Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải: Vị lãnh đạo chân tình, gần gũi và giản dị
Nghe tin anh Sáu Khải (tên gọi thân mật của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải) qua đời, tôi vô cùng đau xót và tiếc thương. Đối với tôi cũng như rất nhiều cán bộ của tỉnh từng được làm việc với nguyên Thủ tướng, anh Sáu Khải không chỉ là nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng mà còn là một người anh mà chúng tôi rất mực ngưỡng mộ, yêu quý.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải ân cần dặn dò trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh BR-VT ngày 10-8-1998. |
Cái tình của anh khiến chúng tôi vô cùng cảm động. Mỗi lần ra Hà Nội, chúng tôi đều đến thăm anh, nhờ anh chỉ bảo, góp ý những vấn đề đang vướng mắc. Mặc dù bận rộn với cương vị Phó Thủ tướng rồi Thủ tướng Chính phủ, song với sự cởi mở, chân tình và gần gũi, mỗi lần anh em tới, anh Sáu Khải thường mời chúng tôi tới nhà ăn bữa cơm thân mật với gia đình, cùng trò chuyện, tận tình giúp chúng tôi “gỡ rối”. Hồi đó, chúng tôi thân tình gọi Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phó Thủ tướng Phan Văn Khải là “anh Sáu Lớn, anh Sáu Nhỏ”. Bởi anh Sáu Kiệt năng động, sáng tạo, tư duy sắc bén và có tầm nhìn chiến lược như thế nào thì anh Sáu Khải kế thừa trọn vẹn điều đó. Nếu như anh Sáu Kiệt là người dũng cảm mở đường thì anh Sáu Khải là người kế thừa, dựng xây những cung đường khang trang, rộng mở.
Còn với tỉnh BR-VT, có thể nói, đến thời điểm này, anh Sáu Khải là lãnh đạo cấp cao tới thăm và làm việc nhiều lần nhất. Trong rất nhiều kỷ niệm thân thương của Cố Thủ tướng đối với BR-VT, có một dấu ấn đặc biệt, đặt nền móng cho một BR-VT phát triển như hôm nay: Đó là “cú hích” đổi đất lấy hạ tầng.
Vào năm 1991, thời điểm tỉnh BR-VT được thành lập, yêu cầu phát triển của tỉnh rất lớn, rất nhiều mặt, nhưng vấp phải vấn đề cực kỳ khó khăn là ngân sách địa phương quá ít ỏi. Nhiều cán bộ lãnh đạo của tỉnh trăn trở, bàn bạc, tìm lối ra cho việc phát triển tỉnh nhà. Lãnh đạo tỉnh nhận thức, muốn đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, trước hết phải tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng. Ðể làm được điều đó, phải giải được bài toán về vốn. Xây dựng cơ sở hạ tầng lại cần một nguồn vốn khổng lồ. Ðể giải quyết vấn đề này, tỉnh đã có Nghị quyết về sử dụng quỹ đất công hiện có để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội. Thế nhưng, sáng kiến này ban đầu đã gặp không ít trở ngại, bởi quá mới mẻ và táo bạo, chưa từng có tiền lệ. Lúc này, với cương vị Phó Thủ tướng, bằng tư duy sắc bén và táo bạo, anh Sáu Khải đã nhìn thấu những tiềm năng cũng như thử thách của sáng kiến này. Anh Sáu đã sâu sát với ý tưởng ấy, cử cán bộ xuống tận địa phương để thanh tra việc sử dụng quỹ đất để xây dựng hạ tầng và ra thông báo kết luận rõ ràng: Ở thời điểm lúc bấy giờ, chủ trương này chẳng những không gây hại gì mà còn tạo điều kiện thuận lợi để phát triển KT-XH địa phương. Tỉnh BR-VT tiếp tục được sử dụng quỹ đất để đổi lấy hạ tầng. Nếu không có sự quyết liệt của anh Khải thì có lẽ chủ trương đổi đất lấy hạ tầng khó có thể thực hiện được. Chủ trương ấy đã khiến BR-VT được khoác lên mình một diện mạo mới, đâu đâu cũng là những công trình xây dựng hừng hực khí thế đổi mới, phát triển. Việc hiện thực hóa chủ trương đổi đất lấy cơ sở hạ tầng được khởi sự từ việc triển khai làm đường Trần Phú (TP.Vũng Tàu), tiếp đó là hàng loạt các dự án mở rộng tuyến Quốc lộ 55, 56 từ Bà Rịa đi Ngãi Giao, đi Xuyên Mộc, Bình Châu; rồi tuyến Ngãi Giao nối liền Mỹ Xuân. Làm đường tới đâu kéo điện