.
KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH RA LỜI KÊU GỌI THI ĐUA ÁI QUỐC (11-6-1948 – 11-6-2018)

Lan tỏa các phong trào thi đua

Cập nhật: 18:24, 10/06/2018 (GMT+7)

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “thi đua là yêu nước, yêu nước là phải thi đua”. Đến nay lời dạy này vẫn còn nguyên giá trị và trở thành kim chỉ nam để các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện các phong trào thi đua. Nhờ đó, trong những năm qua, các phong trào thi đua trên địa bàn tỉnh đã được phát động, tạo khí thế thi đua sôi nổi.

Người dân đến giải quyết TTHC tại Bộ phận “một cửa” tập trung cấp tỉnh.
Người dân đến giải quyết TTHC tại Bộ phận “một cửa” tập trung cấp tỉnh.

NHIỀU ĐIỂN HÌNH TIÊN TIẾN

Đến Công an tỉnh, chúng tôi được nghe kể rất nhiều về sự dũng cảm, nhanh trí, giàu kinh nghiệm trong phá án cũng như lối sống giản dị, gần gũi và hòa đồng của Thượng tá Lê Thanh Tùng, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự. 

Thượng tá Lê Thanh Tùng đã trực tiếp chỉ đạo, đấu tranh với các băng nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức, tội phạm hình sự gây án đặc biệt nghiêm trọng. Điển hình như vụ điều tra đầy khó khăn liên quan đến bộ xương người được phát hiện tại Khu du lịch sinh thái Làng Tre (ấp Mỹ Tân, xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành nay là phường Mỹ Xuân, TX. Phú Mỹ).

Do nạn nhân đã chết từ lâu, Thượng tá Lê Thanh Tùng và Phòng PC45 đã phải lục tung mọi dấu vết để xác định tung tích. Sau khi thành công trong việc xác định nạn nhân, Thượng tá Lê Thanh Tùng cùng các đồng nghiệp đã xâu chuỗi các thông tin để tìm ra kẻ thủ ác. Ngày 20-5-2017, Phòng PC45 đã bắt giữ Hoàng Trọng Đông (sinh năm 1974, hộ khẩu tại TP.Hồ Chí Minh) khi đang lẩn trốn tại Vĩnh Phúc. Qua quá trình đấu tranh, Đông đã thừa nhận hành vi của mình.

Thượng tá Lê Thanh Tùng chia sẻ, mỗi vụ án đều có những khó khăn riêng. Nhưng chính từ những khó khăn đó sẽ tạo cho người chiến sĩ công an có thêm động lực, tìm tòi, nghiên cứu tìm ra manh mối để phá án. Dù từng vụ án có mỗi khó khăn riêng, nhưng nếu luôn duy trì được sự cố gắng thì hầu hết sẽ tìm được câu trả lời.

Với những cống hiến của mình, Thượng tá Lê Thanh Tùng đã nhận được nhiều Bằng khen của Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Đặc biệt, Thượng tá Lê Thanh Tùng là gương điển hình duy nhất của tỉnh được biểu dương, tôn vinh tại lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc do Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, UBMTTQVN tổ chức sáng 3-6-2018.

Không chỉ có những cá nhân, thời gian qua, các phong trào thi đua yêu nước đã lan tỏa đến các ngành, các cấp và nhiều lĩnh vực, tạo động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Điển hình như xã Quảng Thành (huyện Châu Đức) đã thành công với mô hình vận động người dân chuyển đổi vật nuôi, cây trồng. Ông Võ Khắc Thuyết, Chủ tịch UBND xã Quảng Thành cho biết: “Toàn xã có hơn 80% người dân làm nghề nông nghiệp, trồng hồ tiêu là chủ yếu. Nhưng từ đầu năm 2017, giá hồ tiêu sụt giảm mạnh, cây hồ tiêu thường xuyên bị sâu bệnh nên cuộc sống của người dân địa phương gặp khó khăn. Trước thực trạng đó, chính quyền địa phương đã phối hợp với các ngành chức năng vận động, hỗ trợ người dân chuyển từ trồng đơn canh (chỉ cây hồ tiêu) sang trồng đa canh (trồng xen kẽ nhiều loại cây có giá trị khác) và vật nuôi để giúp người dân có thu nhập ổn định. Nhờ đó, cuối năm 2017, thu nhập bình quân của người dân xã Quảng Thành đạt 40 triệu đồng/người, cao hơn năm trước 2 triệu đồng/người. Xã phấn đấu đến cuối năm 2018, thu nhập bình quân trên địa bàn đạt 45 triệu đồng/người. Xã hiện có gần 4.000 con gia cầm; 3.000 con heo, 3.000 con dê; 98 hộ chuyển sang trồng ca cao. 

