.

Nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên

Cập nhật: 18:31, 19/03/2018 (GMT+7)

Tiếp tục đổi mới, chỉnh đốn tổ chức Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã và đang tập trung chỉ đạo nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu; chấn chỉnh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn tỉnh. Đó là biểu hiện sinh động của sự lãnh đạo nhanh nhạy của Tỉnh ủy, đáp ứng yêu cầu cấp bách trong công tác cán bộ hiện nay. 

Các đồng chí: Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh chứng kiến các đồng chí là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị ký cam kết thực hiện quy định xử lý trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Các đồng chí: Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh chứng kiến lãnh đạo các cơ quan, đơn vị ký cam kết thực hiện quy định xử lý trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Ảnh: BÙI HƯƠNG

Người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu là cán bộ chủ chốt, có vị trí, vai trò quan trọng. Họ vinh dự được giao phó, ủy thác giữ vai trò lãnh đạo, quản lý đơn vị, cơ quan và họ là người phải chịu trách nhiệm đầu tiên và lớn nhất trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. Tuy Đảng đã có nhiều văn bản điều chỉnh, nhưng một số nội dung và chế tài về trách nhiệm của người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu chưa đầy đủ, cụ thể, rõ ràng và đã làm cho quá trình thực thi có nơi lúng túng.

Quy định số 08-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy bắt buộc đối với cán bộ vào đầu nhiệm kỳ, khi được bổ nhiệm, được bầu hoặc giữ chức vụ đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu viết cam kết thực hiện trách nhiệm là điều hết sức cần thiết và kịp thời. Tổ chức lễ ký cam kết thực hiện trách nhiệm có sự chứng kiến của những đồng chí lãnh đạo tỉnh là một nét tươi mới, thể hiện quyết tâm cao của toàn Đảng bộ trong việc nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ theo đúng tinh thần của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Cán bộ tự mình ký vào bản cam kết chính là lời hứa danh dự trước lãnh đạo cấp trên và suy cho cùng đó là lời hứa với Đảng, với dân. Lời hứa đó không chỉ thiêng liêng mà bản thân từng cán bộ sẽ luôn ghi nhớ, khắc sâu và tự giác vươn lên làm tròn bổn phận mà Đảng và Nhà nước giao phó, mà còn là thông điệp gửi đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhân dân trong toàn tỉnh được biết để giám sát, quản lý nhằm bảo vệ danh dự, uy tín cho đội ngũ cán bộ của Đảng. Việc viết cam kết, ký cam kết thực hiện chức trách, nhiệm vụ tạo ra một “áp lực” cần thiết, nhưng điều quan trọng hơn là đã khơi dậy được lòng tự trọng và từ đó sẽ trở thành động lực giúp cán bộ vươn lên thực hiện trọn vẹn lời hứa của mình.

Ra văn bản và tổ chức ký cam kết thực hiện chức trách, nhiệm vụ đã thức tỉnh ý thức trách nhiệm trước trọng trách được giao của cán bộ, công chức, viên chức, trong đó trước hết là người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu. Nhưng để quy định 08-QĐ/TU có hiệu lực và hiệu quả, đòi hỏi toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh phải có quyết tâm cao, tổ chức thực hiện phải thật sự quyết liệt, đồng bộ. Trước hết, cần làm tốt việc tuyên truyền, quán triệt sâu rộng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân để có nhận thức đầy đủ, sâu sắc nhằm tạo ra sự thống nhất, đồng thuận trong suy nghĩ và hành động. Thực hiện công tác giám sát, kiểm tra thường xuyên, chặt chẽ của các cơ quan chuyên môn, các cấp, các ngành, đoàn thể quần chúng và nhân dân. Qua giám sát, kiểm tra phát hiện, tổng kết những nhân tố tích cực, những manh nha sai phạm trong thực thi trách nhiệm. Trên cơ sở đó, có giải pháp nhân rộng những tấm gương mẫu mực về tinh thần trách nhiệm; kịp thời uốn nắn khi những sai phạm mới nảy sinh và nếu vi phạm đến mức phải xử lý, thì bất kể ai, bất kể cương vị gì cũng phải kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng quy định, không có vùng cấm. 

Sau khi Tỉnh ủy tổ chức cho đội ngũ cán bộ thuộc quyền quản lý ký cam kết thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, thì cấp huyện, xã, các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh nhanh chóng triển khai tổ chức thực hiện và đưa hoạt động này trở thành một chế độ, có nề nếp trong công tác xây dựng Đảng. Tất cả cán bộ trên cương vị đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, kể cả trưởng thôn, ấp, tổ dân phố đều phải viết bản cam kết và được ký cam kết thực hiện chức trách, nhiệm vụ trước sự chứng kiến của lãnh đạo trực tiếp theo phân cấp quản lý. Cần mở rộng việc cam kết trách nhiệm thực thi công vụ, nhiệm vụ cả với những người khi bắt đầu trở thành công chức, viên chức. Hàng năm, tiến hành kiểm điểm, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm một cách thực chất, trên cơ sở đó có những biện pháp thích hợp và tiếp tục tạo ra hiệu ứng tích cực từ chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. 

Và điều không thể thay thế, đó chính là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu luôn phải tự trọng, không được lãng quên lời cam kết của mình, tự giác phấn đấu cống hiến hết sức mình theo tinh thần “Dĩ công vi thượng”. Làm được như vậy thì chắc chắn quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ lan tỏa, đi sâu và luôn đồng hành cùng công tác xây dựng Đảng nói riêng và sự nghiệp xây dựng quê hương Bà Rịa - Vũng Tàu ngày càng giàu đẹp, hiện đại, văn minh nói chung.

Nguyễn Quang Phi

.
.
.