.

Quán triệt các nội dung cơ bản của Bộ luật Hình sự 2015 và Bộ luật Tố tụng hình sự 2015

Cập nhật: 10:32, 17/04/2018 (GMT+7)

Sáng 17-4, đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương đã chủ trì hội nghị trực tuyến phổ biến các nội dung cơ bản của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh BR-VT.
Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh BR-VT.

Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 27-11-2015, tại Kỳ họp thứ 10, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018 (theo Nghị quyết số 41/2017/QH14 của Quốc hội Khóa XIV thông qua ngày 20-6-2017), gồm 26 chương, 426 điều. Bộ luật Hình sự năm 2015 tiếp tục thể chế hóa chủ trương cải cách tư pháp của Đảng theo tinh thần đề cao hiệu quả phòng ngừa và hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội, tôn trọng và bảo đảm thực thi các quyền con người, quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013; Góp phần bảo vệ và thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm có hiệu quả trong tình hình mới và góp phần tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng...

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 27-11-2015, tại Kỳ họp thứ 10, có hiệu lực thi hành ngày 1-1-2018 (theo Nghị quyết số 41/2017/QH14 của Quốc hội Khóa XIV thông qua ngày 20-6-2017), gồm 9 phần, 36 chương và 510 điều. Bộ Luật Tố tụng hình sự có nhiệm vụ bảo đảm phát hiện chính xác và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh phòng chống tội phạm.

PHƯỚC AN

.
.
.