.
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH:

Phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân

Cập nhật: 15:25, 20/05/2018 (GMT+7)

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trên 50 bài chuyên bàn về đạo đức để giáo dục toàn Đảng, toàn dân, trong đó chủ yếu hướng về cán bộ, đảng viên - đối tượng mà Người dành sự quan tâm, lo lắng nhiều nhất.

Ngay sau khi đất nước vừa giành được độc lập, Người đã chỉ ra ba loại giặc cần kiên quyết đấu tranh loại bỏ: Chủ nghĩa đế quốc, truyền thống lạc hậu và chủ nghĩa cá nhân. Trong đó, Người căn dặn, cảnh báo: Chủ nghĩa cá nhân là một trong ba nguy cơ của Đảng cầm quyền cần phải thường xuyên đề cao cảnh giác. Bởi theo Người, chủ nghĩa cá nhân là nguyên nhân của mọi nguyên nhân làm tha hóa, hư hỏng bản chất tốt đẹp vốn có của một Đảng Cộng sản chân chính.

Dù núp dưới nhiều hình thức biến tướng và mức độ khác nhau nhưng Hồ Chí Minh cho rằng, cuối cùng chủ nghĩa cá nhân thực chất là đặt lợi ích của cá nhân, gia đình mình lên trên hết, trước hết; trong mọi suy nghĩ và việc làm đều chỉ chăm lo vun vén cho lợi ích riêng mình; chủ nghĩa cá nhân chỉ muốn “mọi người vì mình”, chứ không muốn “mình vì mọi người”; tư duy, hành động và lòng tham của họ hướng đến mục đích duy nhất “miễn là mình béo, mặc cho thiên hạ gầy”, “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”. Chủ nghĩa cá nhân có thể phát sinh, phát triển mọi lúc, mọi nơi, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh khác nhau. Khi cách mạng thất bại nó sẽ nảy nở, nhưng khi cách mạng thắng lợi nó cũng ngóc đầu dậy “nếu còn lại trong mình, dù một ít thôi, thì nó sẽ chờ dịp phát triển”. Mọi mầm mống cho dù là nhỏ nhất của chủ nghĩa cá nhân cũng có thể gặm nhấm, hủy hoại và nhất định sớm muộn dẫn cán bộ, đảng viên đến tha hóa, biến chất. Mang tư tưởng cá nhân tất yếu sẽ có hành vi làm hại những người hiền tài, lôi kéo những phần tử xấu đi theo; được giao trọng trách sẽ lừa trên, dối dưới, làm suy yếu tập thể, ảnh hưởng nghiêm trọng nhân cách con ngườì. Hồ Chí Minh coi chủ nghĩa cá nhân là đồng minh với chủ nghĩa đế quốc, là “địch nội xâm” hết sức nguy hiểm, nguy hiểm đến mức “Địch bên ngoài không đáng sợ, địch bên trong đáng sợ hơn vì nó phá hoại từ trong phá ra”. Chủ nghĩa cá nhân là mẹ đẻ của tất cả các thói hư tật xấu, là nguồn gốc sản sinh ra hàng trăm “căn bệnh”: Tham ô, hủ hóa, lười biếng, lãng phí, xa hoa, thích địa vị quyền hành, tự cao, tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền, kéo bè, kéo cánh… Từ chủ nghĩa cá nhân làm cho cán bộ, đảng viên phạm nhiều sai lầm gây tổn hại lợi ích chung. Điều Người băn khoăn, suy tư nhất chính là: Đảng tập hợp nhân dân đấu tranh xóa bỏ chế độ áp bức, bóc lột, bất công, loại trừ xấu xa, độc ác, xây dựng xã hội mới tốt đẹp. Nhưng sau khi cầm quyền, cán bộ, đảng viên mang nặng chủ nghĩa cá nhân, mất hết liêm sỉ, hư hỏng, tha hóa sẽ làm cho Đảng nhạt dần tính cách mạng, tính trí tuệ, tính đạo đức và tính nhân dân. Khi Đảng không còn là “đạo đức, văn minh” thì Đảng tự đánh mất uy tín, niềm tin và nguy cơ mất Đảng, mất chính quyền, mất chế độ hiện hữu chứ không dừng lại chỉ là lời cảnh báo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên tuyên chiến với chủ nghĩa cá nhân, bởi đó “là một kẻ địch hung ác của CNXH. Người cách mạng phải tiêu diệt nó”. Trước khi đi xa, Người còn kêu gọi toàn Đảng, toàn dân kiên quyết “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng” và căn dặn “Đảng phải luôn luôn tẩy bỏ những phần tử hủ hóa ra ngoài”. Từ xưa cho đến nay, chủ nghĩa cá nhân vẫn “như một thứ vi trùng độc hại”, như những “tế bào ác tính” ngày đêm xâm nhập vào một bộ phận cán bộ, đảng viên, hủy hoại dần tư tưởng chính trị, tổ chức, đạo đức và danh dự của Đảng. Hiện nay, chủ nghĩa thực dụng, cục bộ địa phương, lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ, tham nhũng, quan liêu, tham vọng quyền lực, cơ hội chủ nghĩa, chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, chạy luân chuyển, chạy tội… những biểu hiện “muôn hình vạn trạng” đó chính là con đẻ của chủ nghĩa cá nhân đang gây bức xúc trong xã hội và là nguy cơ lớn đe dọa đến sự tồn vong của Đảng.

