.
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH:

Đẩy lùi tham nhũng theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Cập nhật: 16:06, 03/07/2018 (GMT+7)

Chủ tịch Hồ Chí Minh phát hiện rất sớm tệ tham nhũng và Người đã để lại những lời căn dặn quý giá cho các thế hệ hôm nay, mai sau để tiếp tục thực hiện cuộc đấu tranh phòng chống “căn bệnh” nguy hại này.

Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng ngày 25-6-2018.
Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng ngày 25-6-2018.

Mối quan tâm lớn của Hồ Chí Minh ngay sau ngày đất nước giành được độc lập là hiện tượng tham ô bắt đầu xảy ra. Người cho rằng, tham ô là một trong những tội lỗi đê tiện nhất cần phải “loại trừ cho nhanh chừng nào tốt chừng ấy”. Thực chất của tham ô, theo Người là “Ăn cắp của công làm của tư. Đục khoét của nhân dân. Ăn bớt của bộ đội. Tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của Chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình”.

Tham ô, tham nhũng là hiện tượng xã hội mang tính lịch sử, nó xuất hiện và tồn tại cùng với sự xuất hiện và tồn tại của Nhà nước. Nhưng theo Hồ Chí Minh, chủ yếu vẫn xuất phát từ phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên. Trong đó, nguyên nhân trực tiếp, sâu xa của tham ô “đều do bệnh quan liêu mà ra”. Vì quan liêu nên “có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ mà tham ô”. Tham ô còn phát sinh từ sự tha hóa, biến chất trong lối sống “ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ, càng ngày càng lãng mạn, thử hỏi tiền bạc ở đâu ra?”.

Quan điểm của Người trước sau như một vẫn nhất quán: Tham ô là “bạn đồng minh của thực dân, phong kiến”, là hành vi “trộm cướp”, là “giặc nội xâm, giặc trong lòng” và đó chính là “Kẻ thù của nhân dân, của bộ đội, của Chính phủ”. Tham ô là một loại kẻ thù không mang gươm súng nhưng vô cùng nguy hiểm, nó làm băng hoại giá trị đạo đức của người cán bộ, đảng viên “làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần, kiệm, liêm, chính”; tham ô sẽ hủy hoại những nguồn lực mà chúng ta có thể huy động phục vụ cho kháng chiến, kiến quốc; làm giảm uy tín và sức chiến đấu của Đảng; làm xói mòn niềm tin của nhân dân với cách mạng. Những ai tay đã nhúng chàm, Người cho rằng “Tội lỗi ấy cũng nặng như tội Việt gian, mật thám”!

 Người dặn: “Nếu chiến sĩ và nhân dân ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên chống giặc nội xâm, như thế là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình”. Nhưng chống tham ô bằng cách nào?, Người chỉ rõ: Tham ô thuộc phạm trù đạo đức, nên “Những người trong công sở phải lấy chữ liêm làm đầu”. Thực tiễn cho thấy, những cán bộ có phẩm chất đạo đức yếu kém khi được trao quyền chắc chắn sẽ tìm mọi cách “đục khoét của dân”, “ăn của đút”, sa ngã, thoái hóa, biến chất, hư hỏng. Do vậy, muốn không sa vào tham ô thì trước hết phải thường xuyên tự tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, luôn tự mình phải “chống tư lợi, dục vọng cá nhân” và “không có lòng tham muốn về vật chất”. Phòng chống tham ô là một cuộc đấu tranh lâu dài, nên phải có sự lãnh đạo chặt chẽ, có kế hoạch, tổ chức thực hiện một cách kiên quyết, vừa “xây” vừa “chống”. Để đẩy lùi tham ô, phải dựa trên quan điểm “lấy giáo dục làm chính, trừng phạt là phụ”- nghĩa là, việc giáo dục có vị trí đặc biệt quan trọng, đó là nền tảng của cuộc đấu tranh loại trừ tham ô, nhưng khi cần thiết vẫn quyết liệt “thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”, tuy nhiên trừng phạt không phải là mục đích mà đó chỉ là biện pháp cuối cùng. Muốn chống tham ô phải thường xuyên đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, tự phê bình và phê bình, nhưng điều quan trọng trong cuộc đấu tranh này nhất thiết phải biết dựa vào dân, phải làm cho “quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng trăm, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”; khi quần chúng tham gia càng đông, Người cho rằng cuộc đấu tranh chống tệ tham ô càng thành công đầy đủ, mau chóng.

Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng vừa diễn ra vào cuối tháng 6-2018. Hội nghị đánh giá: Công tác phòng chống tham nhũng đã có bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả toàn diện, tích cực, tạo hiệu ứng và có sức lan tỏa rộng lớn, góp phần quan trọng phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Nhưng một số địa phương, ngành thực hiện phòng chống tham nhũng vẫn chưa có nhiều chuyển biến rõ rệt; tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, việc phát hiện, xử lý chưa đáp ứng yêu cầu; tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng còn là khâu yếu; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn gây nhiều bức xúc. Tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực nên cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ngày càng cam go, phức tạp, gian khổ nhưng sẽ thành công nếu toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đồng lòng, sử dụng giải pháp tổng hợp, thực thi kiên trì, quyết liệt. Trong đó, trước hết đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải tự kiểm soát quyền lực theo lời Người dạy: “Nếu chính mình tham ô, bảo người ta liêm khiết có được không? Mình trước hết phải siêng năng, trong sạch thì mới bảo người ta trong sạch được. Phải thấy kẻ địch trong lòng mình mạnh lắm. Nó vô hình, vô ảnh, không dàn ra thành trận, luôn luôn lấn lút trong mình ta. Nó khó thấy, khó biết nên khó tránh. Nhưng đã biết thì kiên quyết làm”.

Nguyễn Quang Phi

 
.
.
.