.
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH:

Cách dùng người tài của Hồ Chí Minh

Cập nhật: 19:47, 16/04/2018 (GMT+7)

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm người tài là người có tài và có đức. Tài là biểu thị tài năng, trí tuệ, năng lực, kinh nghiệm; còn đức là đức độ, nhân cách, lòng nhiệt tình, trách nhiệm vì sự nghiệp cao cả của nhân dân. 

Cán bộ, công chức TP. Vũng Tàu tham gia sát hạch năng lực năm 2017. Ảnh HOÀNG HƯỜNG
Cán bộ, công chức TP. Vũng Tàu tham gia sát hạch năng lực năm 2017. Ảnh HOÀNG HƯỜNG

Với tầm nhìn minh triết, ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, Người đã chú tâm tìm kiếm, chăm lo nuôi dưỡng và sử dụng người tài phục vụ cho công cuộc “kháng chiến, kiến quốc”. Người chủ trương đào tạo trí thức mới, cải tạo trí thức cũ, công nông hóa trí thức, tất cả trí thức đều được tập hợp dưới ngọn cờ của Đảng nhằm bảo vệ thành quả cách mạng và xây dựng chế độ mới. Người đặc biệt quan tâm thu hút người tài vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, bởi theo Người, cán bộ là gốc, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém.

Chiêu hiền, đãi sĩ không chỉ là một khoa học, mà còn là nghệ thuật và Hồ Chí Minh là lãnh tụ ở đỉnh cao của khoa học và nghệ thuật đó. Người có cách độc đáo, đặc trưng trong việc tìm kiếm, đánh giá, thu phục, đãi ngộ người tài nhằm lôi cuốn họ đi làm cách mạng. Để không bỏ sót người tài, Người giao trách nhiệm cho bộ máy hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân cùng làm công tác cán bộ. Đầu năm 1946, Người có “Chiếu cầu hiền tài” qua bức thư yêu cầu chính quyền các cấp tìm người tài đức cho Chính phủ: “E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi các bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước, lợi dân thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ”. Nhưng để biết người thực tài, Người để “hữu xạ tự nhiên hương” chứ không phải như cái thùng rỗng kêu to. Trong thư gửi đồng bào, Người đề nghị: “Chúng tôi mong rằng, đồng bào ta ai có tài năng, sáng kiến về những công việc đó, lại sẵn lòng hăng hái giúp ích nước nhà thì xin gửi kế hoạch rõ ràng cho chúng tôi. Chính phủ sẽ nghiên cứu kế hoạch ấy một cách kỹ lưỡng, có thể thực hành được thì thực hành ngay”. Trong công tác cán bộ, Người lấy thước đo là tinh thần vì nước, vì dân và tài năng thể hiện hiệu quả công việc trong thực tế chứ không câu nệ là người trong Đảng hay ngoài Đảng. Bổ nhiệm một cán bộ, Người tuân theo một quy trình chặt chẽ: Nghiên cứu hồ sơ; gặp nói chuyện, đối thoại trực tiếp để quan sát, thẩm định, khi đã thật sự yên tâm thì giao nhiệm vụ ngay và căn dặn rất kỹ lưỡng.

Bằng uy tín đức độ, trái tim từ bi, bác ái, tâm hồn thánh thiện, tấm lòng chân thành, Người đã thuyết phục, cảm hóa, lôi cuốn được những bậc hiền tài đi theo cách mạng. Chính phủ do Hồ Chí Minh thành lập trước và sau Cách mạng Tháng Tám là mẫu hình tiêu biểu của trí tuệ và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong Chính phủ đó, Người đã thuyết phục được những đại trí thức trong các giới, chính quyền chế độ cũ, các đảng phái, tôn giáo cùng tham gia. Những quan lại trong triều đình nhà Nguyễn, kể cả ông vua thoái vị; những nhân sĩ, trí thức tài cao, đức trọng; các học giả, giáo sĩ và những trí thức nổi tiếng làm việc ở nước ngoài đều tự nguyện từ bỏ cuộc sống giàu sang, phú quý, đều tâm phục, quý trọng và vâng lời Bác tham gia kháng chiến, kiến quốc. Thu phục được người tài đã khó, nhưng biết dùng và phát huy hết khả năng của họ giúp ích nhiều nhất cho nước, cho dân lại càng khó hơn. “Phép dùng người” Hồ Chí Minh là “dụng người như dụng mộc”. Cán bộ có mức độ tài năng khác nhau, nên giao việc phải hiểu biết tường tận từng con người để “tùy tài” mà dùng nhằm phát huy tối đa sở trường của họ: “Tài to ta dùng vào việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì ta đặt ngay vào việc ấy”. Từ thực tiễn, Người đúc kết: “Lãnh đạo khéo, tài nhỏ hóa tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng hóa tài nhỏ”. Người cảnh báo và kịch liệt phê phán việc dùng người tài không đúng: “Công việc sẽ không chạy, làm thui chột nhân tài và có hại cho Đảng”. Người đòi hỏi cán bộ phải tránh xa “căn bệnh thích dùng những người cùng cánh hẩu với mình”. Người căn dặn: “Sử dụng cán bộ không được làm theo lối “giã gạo”. Khi họ sai lầm thì đẩy xuống, chờ lúc họ làm khá, lại cân nhắc lên. Một cán bộ bị nhắc lên thả xuống ba lần như thế thì hỏng cả một đời”.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, Người chăm lo chu đáo; gần gũi để thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng; cư xử nghĩa tình; tôn trọng và quan tâm bằng nhiều chính sách đãi ngộ xứng đáng dành cho người tài. Tất cả những nhà trí thức lớn đều bị hấp dẫn bởi sức hút kỳ diệu từ Hồ Chí Minh, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau nhưng kính phục, suốt đời hàm ơn Bác và một lòng, một dạ đồng cam, cộng khổ âm thầm đóng góp sức lực, trí tuệ cho nước, cho dân.

Nhiều thập kỷ trôi qua, nhưng bài học kinh điển về sử dụng người tài của Hồ Chí Minh vẫn là chìa khóa, kim chỉ nam cho công tác cán bộ của Đảng. Trọng dụng nhân tài là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, trong đó người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương giữ vai trò quan trọng. Phải gạt bỏ chủ nghĩa cá nhân, suy nghĩ và hành động lệch lạc “thấy giàu thì ghét, thấy đói thì kinh, thấy thông minh không sử dụng”. Sớm chấm dứt hiện tượng gây bức xúc và tổn hại “Cả họ làm quan”, “bổ nhiệm siêu tốc”, “nâng đỡ không trong sáng”… Di huấn Hồ Chí Minh mãi là hành trang giúp cán bộ trên cương vị có thẩm quyền nhận thức nhân văn và hành động đúng đắn: Tôn trọng người tài từ cái tâm trong sáng nhất; chăm sóc người tài như “người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu”; dám và biết sử dụng có hiệu quả nhất nguồn lực “nguyên khí quốc gia” cho ích quốc, lợi dân.

NGUYỄN QUANG PHI

.
.
.