.

Nhìn lại trận đánh mở màn đại thắng mùa Xuân 1975 - Bài cuối: Đòn trừng phạt

Cập nhật: 10:08, 16/03/2018 (GMT+7)

1 giờ sáng thứ Hai, ngày 10-3-1975, pháo tầm xa của Quân Giải phóng bất ngờ đồng loạt dội bão lửa xuống các cứ điểm quân sự của quân đội Sài Gòn ở Buôn Ma Thuột. Khi tiếng pháo vừa ngớt, xe tăng và bộ đội Quân Giải phóng đã áp sát các cửa ngõ dẫn vào thị xã Buôn Ma Thuột…

Xe tăng Quân Giải phóng tiến vào ngã 6 - trung tâm thị xã Buôn Ma Thuột trưa 10-3-1975.
Xe tăng Quân Giải phóng tiến vào ngã 6 - trung tâm thị xã Buôn Ma Thuột trưa 10-3-1975.

1 trận mưa pháo kéo dài từ 1 giờ đến 4 giờ sáng ngày 10-3-1975 vào các vị trí quân sự tại Buôn Ma Thuột gồm: sân bay Phụng Dực, sân bay dã chiến L19, kho đạn Mai Hắc Đế, các vị trí đặt pháo 105mm, 155mm, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 bộ binh, Bộ Chỉ huy trung đoàn 53, Bộ Chỉ huy thiết đoàn xe bọc thép M113, xe tăng M41, M48, Ty Cảnh sát… đã gây kinh hoàng cho cả quan lẫn lính chính quyền Sài Gòn. Theo lời khai của các tù binh quân đội Sài Gòn bị bắt sau đó thì “pháo binh hầu như không hề phản pháo lại được một phát đạn nào. Chỉ duy nhất có một trực thăng cất cánh từ sân bay L19 nhưng không phải để tham chiến, mà để chở các cấp chỉ huy chạy về Nha Trang”. 

Ông Phạm Huấn viết: “Nhưng kẻ kinh hoàng và đau đớn nhất là hai cấp chỉ huy có trách nhiệm phòng thủ Buôn Ma Thuột: Đại tá Vũ Thế Quang và Đại tá tỉnh trưởng Nguyễn Trọng Luật”. Khi xe tăng của Quân Giải phóng tiến vào trung tâm thị xã, trong tay Vũ Thế Quang chỉ vỏn vẹn có 2 chi đội thiết vận xa M113 và một số xe bọc sắt của Địa phương quân. Một thứ “đồ chơi con nít” nếu so sánh với loại xe tăng T54 của Quân Giải phóng. Lúc nghe sĩ quan tùy viên báo cáo: “Việt Cộng sử dụng hỏa lực pháo 122 ly, 130 bắn vào thị xã. Hiện tại đường băng sân bay L19 không còn sử dụng được, các công sự phòng thủ trong tiểu khu bị thiệt hại nặng nề, kho đạn trúng pháo nổ tung, căn cứ Trung đoàn 53 đang bị vây hãm, không có khả năng bung ra cứu viện” thì Đại tá Vũ Thế Quang, Phó Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh, Tư lệnh mặt trận Buôn Ma Thuột đã biết cái giá mà ông ta phải trả.

7 giờ sáng ngày 10-3, Đại tướng Cao Văn Viên điện thoại từ Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa ở Sài Gòn, ra lệnh cho Vũ Thế Quang phải giữ Buôn Ma Thuột bằng mọi giá. 8 giờ 40 phút, Thủ tướng Trần Thiện Khiêm ở Đà Lạt cũng lên “giây cót” tinh thần cho Vũ Thế Quang. 10 giờ 10 phút, từ Dinh Độc Lập, đích thân Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu khẳng định với Vũ Thế Quang rằng sẽ “tăng viện cho mặt trận Buôn Ma Thuột ngay lập tức”, và “B52 của người Mỹ sẽ trở lại theo như cam kết bằng thư riêng của Tổng thống Nixon viết cho tôi”.

Nghe xong những cuộc điện thoại này, lẽ ra phải hy vọng thì Vũ Thế Quang lại tỏ ra ngao ngán. Phạm Huấn viết: “Trận đánh quyết định ai làm chủ Tây Nguyên đã xảy ra với sự tương quan lực lượng giữa quân đội Sài Gòn và Quân Giải phóng quá chênh lệch, như trứng chọi đá. Việt Cộng đã ở thế thượng phong ngay từ đầu, còn chuyện B52 trở lại chỉ là chuyện… nằm mơ!”. 

Trong suốt ngày 10-3, Quân Giải phóng lần lượt đánh chiếm những vị trí quan trọng, và đã kiểm soát được 9/10 thị xã Buôn Ma Thuột, chỉ còn lại căn cứ Trung đoàn 53 ở sân bay Phụng Dực và Bộ tư lệnh Sư đoàn 23. Phạm Huấn viết tiếp: “Lính tráng cởi quần áo, tháo giày, trà trộn với thường dân lánh nạn trong chùa Khải Đoan, nhà thờ Chính tòa và một số trường học. Đài phát thanh Sài Gòn thì cứ ra rả loan tin những chiến thắng tưởng tượng, rằng Việt Cộng đã bị đánh bật ra khỏi thị xã, rằng quân ta đã làm chủ được tình hình trong lúc đài BBC lại khẳng định Buôn Ma Thuột đã thất thủ. Khôi hài nhất là 7 giờ tối, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ Sài Gòn gọi cho tướng Phú, yêu cầu mau lẹ giải quyết chiến trường”. 

