.
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH:

Chống tha hóa quyền lực

Cập nhật: 17:50, 26/04/2018 (GMT+7)

Cách mạng thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiến hành xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân, tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân. Nhưng Người cảnh báo: Quyền lực sẽ bị tha hóa nếu người được trao quyền không có đủ phẩm chất, nhân cách.

Cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy điều tra, nắm bắt dư luận xã hội đối với người dân sinh sống tại phường Phước Hưng, TP. Bà Rịa. Ảnh: BTG. (Hình chỉ có tính minh họa).
Cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy điều tra, nắm bắt dư luận xã hội đối với người dân sinh sống tại phường Phước Hưng, TP. Bà Rịa. Ảnh: BTG. (Hình chỉ có tính minh họa).

Khi trở thành Đảng cầm quyền, Hồ Chí Minh đã tiên liệu được tất cả nguy cơ, mà trước hết là sự tha hóa quyền lực. Quyền lực là của nhân dân và mục đích cuối cùng nhằm phục vụ nhân dân; là yếu tố tạo nên sức mạnh kỷ luật, kỷ cương của cả hệ thống chính trị. Người được trao quyền thường có xu hướng lạm quyền, làm méo mó mục đích tự thân của quyền lực công và từ rất sớm Người đã phòng ngừa cũng như đấu tranh quyết liệt với hiện tượng đó. Người dặn: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài”, “Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân”. Người thường xuyên giáo dục, khuyên răn cán bộ, đảng viên, công chức khi được trao quyền lực phải đề cao cảnh giác với chính bản thân “Những người ở các công sở, từ làng cho đến Chính phủ Trung ương đều dễ tìm dịp phát tài, hoặc xoay tiền của Chính phủ, hoặc đục khoét nhân dân”. Điều làm Người trăn trở, lo lắng, suy tư chính là trong bộ máy xuất hiện một số cán bộ, đảng viên tha hóa quyền lực. Sự tha hóa khởi đầu chỉ là thích được ca ngợi, tung hô, nịnh bợ bằng những lời có cánh; nặng hơn là bắt mọi người phải tuân thủ, săn đón, cung phụng như là điều đương nhiên và đỉnh cao là dùng quyền lực trấn áp, chiếm đoạt, vơ vét của cải, tiền bạc của nhân dân. Người thật sự đau lòng khi một bộ phận cán bộ đã biến quyền lực của nhân dân thành ý chí cá nhân, phạm lỗi lầm rất nặng nề: “...đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của Đảng, của dân tộc, do đó mà chỉ tự tư tự lợi. Dùng của công làm của tư… Sinh hoạt xuê xoa, tiêu xài bừa bãi. Tiền bạc ở đâu ra? Không xoay của Đảng thì xoay của đồng bào”. Người kịch liệt phê phán cán bộ dùng quyền hành được Đảng, Nhà nước trao xâm hại lợi ích của nhân dân, làm tổn thương thanh danh của Đảng “Khi phụ trách một vùng nào thì như ông vua con ở đấy, tha hồ hách dịch, hoạnh họe. Đối với cấp trên thì xem thường, đối với cấp dưới thì cậy quyền lấn át. Đối với quần chúng ra vẻ quan cách làm cho quần chúng sợ hãi”. Khi được trao quyền, cứ nghĩ đó là quyền của riêng mình, muốn làm gì thì làm, nên một bộ phận cán bộ “chỉ lo ăn ngon, mặc đẹp, lo chiếm của công làm của tư, lợi dụng địa vị công tác của mình mà buôn bán phát tài, lo việc riêng hơn việc công”. Dẫu biết rằng, dù nhà nước được tổ chức tối ưu đến đâu vẫn xảy ra tha hóa quyền lực, nhưng theo Người cốt yếu nhất vẫn là cán bộ không chịu tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng; không đủ bản lĩnh để vượt qua cám dỗ, sức hấp dẫn của quyền lực, để rồi sa vào các bệnh: trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, kiêu ngạo, bè phái, óc địa vị… Trong khi đó, cơ chế kiểm soát quyền lực chưa thật hiệu quả và xử lý tha hóa quyền lực “qua loa cho xong chuyện”, thậm chí “che đậy cho nhau, tha thứ lẫn nhau, lừa dối cấp trên, giấu giếm đoàn thể”. Trong quá trình hoạt động lãnh đạo, quản lý, Người đã rút ra nguyên nhân tận cùng, sâu xa của tha hóa quyền lực: “Chức to thì quyền to, chức nhỏ thì quyền nhỏ. Có chức, có quyền mà  thiếu đạo đức là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút”; “Những người ở các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”.

Sau năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: Cán bộ, đảng viên mắc phải lỗi lầm phải “lập tức sửa đổi ngay”, dù là bộ trưởng, thứ trưởng hay gì gì đi nữa, vi phạm pháp luật phải xử lý đúng theo pháp luật và hôm nay Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã tuyên bố “Nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, pháp luật”. Cho dù công tác cán bộ đã có nhiều đổi mới và những kẻ tự tung, tự tác, coi thường pháp luật lần lượt phải đền tội trước công lý, nhưng thành bại của cuộc đấu tranh phòng chống tha hóa quyền lực vẫn thuộc về từng cán bộ, đảng viên. Trên mọi cương vị, cán bộ cần nhận thức, rằng: Quyền lực không phải của mình và không bao giờ là vô hạn. Từ đó sử dụng quyền lực đúng với bản chất vốn có là phục vụ nhân dân. Mặt trái cơ chế thị trường hàng ngày, hàng giờ tác động trực tiếp đến mọi người; vô vàn cạm bẫy cám dỗ, tinh vi rất khó cưỡng lại luôn rập rình; “miếng pho mát miễn phí bao giờ cũng nằm trong cái bẫy chuột”… đòi hỏi người cán bộ phải luôn tỉnh táo, rèn luyện cái tâm trong sáng, cái đức cao đẹp, bản lĩnh kiên định, vững vàng mới có thể vượt qua. Lòng tham chính là ngọn lửa làm bùng cháy quyền lực thành tha hóa và mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên suy nghĩ, tự vấn lương tâm mình: Phải biết chừng mực, biết đủ, biết dừng, đừng tham vọng quyền lực như lời Người dặn.

NGUYỄN QUANG PHI

 
.
.
.