Tự hào người thầy thuốc kháng chiến
Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, các thế hệ y, bác sĩ, dược sĩ của Chiến khu Đ - miền Đông Nam bộ (Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh) đã không quản ngại gian khó, hiểm nguy, xông pha khắp các chiến trường khốc liệt để cứu thương, điều trị bệnh cho quân, dân ta.
GIÀNH GIẬT SỰ SỐNG TRONG KHÓI LỬA CHIẾN TRANH
Bác sĩ Nguyễn Kim Bôn (thứ 2 từ phải qua) mổ cấp cứu cho thương binh trong một phòng mổ dã chiến giữa rừng Chiến khu Đ năm 1966. Ảnh: Tư liệu |
Vào năm tháng ác liệt của chiến tranh, những trận đánh liên tiếp diễn ra, thương, bệnh binh nhiều vô kể khiến đội ngũ quân dân y (QDY) làm việc ngày đêm không nghỉ. Họ luôn phải tranh thủ từng phút, từng giây để giành lại sự sống cho các đồng đội trên chiến trường. Phương tiện y tế, thuốc men lúc bấy giờ rất thiếu thốn, các y, bác sĩ phải tận dụng mọi thứ có sẵn để làm thiết bị, tự bào chế thuốc phục vụ công tác cấp cứu, điều trị. Cựu bác sĩ Chiến khu Đ, Lê Văn Tranh, hiện đang sống ở xã Long Phước (TP.Bà Rịa) nhớ lại: “Lúc đó, cơ số thuốc rất thiếu thốn, chúng tôi phải tự chế thuốc tê để gây tê trước mổ cho bệnh nhân. Khi thiếu gạo ăn, chúng tôi phải nhường cơm cho bộ đội, cho thương, bệnh binh, còn các y, bác sĩ phải tìm thêm lá cây rừng chế biến món ăn…
Trong hoàn cảnh ngặt nghèo nơi chiến trường, phòng mổ, nơi cấp cứu là chiến hào, địa đạo trong lòng đất. Bác sĩ Nguyễn Kim Bôn (Hai Bôn), nguyên Trưởng Ban Dân y Bà Rịa - Long Khánh kể: “Những năm 1966-1968, chiến sĩ bị thương rất nhiều. Phòng mổ chỉ rộng khoảng 3 – 4m2, được lợp bằng gỗ để tránh pháo và che bằng nylon nhằm tránh bụi và tránh nhiễm trùng vết thương. Hành quân đến đâu, chọn được địa điểm là chúng tôi đào hầm làm phòng mổ đến đó và phải đào nơi kín đáo để giấu dụng cụ y tế. Khi nghe có địch thì phải lấp đất giấu dụng cụ rồi mới chạy. Phòng mổ nhỏ chỉ đủ chỗ đứng cho y, bác sĩ và giường mổ nên dụng cụ mổ phải để ngoài cửa hầm. Mổ đến đâu, dụng cụ được đưa vào đến đó. Chúng tôi bình điện xe đạp đặt trên nóc hầm để có điện dẫn cho bóng đèn lắp trên đầu (giống như đèn soi cá, ếch hiện nay) để chiếu sáng khi mổ. Khi hành quân xuyên rừng, trên vai bác sĩ lúc nào cũng đeo ba lô nặng 30-40kg với lỉnh kỉnh dụng cụ để phẫu thuật, trong đó quý nhất là thuốc gây mê và gây tê phải bảo vệ rất cẩn thận…”.
GIỮ MÃI NIỀM TỰ HÀO
Đại diện Ban Liên lạc Quân dân y Chiến khu Đ trao học bổng cho các sinh viên trường y. Ảnh: Tư liệu |
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975), cùng với cả nước, các y, bác sĩ QDY của miền Đông Nam bộ lại tiếp tục sự nghiệp của mình. Ngày đêm họ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho các thương binh, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Bản thân các thầy thuốc đã trải qua 2 cuộc kháng chiến gian khổ, ác liệt nên sức khỏe ngày một yếu dần; nhiều người đã nghỉ hưu, ít có điều kiện để gặp gỡ đồng chí, đồng đội. Từ nguyện vọng chính đáng của hầu hết các thế hệ QDY Chiến khu Đ - miền Đông Nam bộ, Ban Liên lạc QDY Chiến khu Đ được thành lập từ năm 1989. Đến nay, Ban Liên lạc có 600 thành viên. Ngày nay, các thế hệ y, bác sĩ, dược sĩ của QDY Chiến khu Đ - miền Đông Nam bộ vẫn là tấm gương sáng cho các y, bác sĩ thế hệ sau noi theo.
Hằng năm, ngoài tổ chức các buổi họp mặt ôn lại kỷ niệm, truyền thống tốt đẹp của những người thầy thuốc kháng chiến, Ban Liên lạc đã phối hợp cùng một số đơn vị, địa phương tổ chức khám bệnh, phát thuốc, tặng quà các đối tượng chính sách; thăm hỏi các thành viên bị ốm đau, có hoàn cảnh khó khăn; phúng viếng, chia buồn các thành viên Ban liên lạc từ trần; trao học bổng cho sinh viên ngành y vượt khó nhằm tiếp thêm nghị lực để các em tiếp tục vươn lên trong học tập và trong cuộc sống; xây nhà Đại đoàn kết...
MINH THIÊN
Sáng 7-4, tại TP.Bà Rịa diễn ra buổi họp mặt truyền thống Quân dân y Chiến khu Đ - miền Đông Nam bộ lần thứ 29, với sự tham dự của hơn 600 đại biểu đến từ 7 tỉnh, thành, gồm: TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai. Đây là hoạt động thường niên, được tổ chức luân phiên tại các tỉnh, thành Đông Nam bộ nhằm tạo điều kiện cho các thế hệ y, bác sĩ gặp gỡ, thăm hỏi, động viên, cùng nhau ôn lại kỷ niệm, truyền thống tốt đẹp của những người thầy thuốc kháng chiến… |