QH cho ý kiến nhiều Luật trong tuần làm việc cuối
Ngày 11-6, Quốc hội (QH) bước vào tuần làm việc cuối của kỳ họp với nhiều nội dung quan trọng, đáng chú ý là trong tuần làm việc cuối này, theo chương trình QH xem xét và thông qua Luật An ninh mạng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá các nội dung chất vấn và trả lời chất vấn đã có bước đột phá. |
Đánh giá về thời gian làm việc đã qua của Kỳ họp thứ 5, đặc biệt là nội dung chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: Đã có những bước đột phá, được cử tri cả nước đồng tình. Qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, QH, các đại biểu QH không chỉ nêu ra các tồn tại, hạn chế, bất cập, mà còn tập trung bàn giải pháp, thể hiện trách nhiệm đồng hành, chung tay, sát cánh cùng với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vì sự phát triển của đất nước và hạnh phúc của nhân dân.
Chiếc ghế nóng của kỳ chất vấn lần này có Bộ trưởng Bộ GT-VT, Bộ trưởng Bộ TN - MT, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH cùng các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực. Đó đều là những lĩnh vực còn tồn tại những bức xúc trong dư luận thời gian qua, từ câu chuyện trạm BOT, ô nhiễm môi trường, tiêu cực đất đai, cho đến chất lượng giáo dục đi xuống. Những câu trả lời và phản biện của Bộ trưởng và đại biểu tại nghị trường đã phần nào giải tỏa được băn khoăn của cử tri, giúp cử tri đánh giá được năng lực của người đứng đầu các ngành.
Theo chương trình, trong tuần làm việc cuối, bên cạnh việc tập trung cho ý kiến về một số Dự án Luật quan trọng, QH sẽ dành thời gian biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016, Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Chương trình giám sát của QH năm 2019, Luật An ninh mạng; Luật Tố cáo (sửa đổi); Luật Thể dục, thể thao và Luật Đo đạc và bản đồ. Trong đó, nội dung rất được cử tri cả nước quan tâm là việc xem xét và thông qua Luật An ninh mạng (ngày 12-6).
Theo đánh giá, hiện nay, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi lỗ hổng an ninh mạng và các cuộc tấn công mạng. Cụ thể, theo Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam trong năm 2017, các hệ thống thông tin tại Việt Nam đã phải hứng chịu khoảng 15.000 cuộc tấn công mạng, gồm khoảng 3.000 cuộc tấn công lừa đảo, 6.500 cuộc tấn công cài phần mềm độc hại và 4.500 cuộc tấn công thay đổi giao diện. Trong 5 tháng đầu năm 2018 đã ghi nhận 4.035 sự cố tấn công mạng vào Việt Nam. |
HÀ PHƯƠNG