25 giờ sáng ngày 11-3, Sư đoàn 316 Quân Giải phóng tung ra đòn quyết định: Đánh chiếm căn cứ Trung đoàn 53. Phạm Huấn, viết: “Với quân số áp đảo, cộng với sự chi viện rất chính xác của pháo 130 ly, xe tăng T54, họ nhanh chóng làm chủ tình hình chỉ sau 2 giờ giao chiến”. 7 giờ 15 phút ngày 11-3, Đại tá Vũ Thế Quang gọi về Trung tâm hành quân Quân đoàn 2 cho biết tình hình vô cùng nguy ngập. Quân Giải phóng đã làm chủ Bộ chỉ huy tiểu khu, kho đạn Mai Hắc Đế, 10 xe tăng Quân Giải phóng đang dàn hàng ngang bắn trực xạ vào Bộ Tư lệnh Sư đoàn. Người nghe cuộc điện thoại của Vũ Thế Quang lúc ấy là Trung tá Nguyễn Văn Giang, chỉ huy lực lượng yểm trợ đường không. Giang trả lời Quang rằng máy bay phản lực A37 đã cất cánh từ Nha Trang và sắp vào tới Buôn Ma Thuột để ngăn chặn cuộc tiến công bằng xe tăng của Quân giải phóng.

Quân Giải phóng chiếm sân bay Phụng Dực ngày 11-3-1975.
Quân Giải phóng chiếm sân bay Phụng Dực ngày 11-3-1975.

7 giờ 58 phút, hai chiếc phản lực A37 lao xuống mục tiêu. 2 phút sau, Đại tá Quang hét lên trong máy truyền tin: “Ơ! Sao nó lại đánh tôi”. Hai quả bom từ chiếc A37 đi đầu đã thả đúng ngay vào căn hầm đặt hệ thống máy móc thông tin của Vũ Thế Quang, Tư lệnh mặt trận Buôn Ma Thuột. Trung tâm hành quân Quân đoàn 2 mất liên lạc với Buôn Ma Thuột từ lúc đó. 

8 giờ 20 phút sáng ngày 11-3, Vũ Thế Quang cùng hai sĩ quan tùy viên vào một chiếc xe bọc thép M113, tháo chạy khỏi Bộ tư lệnh Sư đoàn 23 trong lúc ở Quân đoàn 2, tướng Phú vội vã thành lập “Bộ chỉ huy hành quân trên không” với 2 chiếc máy bay! 3 giờ 30 chiều, Đại tướng Cao Văn Viên gọi cho tướng Phú, gay gắt ra lệnh đưa Chuẩn tướng Lê Trung Tường, Tư lệnh Sư đoàn 23 từ Pleiku xuống Ban Mê Thuột để tổ chức phản công. Đến 11 giờ đêm, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Thủ tướng Trần Thiện Khiêm yêu cầu tướng Phú cử ngay một sĩ quan khác làm tỉnh trưởng Đắk Lắk, đồng thời thành lập tòa hành chánh và bộ chỉ huy tiểu khu Buôn Ma Thuột lưu động!

Về phía tỉnh trưởng tỉnh Đắk Lắk là Đại tá Nguyễn Trọng Luật, ông ta cùng phó tỉnh trưởng Nguyễn Ngọc Vỵ bỏ chạy trước khi tiểu khu Đắk Lắk bị Quân Giải phóng tràn ngập. Cũng thời gian này, một tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 53 bộ binh trên đường từ cầu 14 rút về để giải vây cho Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 bị Quân Giải phóng phục kích. Thiếu tá Năm, Tiểu đoàn trưởng cùng 4 sĩ quan khác chết tại chỗ. Cánh quân này coi như tan rã trước khi đặt chân vào thị xã Buôn Ma Thuột. Riêng Vũ Thế Quang, xế chiều ngày 11-3, bên cạnh ông ta chỉ còn một thiếu úy tùy viên và một người lính. Cả 3 trốn trong một vườn cà phê cho đến tối rồi nhắm hướng Nam, băng rừng đi về phía tỉnh Quảng Đức. 

2 giờ sáng ngày 12-3, sau khi đi được khoảng 6km và khi vừa tới một ngôi làng của người dân tộc thì nhóm Vũ Thế Quang gặp Quân Giải phóng. Sợ bị bắn, Quang nhanh chóng xưng mình là “Đại tá, Phó tư lệnh Sư đoàn 23 bộ binh” rồi giơ tay xin hàng. Riêng Nguyễn Trọng Luật, tỉnh trưởng Đắk Lắk cũng bị bắt khi đang trên đường trốn xuống Nha Trang. Lúc ấy, ông ta đã cởi bỏ áo lính, chỉ mặc chiếc áo thun trắng. Thấy một chiến sĩ Quân Giải phóng chĩa súng vào bụng mình rồi hỏi: “Ông là ai, ăn gì mà béo thế?”. Luật hốt hoảng: “Xin đừng giết tôi. Tôi là Đại tá Nguyễn Trọng Luật”.

Với Thiếu tướng Phạm Văn Phú, sau khi Buôn Ma Thuột thất thủ, ông ta cáo ốm, nằm ở Sài Gòn “dưỡng bệnh”. Trưa 29-4-1975, ông Phú uống thuốc độc tự sát.

VŨ CAO


Nhìn lại trận đánh mở màn đại thắng mùa Xuân 1975 - Bài 1: Trận đánh then chốt

Nhìn lại trận đánh mở màn đại thắng mùa Xuân 1975 - Bài cuối:  Đòn trừng phạt

.
.
.