.
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

Đánh giá cán bộ theo quan điểm Hồ Chí Minh

Cập nhật: 16:54, 19/06/2018 (GMT+7)

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Đánh giá cán bộ là khâu khởi đầu, quan trọng trong toàn bộ công tác cán bộ của Đảng. Và theo Người “Biết rõ ràng cán bộ, mới có thể cân nhắc cán bộ một cách đúng mực”.

Đồng chí Nguyễn Văn Xinh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu tại buổi giám sát Đảng ủy Khối Cơ quan tỉnh. Ảnh: MINH NHÂN
Đồng chí Nguyễn Văn Xinh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu tại buổi giám sát Đảng ủy Khối Cơ quan tỉnh. Ảnh: MINH NHÂN

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Mỗi lần đánh giá, nhận xét là mỗi lần giúp cán bộ nhìn lại quá trình công tác của mình, nhận biết rõ những ưu điểm, khuyết điểm, từ đó có biện pháp tự phấn đấu, rèn luyện nhằm hoàn thiện bản thân; giúp cơ quan có thẩm quyền về công tác cán bộ thấu hiểu: điểm mạnh, yếu, điều hay, dở, sở trường, sở đoản của từng cán bộ, cũng như “tìm thấy những nhân tài mới” và “người hủ hóa cũng lòi ra”, đó là cơ sở để sử dụng cán bộ đúng, đạt hiệu quả cao. Ngược lại không hiểu cán bộ, đánh giá quá cao, quá thấp, hoặc là sai lệch sẽ bố trí cán bộ theo lối: “Thợ rèn bảo họ đi đóng tủ, thợ mộc bảo họ đi rèn dao” và nguy hại hơn “đem người bô lô ba la, chỉ nói mà không biết làm”, những người kém phẩm chất, năng lực “vào những vị trí lãnh đạo, như thế rất có hại” cho Đảng, cho dân. Nhưng đánh giá cán bộ là công việc vừa nhạy cảm, vừa phức tạp, khó khăn. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ “biết người cố nhiên là khó”, bởi “tính tình cá  nhân” không giống nhau; bởi trong cuộc sống và hoạt động có khi hình thức che lấp bản chất và bởi ở mỗi con người “Tư tưởng cũng biến hóa… Quá khứ, hiện tại, tương lai của một con người không phải luôn giống nhau”. Do vậy, để đánh giá đúng cán bộ, Người dặn: phải biết vận dụng đúng, linh hoạt, sáng tạo quan điểm biện chứng khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể, phát triển của chủ nghĩa Mác - Lênin nhằm bảo đảm tính chính xác cao nhất trong xem xét con người.

Người dạy: Cán bộ vừa là chủ thể, vừa là sản phẩm của lịch sử, do vậy khi đánh giá phải đặt họ vào trong từng hoàn cảnh lịch sử, cụ thể; phải nghiên cứu, xem xét họ trong hoạt động thực tiễn. Là khâu rất hệ trọng nên “phải xem xét, đánh giá cán bộ cẩn thận, kỹ lưỡng”, “quyết không nên chấp nhất” mà cần nhìn tổng thể, toàn diện: “Không thể chỉ căn cứ vào những biểu hiện bên ngoài của họ, mà phải đi sâu tìm hiểu bản chất bên trong của họ; không thể chỉ dựa vào một việc làm của họ, mà phải tìm hiểu tất cả những việc mà họ thực hiện; không thể chỉ xem xét cán bộ một thời điểm, mà phải thấy rõ lịch sử của họ”. Đánh giá cán bộ phải dựa trên nhiều kênh thông tin: Từ bản thân cán bộ; cơ quan quản lý trực tiếp, cơ quan cấp trên trực tiếp; đồng chí, đồng đội; đơn thư khiếu nại, tố cáo và từ quần chúng nhân dân. Trong đó, Người khuyên: “lãnh đạo muốn biết rõ ưu điểm, khuyết điểm của mình, muốn biết công tác của mình tốt hay xấu, không gì bằng khuyên cán bộ mình mạnh bạo đề ra ý kiến và phê bình”; Người luôn tâm niệm: Nhân dân ta rất cách mạng, khách quan, vô tư, công bằng, họ là những người nhận biết, hiểu rõ cán bộ hơn ai hết, do vậy “việc gì cũng phải bàn bạc với dân”, phải tin dân, dựa vào dân, nhờ dân góp ý phê bình, nhận xét, đánh giá cán bộ rồi đem ra tập thể bàn bạc, để đi đến thống nhất.

