.

Mãi mãi một niềm tin

Cập nhật: 08:35, 18/05/2018 (GMT+7)

Chủ tịch Hồ Chí Minh là Danh nhân văn hóa thế giới, là niềm tin và niềm tự hào của nhân dân Việt Nam và nhân loại tiến bộ. Nhiều năm qua, cuộc đời và sự nghiệp của Người luôn là nguồn cảm xúc vô tận của các văn, nghệ sĩ. 

Bác Hồ với thiếu nhi. Ảnh: TL.
Bác Hồ với thiếu nhi. Ảnh: TL.

Thật vậy, những nhạc sĩ tên tuổi hàng đầu trong làng âm nhạc Việt Nam như: Lưu Hữu Phước, Văn Cao, Đỗ Nhuận, Tô Vũ, Lê Lôi, Lưu Cầu, Thuận Yến, Phạm Tuyên, Trần Hoàn… hầu như ai cũng có sáng tác về Bác Hồ. 

Ca khúc “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” của nhạc sĩ Trần Kiết Tường, sáng tác năm 1960 là một trong những ca khúc hay nhất về Bác. Lời ca trong bài hát làm xao xuyến hàng triệu trái tim người Việt Nam: “Tôi hát ngàn lời ca/ Nồng nàn hơn nắng ban mai/ Đẹp tình hơn cánh hoa mai/ Hùng thiêng hơn núi sông dài/ Là một niềm tin! 

Hồ Chí Minh...”. 

Nhạc sĩ Thuận Yến từng nói: “Trong mỗi chúng ta luôn sẵn có sự tôn kính, tình yêu thương, ngưỡng mộ và lòng biết ơn vô bờ bến đối với Bác nên chỉ cần một bài hát nào đó nói lên được những tình cảm ấy là họ chấp nhận”. Nhạc sĩ Thuận Yến viết tới 26 ca khúc về Hồ Chủ tịch, trong đó có những bài đã in đậm trong trái tim người Việt như ca khúc “Bác Hồ một tình yêu bao la” (1979) lấy cảm hứng từ lần ông được gặp Bác năm 1966. Bài hát được phát lần đầu tiên trên Đài Tiếng nói Việt Nam qua tiếng hát của ca sĩ Thanh Hoa, ngay lập tức đã đi vào trái tim triệu người con đất Việt:“Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất/ Trong lòng dân và trong trái tim nhân loại/Cả cuộc đời rất thanh cao không gợn chút riêng tư/ Mãi ngàn đời ngát hương thơm trong tâm hồn Việt Nam…”. Nhạc sĩ Thuận Yến còn viết một ca khúc nói lên tình cảm của người dân miền Trung với Bác. Đó là bài “Miền Trung nhớ Bác” với những ca từ xúc động và giai điệu sâu lắng: “Chúng con sinh ra khi nước còn chia cắt/ Nỗi nhớ Bác Hồ dằng dặc suốt miền Trung/... Trái tim phương Nam luôn hướng về miền Bắc/ Ở đó Bác Hồ Người gọi, ơi miền Nam!”.

Nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của âm nhạc Việt Nam cũng có ca khúc “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”. Họa sĩ Văn Thao, con trai nhạc sĩ Văn Cao kể rằng giai điệu và ca từ mở đầu ca khúc được lấy cảm hứng từ chính hình ảnh Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình vào ngày 2-9-1945. Ca khúc “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” được nhạc sĩ Văn Cao giới thiệu vào đúng dịp sinh nhật Bác năm 1949. Ngay sau đó, bài hát được đông đảo nhân dân yêu mến và trở thành một trong những ca khúc hào hùng nhất viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tiếng Người tha thiết kêu gọi bốn phương/ Cờ vùng lên quân thù gục xuống/ Hồ Chí Minh sáng ngời gương đấu tranh/ Vững bền đưa chúng ta vượt khó khăn/ Hồ Chí Minh muôn năm!/ Chỉ lối cho nhân dân/ Đến ngày chiến thắng vẻ vang!”. 

Nhà thơ Tố Hữu có nhiều bài thơ hay về chủ tịch Hồ Chí Minh. Thạc sĩ Vân Hường cho rằng: Chính hình tượng Bác Hồ cũng đã làm nên thành công cho sự nghiệp thi ca của Tố Hữu. Đọc những bài thơ Tố Hữu, có thể thấy hình ảnh Bác hiện lên giản dị mà thanh tao, gần gũi mà vĩ đại: “Bác kêu con đến bên bàn/ Bác ngồi Bác viết nhà sàn đơn sơ/ Con bồ câu  trắng ngây thơ/ Nó đi tìm thóc quanh bồ công vǎn/Lát rồi, chim nhé, chim ǎn/Bác Hồ còn bận khách vǎn đến nhà…” (Sáng tháng Năm). Lãnh tụ Hồ Chí Minh trong thơ Tố Hữu hiện lên thanh khiết, nhân từ, tình yêu thương vô bờ bến đối với quần chúng lao khổ: “Ôi lòng Bác vậy, cứ thương ta/ Thương cuộc đời chung, thương cỏ hoa/ Chỉ biết quên mình, cho hết thảy/Như dòng sông chảy, nặng phù sa” (Theo chân Bác). 

Với nhà thơ Trần Đăng Khoa, hình ảnh Hồ Chủ tịch như người Ông, người Bác, người Cha thân thương trong mỗi gia đình người dân Việt Nam: “Nhà em treo ảnh Bác Hồ/ Bên trên là một lá cờ đỏ tươi/ Ngày ngày Bác mỉm miệng cười/ Bác nhìn chúng cháu vui chơi trong nhà…” (Ảnh Bác).

Sinh thời, Bác luôn có tình cảm yêu thương đặc biệt với đồng bào miền Nam, bởi khi đất nước còn chia cắt, Bác tâm sự rằng: “Miền Nam luôn trong trái tim tôi”. Thật tiếc khi đất nước thống nhất, Người đã đi xa… Nhà thơ Viễn Phương đã viết những câu thơ thật cảm động thay lời những người con miền Nam ra viếng Lăng Người: “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác/Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát/ Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam/ Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng/ Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng/ Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ/ Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ/ Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân” (Viếng Lăng Bác). 

Mỗi dịp kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đọc thơ và nghe lại những bài hát hay về Người, lại thấy một nhân cách sáng ngời, một tấm gương đạo đức cao cả để củng cố một niềm tin vững chắc về tương lai tươi sáng của dân tộc Việt Nam.

VŨ THANH HOA

.
.
.