.
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH:

Học cái tâm trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cập nhật: 16:04, 11/06/2018 (GMT+7)

Tâm là lòng, tâm trong sáng là không tơ hào vụ lợi, không mảy may nghĩ về mình. Hôm nay, cái tâm như thế đang rất cần mà trước hết là trong công tác cán bộ. Chúng ta hãy trở về với Hồ Chí Minh - lãnh tụ mang tư tưởng và “cái tâm” điển hình mẫu mực, trong sáng nhất. 

Công chức Bộ phận một cửa thị trấn Long Điền (huyện Long Điền) tiếp nhận hồ sơ hành chính của người dân. Ảnh: TUỆ LÂM
Công chức Bộ phận một cửa thị trấn Long Điền (huyện Long Điền) tiếp nhận hồ sơ hành chính của người dân. Ảnh: TUỆ LÂM

Đúng 15 ngày sau lời Tuyên ngôn khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh có “Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà”. Năm 1947, Người liên tiếp có “Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ”, “Thư gửi các đồng chí Trung Bộ” và tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”. Điều trăn trở, day dứt, lo lắng khôn nguôi của Người là một bộ phận cán bộ đã sa vào “khuynh hướng chật hẹp và bao biện”, “địa phương chủ nghĩa”, “dĩ công dinh tư”, “óc bè phái”, “ích kỷ, kiêu ngạo”. Người cảnh báo, kịch liệt phê phán và tìm mọi biện pháp để loại bỏ tình trạng khi được trao quyền bị tha hóa bởi quyền lực, coi công tác cán bộ là của riêng mình, gạt bỏ người này, thu nạp người kia, muốn sao được vậy.

Cái tâm của người có trọng trách bị “óc hẹp hòi”, “chủ nghĩa cá nhân” làm méo mó nên chỉ ham dùng “người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, những kẻ nịnh hót mình, những người tính tình hợp với mình” mà loại bỏ những người tốt, người tài ra khỏi guồng máy lãnh đạo, quản lý... Theo Người, những căn bệnh “nguy hiểm” đó sẽ đẻ ra các “ê kíp cánh hẩu”, tung hô, bảo vệ lợi ích cho nhau, khi có sai phạm tìm mọi cách “dối Đảng, lừa dân”, “che đậy, tha thứ, bảo hộ cho nhau”. Vì thế không chỉ cán bộ “ngày càng hư hỏng”, mà nguy hại hơn là “hỏng cả công việc của Đảng, hỏng cả danh giá của người lãnh đạo”, “hại Đảng, hại dân”.

Người căn dặn: Sử dụng cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên, cân nhắc cán bộ phải “vì công tác, tài năng, vì cổ động cho đồng chí khác thêm hăng hái”, thật sự “chí công vô tư”, đừng để lợi ích riêng tư, cục bộ địa phương len lỏi vào. Công tác cán bộ mà chỉ “vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang” tất yếu dẫn đến “có tội với Đảng, có tội với đồng bào”. Người đúc kết, chỉ ra 5 quan điểm và đó là cái tâm cần ở người có trọng trách trong việc dùng cán bộ: “Phải có độ lượng vĩ đại mới có thể có thái độ và tinh thần chí công vô tư đối với cán bộ. Phải có tinh thần rộng rãi mới có thể gần gũi với những người mà mình không ưa. Phải có tính chịu khó dạy bảo mới có thể nâng đỡ những cán bộ yếu kém, giúp họ tiến bộ. Phải sáng suốt mới khỏi bị bọn vu vơ bao vây mà xa cách cán bộ tốt. Phải có thái độ vui vẻ, thân mật, cán bộ mới vui lòng gần gũi mình”.

Sinh thời, Người đánh giá, cân  nhắc, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ chỉ căn cứ vào 2 tiêu chuẩn cơ bản: đức và tài, “tùy tài mà dùng”, tuyệt nhiên Người không câu nệ vào các yếu tố khác và đặc biệt không một chút riêng tư. Chính phủ do Người sáng lập luôn là Chính phủ đại đoàn kết toàn dân tộc mà không hề thấy bóng dáng bà con, anh em, bè bạn thân hữu. Đội ngũ cán bộ được Người gầy dựng, đào tạo, rèn luyện, cân nhắc, giao trọng trách không phụ lòng tin tưởng của Đảng, của dân, luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử giao phó.

Rất tiếc, nhiều năm qua, từ cái tâm mang nặng chủ nghĩa cá nhân, tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm trong một bộ phận cán bộ có trọng trách cầm cân, nảy mực gây ra hiện tượng: cha bổ nhiệm con, chồng bổ nhiệm vợ, anh bổ nhiệm em, chú bác bổ nhiệm cháu. Điều đáng bàn là việc bổ nhiệm người thân quen, họ hàng, cánh hẩu một cách bất thường “rau nào sâu nấy”, “rừng nào cọp nấy“, “thần tốc”, “nâng đỡ không trong sáng” diễn ra ở không ít nơi. Cái tâm không trong sáng đó lại được che đậy, biện minh bằng bình phong “đúng quy trình”, “đúng quy định”, nhưng khuất tất vì bổ nhiệm “không đủ tiêu chuẩn, điều kiện”, chỉ “gọt chân cho vừa giày” để thực hiện bằng được lợi ích riêng: “cả nhà làm quan”, “cả họ làm quan”. Dân chủ hình thức, sự thiếu minh bạch và công bằng trong công tác cán bộ đã làm sai lệch đường lối của Đảng, bỏ sót, không sử dụng người tài gây lãng phí nguyên khí quốc gia, tạo ra “cát cứ, cha truyền con nối” gây bất bình trong xã hội. Hội nghị lần thứ 7, BCH Trung ương Đảng khóa XII nhận định thẳng thắn, trung thực, rằng: “Vì một phần từ cái tâm vụ lợi mà dẫn đến “tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân, họ hàng, “cánh hẩu” xảy ra ở một số nơi”; vì một phần từ cái tâm không chuẩn mực nên “tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội… chậm được ngăn chặn, đẩy lùi”. 

Trong bối cảnh hiện nay, tư tưởng và cái tâm trong sáng của Hồ Chí Minh không chỉ là chỗ dựa niềm tin, mà còn soi đường, chỉ lối giúp Đảng tuyên chiến với tiêu cực, tham nhũng, loại trừ tha hóa quyền lực. 

NGUYỄN QUANG PHI

.
.
.