Đánh giá cán bộ rất cần tấm lòng nhân văn, độ lượng, bao dung, vị tha, “có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Người dạy: Con người không phải là thần thánh “không có ai cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay”, “ai cũng có chỗ tốt và chỗ xấu”, “người đời ai cũng có khuyết điểm, có làm việc thì có sai lầm”. Do vậy đánh giá cán bộ là chỉ ra hết những điểm mạnh, điểm yếu để họ nhận rõ những ưu điểm mà phát huy, sai lầm để khắc phục, đồng thời với tổ chức từ trách nhiệm và tình cảm để “khéo nâng cao chỗ tốt, khéo sửa chữa chỗ xấu cho họ”. Ngay cả với cán bộ mắc sai lầm vẫn phải có thái độ chân thành, thân thiết, luôn khuyến khích, động viên để giúp đỡ họ vươn lên, không hẹp hòi, định kiến, bởi  “một người cán bộ khi trước có sai lầm, không phải vì thế mà sai lầm mãi”.

Đánh giá cán bộ đúng hay không đúng không chỉ quyết định đến sinh mệnh chính trị của cán bộ, mà xa hơn là sinh mệnh của tập thể, cơ quan, địa phương và  cả quốc gia, dân tộc. Nhưng kết quả đánh giá cán bộ lại lệ thuộc phần nhiều vào tổ chức và cán bộ có thẩm quyền. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu cao ở những người cầm cân, nảy mực trong công tác cán bộ. Biết mình là khó, nhưng không biết mình thì không thể biết người, nên Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu người làm công tác cán bộ phải “tri kỉ” để “tri nhân”: “Nếu không biết sự phải trái ở mình, thì chắc chắn không thể nhận rõ người cán bộ tốt hay xấu”. Khi được trao thẩm quyền đánh giá người khác thì bản thân luôn phải “biết tự sửa mình” để có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín: “Mình càng ít khuyết điểm thì cách xem xét cán bộ càng đúng”. Người đòi hỏi những ai được giao trọng trách công tác cán bộ nhất thiết phải có lương tâm trong sáng, khách quan, vô tư, dân chủ, trách nhiệm cao, có trình độ, am hiểu thực tiễn, hiểu biết tâm lý con người và phương pháp làm việc khoa học. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ ra rằng, người có thẩm quyền đánh giá cán bộ cần tránh xa những “căn bệnh”: “Tự cao tự đại; Ưa người ta nịnh mình; Do lòng yêu ghét của mình mà đối với người; Đem một cái khuôn khổ nhất định, chật hẹp mà lắp vào tất cả những người khác nhau”. Kinh nghiệm thực tiễn đã giúp Người đúc kết bài học: Nếu trong công tác cán bộ mà sa vào những khuyết điểm đó thì giống như “mắt có kính màu, không bao giờ thấu rõ cái mặt thật của những cái mình trông”.

Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất qua nhiều nhiệm kỳ”; Hội nghị Trung ương 4, khóa XII nêu tình trạng: “Đánh giá cán bộ còn nể nang, cục bộ”; Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII tiếp tục nhận định: “Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến”. Điều đó để lại cho công tác cán bộ nhiều hậu quả, có những hậu quả nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội. Những khuyết điểm, hạn chế đó sẽ được khắc phục; đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ sẽ được xây dựng thành công nếu chúng ta biết vận dụng sáng tạo tư tưởng, quan điểm của Hồ Chí Minh về công tác cán bộ nói chung, đánh giá cán bộ nói riêng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh lịch sử mới. 

NGUYỄN QUANG PHI

.
.
.