”, “Không muốn ai hơn mình”, mang nặng “chủ nghĩa cá nhân”, nhưng Người còn chỉ ra nguyên căn từ sự “quan liêu, châm chế của cấp trên”.  Người vạch rõ nhiều hệ lụy, tổn hại khôn lường do “bệnh thành tích” gây ra: “Bệnh thành tích” thường gắn liền với “bệnh nói dối” và khi cán bộ, đảng viên sa vào không chỉ “Không làm tròn nhiệm vụ của mình”, mà còn “Dối trá với Đảng, có tội với Đảng”; Do “bệnh thành tích” nên làm việc không thiết thực, bịa đặt kết quả, làm sai lệch thông tin “Thành thử cấp trên không hiểu rõ tình hình mà đặt chính sách cho đúng”; Khi mang “bệnh thành tích” sẽ hủy hoại chính mình, dễ nảy sinh tư tưởng tự mãn, tách rời thành tích cá nhân với tập thể “Họ không hiểu rằng: Có thành tích đó là nhờ lực lượng của quần chúng, nhờ chính sách của đoàn thể. Họ tự cao tự đại, xa rời quần chúng, xa rời thực tế, không cầu tiến bộ nữa”; “Bệnh thành tích” là miếng đất màu mỡ nảy sinh bệnh quan liêu, kiêu căng, tham ô, lãng phí; Vì “bệnh thành tích” nên cán bộ, đảng viên tìm mọi cách che giấu khuyết điểm, Người cho rằng như vậy là “ốm mà sợ thuốc”! Người dặn “Cán bộ nào không dám công khai thừa nhận khuyết điểm của mình, e sợ lời phê bình của đồng sự và của nhân dân, không có can đảm sửa chữa khuyết điểm thì những người đó không xứng đáng làm cán bộ”.

“Bệnh thành tích” cũng giống như các căn bệnh khác sẽ tha hóa cán bộ, đảng viên, làm tổn hại thanh danh, làm mất uy tín, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Hiện nay, vẫn không ít cán bộ, đảng viên và tổ chức ở các ngành, các cấp “Mắc bệnh thành tích, háo danh, phô trương, che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, đánh bóng tên tuổi; thích được đề cao, ca ngợi; chạy thành tích, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu”. “Bệnh thành tích” vẫn xuất hiện, len lỏi trong các ngành: Giáo dục, y tế, văn hóa và kể cả trong các cơ quan của Đảng, chính quyền, đoàn thể quần chúng. Sự thiếu trung thực đang diễn ra “muôn hình, vạn trạng”: Trong kiểm điểm phê bình “còn giấu diếm, không dám nhận khuyết điểm; khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật”; trong đánh giá, phân loại tổ chức thì tìm mọi cách để đạt bằng được danh hiệu chi bộ, Đảng bộ, đơn vị, cơ quan “trong sạch vững mạnh”; Công tác thi đua, khen thưởng thiếu khách quan trong đánh giá, tôn vinh công lao gây đố  kỵ, mất đoàn kết nội bộ; Báo cáo định kỳ, đột xuất vẫn còn tình trạng “tự mình nói dối mình” với nhiều số liệu ảo, làm sai lệch thông tin vô cùng nguy hiểm; Không ít cán bộ nâng khống thành tích của cơ quan, đơn vị để “đánh bóng” bản thân, để được khen thưởng, để thăng tiến trên hành trình “quan lộ” và nguy hại hơn đã phát sinh tình trạng gian lận, mua bán, đổi chác, chạy chọt thành tích… gây bức xúc trong Đảng, trong dân. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” coi đó là những hành vi suy thoái về tư tưởng chính trị cần cảnh giác và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi. Làm theo lời Bác, ngoài cơ chế chính sách, sự kiểm soát, kiểm tra, thanh tra của các cơ quan của Đảng, Nhà nước và sự giám sát của nhân dân thì cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu phải quyết liệt đi đầu trong chống “bệnh thành tích”; luôn gương mẫu, tiên phong, trung thực trên cương vị, trách nhiệm được giao, nói không với “bệnh thành tích”, đề cao cảnh giác để tạo ra chất miễn dịch làm cho “bệnh thành tích” không thao túng được trong mọi suy nghĩ và hành động của mình.

NGUYỄN QUANG PHI

.
.
.