Ở khối cơ quan nhà nước, phong trào thi đua giải quyết nhanh thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân, tổ chức được phát động từ năm 2016 đã đạt nhiều kết quả tích cực. Đến nay các địa phương, cơ quan đã thực hiện cắt giảm thời gian giải quyết TTHC từ 1 đến 10 ngày. Nhiều cơ quan, đơn vị đã xây dựng các quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức trong quá trình tiếp xúc với công dân. Nhờ đó, góp phần đưa tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hẹn và hài lòng của người dân đạt từ 97% trở lên. Ông Dương Văn Thơm, Phó Trưởng Bộ phận “một cửa” tập trung cấp tỉnh cho biết, bộ phận đã xây dựng quy trình bắt buộc phát ngôn “5 xin”. Theo đó, công chức của bộ phận thực hiện “xin chào” khi tiếp xúc với công dân; “xin mời” công dân ngồi xuống ghế; “xin cảm ơn” khi công dân kết thúc quá trình giao dịch; “xin lỗi” khi giải thích với người dân do hồ sơ trễ hẹn, hồ sơ yêu cầu bổ sung thành phần, hồ sơ từ chối do không đủ điều kiện giải quyết…; “xin hứa” để tiếp thu và sửa chữa những góp ý của tổ chức, cá nhân. Thực hiện “5 xin” đã góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức của Bộ phận “một cửa” tập trung cấp tỉnh chuyên nghiệp, hiện đại và năng động, đồng thời tạo sự gần gũi, thân thiện, hòa đồng với công dân. 

THI ĐUA GẮN VỚI KHEN THƯỞNG

Theo đánh giá của Ban Thi đua-Khen thưởng tỉnh, trong những năm qua, các phong trào thi đua được phát động kịp thời, liên tục với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; tiêu chí từng phong trào thi đua được xây dựng cụ thể, phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng ngành, địa phương. Nội dung, tiêu chí thi đua được gắn với nhiệm vụ chính trị, trọng tâm của từng ngành, địa phương. Thông qua các phong trào thi đua, nhiều vấn đề quan trọng đã được giải quyết, nhiều công trình, mô hình được xây dựng, đời sống nhân dân được nâng lên, an sinh xã hội được đảm bảo, dân chủ cơ sở được phát huy. 

Tiêu biểu trong lĩnh vực kinh tế, các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh đã hăng hái thi đua vượt qua khó khăn, triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, phong trào “dạy tốt, học tốt” của ngành GD-ĐT; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và thái độ phục vụ bệnh nhân của ngành y tế; cơ quan nhà nước có phong trào nâng cao chất lượng phục vụ, giải quyết nhanh TTHC, giảm phiền hà cho nhân dân... Các phong trào thi đua này đã lan tỏa, phát triển mạnh mẽ, sâu rộng, có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức, thiết thực và hiệu quả, tạo động lực quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. 

Trong thời gian tới, để các phong trào thi đua yêu nước đạt hiệu quả và phù hợp với tình hình mới, theo ông Võ Văn Nam, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua-Khen thưởng tỉnh, song song với việc thực hiện các phong trào thi đua, các đơn vị còn phải phát hiện và khen thưởng kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch đối với các trường hợp có thành tích xuất sắc trong các phong trào. Các đơn vị nên chú trọng khen thưởng tập thể, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất và các tập thể, cá nhân có thành tích đột xuất. Từ những nhân tố tích cực cần có kế hoạch tuyên truyền và nhân rộng các phong trào thi đua, tập thể, cá nhân tiêu biểu tạo sự lan tỏa trong cộng đồng.

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

.
.
.