tới đó. Nhiều hộ dân sống ven đường lộ đã xây dựng nhà mới, mở cửa hàng buôn bán, điện thắp sáng các tuyến đường. Hàng hóa lưu thông nhanh, thuận lợi, mở ra cơ hội mua bán thông thương giữa các vùng trong tỉnh, giữa tỉnh nhà với các tỉnh trong khu vực. Kế đến là tuyến đường ven biển Vũng Tàu - Long Hải - Bình Châu - Bình Thuận thu hút đông đảo khách du lịch đến với BR-VT. Đường và cầu tiếp tục được bắc qua Long Sơn, nối liền xã đảo nhiều chục năm chia cắt với TP.Vũng Tàu, mở ra cơ hội cho người dân Long Sơn phát triển kinh tế, văn hóa, trẻ con được học hành, vui chơi giải trí. Hàng ngàn tỷ đồng từ quỹ đất bỏ hoang của tỉnh, đã giúp xây dựng nên một BR-VT về cơ bản như hiện nay.
Sau chủ trương đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, BR-VT gặp phải một khó khăn là khan hiếm nguồn nhân lực chất lượng cao. Trước tình hình này, lãnh đạo tỉnh đã đề nghị Trung ương cho mở trường ĐH quốc lập, thế nhưng, chỉ được Trung ương cho xây dựng Trường CĐ Cộng đồng, CĐ Sư phạm. Năm 2000, sau khi Trung ương có chủ trương xã hội hóa, với vai trò quyền Bí thư Tỉnh ủy, tôi đã có công văn trực tiếp gửi anh Sáu, lúc đó là Thủ tướng Chính phủ, xin mở ĐH dân lập để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ cho sự phát triển KT-XH ngay tại địa phương. Với tư tưởng cầu thị, quan tâm đến sự phát triển, trong đó có GD-ĐT, lập tức, anh Sáu đồng ý và chỉ đạo các ngành tạo điều kiện cho BR-VT mở trường ĐH dân lập. Năm 2006, Trường ĐH BR-VT chính thức ra đời và trở thành trường ĐH tư thục đầu tiên trong cả nước mang tên gọi như các trường công lập. Đây cũng là mong muốn của anh Sáu Khải khi nói rằng, không cần thiết phải phân biệt giáo dục tư thục hay công lập (về sau này Luật giáo dục đại học được ban hành tháng 8-2012 cũng đã có quy định và thống nhất gọi chung là cơ sở giáo dục đại học).
Tại ĐH Đại biểu Đảng bộ tỉnh BR-VT lần thứ IV diễn ra vào tháng 12-2005, anh Sáu Khải về dự và trực tiếp chỉ đạo với cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ Tướng chính phủ. Tôi còn nhớ rất rõ, tại ĐH, anh Sáu từng nói: “BR-VT là tỉnh có vị trí rất quan trọng, có tiềm năng về kinh tế biển rất lớn, tiềm năng du lịch hiếm có, là cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Không có địa phương nào ở nước ta tập trung được nhiều DN lớn thuộc các ngành kinh tế mũi nhọn như BR-VT. Vì vậy, sự phát triển kinh tế cả trung ương và địa phương trên địa bàn này nhanh hay chậm có ảnh hưởng rất lớn đến tình hình chung của nước ta. Với những lợi thế ít nơi nào có, BR-VT có khả năng và có nghĩa vụ phải tiến nhanh và bền vững hơn, đi hàng đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần quan trọng cùng đất nước chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển so với các nước, nâng cao vị thế hội nhập kinh tế, quốc tế”. Không chỉ bày tỏ sự nhất trí với mục tiêu bao trùm mà BCH Đảng bộ tỉnh trình ĐH đại biểu lần thứ IV là “Phấn đấu đưa BR-VT trở thành tỉnh công nghiệp, mạnh về kinh tế biển vào đầu thập kỷ tới”. Lời phát biểu của anh Sáu còn là lời động viên, khích lệ để chúng tôi có thêm động lực để cống hiến hết sức mình hoàn thành trọng trách xây dựng và phát triển KT-XH địa phương. Với tầm nhìn chiến lược, tư duy nhạy bén và sự gắn bó với tỉnh, tại ĐH, anh Sáu Khải đã chỉ rõ cơ cấu kinh tế BR-VT là công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp. Trong công nghiệp, cần chú trọng phát triển các KCN; trong dịch vụ, tập trung phát triển cảng và du lịch; còn trong nông nghiệp là phát triển cây Công nghiệp ngắn ngày. Đây chính là những mũi nhọn kinh tế mà BR-VT đã, đang phát triển và hướng tới.
