.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Công bố kết quả tín nhiệm 48 chức danh

Cập nhật: 16:51, 25/10/2018 (GMT+7)

Ngày 25-10, Quốc hội đã lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người giữ các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín, theo 3 mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Việc tổng hợp phiếu và phân tích kết quả phiếu được thực hiện toàn bộ bằng máy.

Đoàn ĐBQH tỉnh BR-VT bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.  Ảnh: HUỲNH KHÁNG 
Đoàn ĐBQH tỉnh BR-VT bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Ảnh: HUỲNH KHÁNG 

Theo kết quả kiểm phiếu, trong khối Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh có số phiếu tín nhiệm cao là 66,6% và tín nhiệm là 30,1%.

Trong khối Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có tỷ lệ tín nhiệm cao nhất với 90,1% đại biểu tín nhiệm cao và 7,01% đại biểu tín nhiệm.

Trong khối Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được 81,03% đại biểu tín nhiệm cao và 14,02% đại biểu tín nhiệm. Người có tỷ lệ tín nhiệm thấp nhất là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, với 28,87% đại biểu tín nhiệm cao, 40% đại biểu tín nhiệm và có đến 28,25% đại biểu tín nhiệm thấp.

Sau khi Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trình bày dự thảo Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Quốc hội thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn với 95,67% đại biểu tán thành.

Đại biểu Phạm Đình Cúc phát biểu thảo luận về dự án  Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Ảnh: HUỲNH KHÁNG 
Đại biểu Phạm Đình Cúc phát biểu thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Ảnh: HUỲNH KHÁNG 

Theo Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy, hoạt động lấy phiếu tín nhiệm nhằm tăng cường hiệu quả giám sát của Quốc hội, đồng thời góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước. Kết quả đánh giá tín nhiệm sẽ giúp người được lấy phiếu có cơ hội nhìn nhận lại chính mình, xem mình đã làm được gì, chưa làm được gì để có phương hướng phát huy kết quả đạt được khắc phục, sửa chữa những hạn chế, tồn tại; là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền đánh giá cán bộ, thực hiện quy hoạch, bố trí sử dụng cán bộ một cách hiệu quả. Kết quả tín nhiệm thấp cũng là cơ sở để người được lấy phiếu có văn hóa ứng xử phù hợp, có thể tự nguyện từ chức hoặc thay đổi vị trí công tác phù hợp.

* Ngày 25-10, tại phiên thảo luận về Dự án Luật phòng, chống tham nhũng, đại biểu Phạm Đình Cúc (Đoàn ĐBQH Bà Rịa - Vũng Tàu) đã tham gia góp ý kiến. Đại biểu Phạm Đình Cúc đồng tình với các nội dung trong dự thảo và cho rằng, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án luật ra ngoài khu vực Nhà nước là cần thiết, đặc biệt là trong tình hình cổ phần hóa DN hiện nay. Đại biểu Phạm Đình Cúc góp ý thêm cho Điều 30 và Điều 34 của dự thảo về việc cần nghiên cứu quy định cụ thể hơn trách nhiệm của các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập của cá nhân thông qua việc định kỳ kiểm tra, xác minh và báo cáo; cần nghiên cứu xây dựng tiêu chí, chế tài chặt chẽ để kiểm soát có hiệu quả những biến động về tài sản thu nhập của các đối tượng trong diện kê khai, tránh hình thức. Về Điều 52, xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm, giải trình không hợp lý về nguồn gốc, đại biểu Phạm Đình Cúc lựa chọn phương án 1, do tòa án xem xét quyết định. 

THẢO LINH  - THANH VÂN

 

.
.
.