Cuộc đấu tranh phòng chống chủ nghĩa cá nhân sẽ rất cam go, quyết liệt, lâu dài và gian khổ. Bởi trong mỗi con người, “ai cũng có một ít”, là kẻ thù vô hình, bên trong từng người, nhưng rất hiếm có cán bộ, đảng viên đủ dũng khí thừa nhận vướng ít nhiều, thậm chí họ còn tìm mọi cách che đậy những hành vi xấu xa, tồi tệ do chính mình gây ra. Hơn nữa, phòng chống chủ nghĩa cá nhân là cuộc đấu tranh giữa cái thiện với cái ác, cái đúng với cái sai, cái tốt với cái xấu, cái tiến bộ với cái thoái bộ nằm ngay trong từng bản thân và trong đồng đội, đồng chí mình. Cuộc đấu tranh ấy sẽ vô cùng khó khăn như Hồ Chí Minh nhận định “Tư tưởng cộng sản với tư tưởng cá nhân giống như lúa và cỏ dại. Lúa phải chăm bón rất khó nhọc thì mới tốt được. Còn cỏ dại không cần chăm sóc cũng mọc lu bù. Tư tưởng cộng sản phải rèn luyện gian khổ mới có được. Còn tư tưởng cá nhân cũng như cỏ dại sinh sôi, nảy nở rất dễ”. Cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân chỉ có thể mang lại hiệu quả khi biết sử dụng sức mạnh của hệ thống chính trị và sức mạnh của toàn dân. Hồ Chí Minh chỉ ra rằng “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân” phải đi đôi, gắn liền với giáo dục “Nâng cao đạo đức cách mạng”; phải kết hợp vừa đấu tranh vừa tự đấu tranh; vừa đề cao trách nhiệm của tổ chức vừa nâng cao trách nhiệm của cá nhân; vừa đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống vừa chú trọng tự giáo dục, tự tu dưỡng, rèn luyện. Hôm nay và mai sau, cán bộ, đảng viên luôn phải đề cao vai trò tự tu dưỡng đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư để tạo ra chất miễn dịch với chủ nghĩa cá nhân; tự phê bình và phê bình thường xuyên như rửa mặt hàng ngày để sớm phát hiện, ngăn chặn, tẩy rửa mọi tư tưởng cá nhân khi còn là mầm mống và trong suy nghĩ, hành động phải kiên định, kiên quyết, kiên nhẫn theo đúng di huấn soi đường, chỉ lối của Người “Muốn đánh thắng kẻ địch bên ngoài thì trước hết phải đánh thắng kẻ địch bên trong của mỗi chúng ta là chủ nghĩa cá nhân”.

NGUYỄN QUANG PHI

 

.
.
.