Tiếp xúc với anh Sáu Khải trong công việc và cả cuộc sống thường ngày, tôi càng thêm khâm phục và quý trọng anh. Tôi hết sức xúc động khi được biết, lúc sắp qua đời, anh bày tỏ tâm nguyện được về nhà, khi qua đời được yên nghỉ ngay trên mảnh đất quê hương mình. Không đợi đến khi lễ viếng, lễ truy điệu anh tổ chức tại hội trường Thống Nhất mà ngay khi anh Sáu từ trần, hàng nghìn người dân đã thành kính tới tận tư gia để được đưa tiễn anh. Tất cả chỉ bởi một lẽ đơn giản: Từ lâu, anh đã trở thành vị Thủ tướng trong lòng dân, là vị Thủ tướng bình dị, gần dân và luôn được nhân dân quý trọng.
TRẦN VĂN KHÁNH
(Nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh BR-VT)
Anh Sáu Khải, người luôn có tư duy đổi mới Tôi vừa đi viếng và thắp nhang tại tư gia cố Thủ tướng Phan Văn Khải - anh Sáu Khải về. Anh với tôi trước đến nay đều rất thân tình, tôi rất quý mến anh. Anh là người rất giản dị, gần gũi nhưng cũng rất quyết liệt, năng động, hiểu người hiểu việc.
Tôi làm việc với anh Sáu Khải trong một thời gian từ rất lâu, từ hồi tôi còn công tác tại Ủy ban Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo. Trong thời điểm anh Sáu Khải giữ cương vị Thủ tướng Chính phủ đã để lại rất nhiều dấu ấn. Trong dấu ấn chung của phát triển đất nước anh là một con người năng động, có tư duy đổi mới, nhất là tháo gỡ cơ chế để cho ra đời Luật Doanh nghiệp. Qua đó có những đóng góp lớn trong việc thực hiện chủ trương của Đảng là xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN. Anh Sáu Khải cũng là người khi đi công tác các nước thường xuyên giới thiệu Luật Đầu tư với các chính sách thông thoáng, kêu gọi thu hút đầu tư nước ngoài. Trong nước thì xóa bỏ các rào cản để tạo động lực cho DN phát triển. Đối với BR-VT, anh Sáu Khải thường xuyên về dự hội nghị, làm việc với tỉnh và cho nhiều ý kiến quan trọng về phát triển kinh tế của tỉnh. Khi anh Sáu Khải làm Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá cao chủ trương đổi đất lấy hạ tầng của tỉnh hiệu quả, do vậy tiếp tục cho tỉnh BR-VT thực hiện thí điểm và anh là người cho chủ trương và hỗ trợ tỉnh BR-VT thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng. Có thể nói anh Sáu Khải là người có công rất lớn, luôn theo dõi, chỉ đạo sâu sát để tỉnh triển khai đúng và hiệu quả chính sách đổi đất lấy hạ tầng. Trong những lần về tỉnh BR-VT thăm và làm việc, anh Sáu Khải luôn gần gũi, lắng nghe và ủng hộ những chính sách đổi mới thiết thực, hiệu quả; đồng thời có những chỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ, khó khăn cho các DN trên địa bàn tỉnh BR-VT phát triển sản xuất kinh doanh. Nguyễn Trọng Minh |