.
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH:

Tư tưởng Hồ Chí Minh về rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên

Cập nhật: 18:27, 01/03/2018 (GMT+7)

Sinh thời, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến xây dựng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Theo Người, đạo đức là cái gốc của người cách mạng, không có đạo đức cách mạng không lãnh đạo được nhân dân. Người chỉ rõ: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn, cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng, không có đạo đức cách mạng thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. 

Cán bộ, đảng viên của Đảng bộ Khối Cơ quan tỉnh học tập chuyên đề năm 2018 “Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Ảnh: PHÚC LƯU
Cán bộ, đảng viên của Đảng bộ Khối Cơ quan tỉnh học tập chuyên đề năm 2018 “Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Ảnh: PHÚC LƯU

Hồ Chí Minh khẳng định: “Nói tóm tắt thì đạo đức cách mạng là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất”. Đạo đức ấy được thể hiện ở các phẩm chất: trung với nước, hiếu với dân; yêu thương con người; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; tinh thần quốc tế trong sáng. Những phẩm chất đó có mối quan hệ tác động qua lại biện chứng với nhau, thiếu một phẩm chất thì người cán bộ, đảng viên không thể làm tròn nhiệm vụ do Đảng, nhân dân và cách mạng giao phó. Trong những phẩm chất đạo đức ấy, phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” là một phẩm chất đặc biệt quan trọng, gắn liền với hoạt động hàng ngày của mọi cán bộ đảng viên.

Tư tưởng Hồ Chí minh về rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên và công tác xây dựng Đảng trong giai đoạn hiện nay. Dưới tác động của nhiều yếu tố: sự cám dỗ của lợi ích vật chất, mặt trái cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, tự rèn luyện kém, kiểm tra, giám sát của tổ chức chưa chặt chẽ đã làm cho một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống với những biểu hiện khác nhau như: phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc.

Để giáo dục, xây dựng, rèn luyện những phẩm chất đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh có hiệu quả thiết thực, mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng tu dưỡng, học tập, rèn luyện, thực hiện có trách nhiệm một số yêu cầu sau:

Một là, nói đi đôi với làm. Đây là hành động cơ bản thể hiện phẩm chất đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên. Hồ Chí Minh khẳng định: nói phải đi đôi với làm và cao hơn là làm rồi mới nói, làm nhiều nói ít và thậm chí làm hết lòng, làm tận tụy mà không nói, không tự phô trương. Những người nói mà không làm, nói một đằng làm một nẻo là những kẻ đạo đức giả. Người cho rằng, những kẻ đó làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Người cán bộ, đảng viên giữ cương vị lãnh đạo, quản lý, chỉ huy muốn thu phục quần chúng, muốn quần chúng tin theo phải thực sự mẫu mực về phương pháp, tác phong làm việc, lời nói gắn liền với việc làm; giữ nghiêm nguyên tắc và kỷ luật, cẩn trọng, tỉ mỉ, cụ thể trong mọi công việc, lãnh đạo, quản lý bằng hành động. Việc gì có lợi cho Đảng, cho dân kể cả những việc khó khăn, nguy hiểm, người cán bộ, đảng viên phải xông pha đi đầu và phải làm cho bằng được; việc gì có hại cho Đảng, cho dân phải hết sức tránh, tuyên truyền cho quần chúng tránh xa.

Hai là, xây đi đôi với chống. Muốn xây phải chống, chống nhằm mục đích xây là con đường để xây dựng đạo đức cách mạng, là nguyên tắc được Hồ Chí Minh khẳng định và vận dụng thường xuyên, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ dẫn thực hiện. Xây dựng đạo đức mới, bồi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp, nhất thiết phải chống những biểu hiện phi đạo đức, sai trái, xấu xa. Xây dựng đạo đức cách mạng, trước hết là tuyên truyền, giáo dục các phẩm chất chuẩn mực đạo đức cho mỗi người, trong từng gia đình, từng tập thể, cộng đồng. Xây dựng đạo đức bằng việc khơi dậy ý thức tự nguyện vươn lên của con người tới chân, thiện, mỹ, từ đó tạo ra năng lực tự trau dồi đạo đức trong mỗi con người, loại bỏ cái ác, xấu, vô đạo đức. Cùng với xây, nhiệm vụ chống có vị trí đặc biệt quan trọng để tạo môi trường cho cái đẹp nảy nở và phát triển. Người khẳng định phải kiên quyết chống lại những tệ nạn tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, xa rời quần chúng… Đó là kẻ thù nguy hiểm của nhân dân, là giặc nội xâm, giặc ở trong lòng phá từ trong phá ra. Xây phải gắn liền với chống, trong xây có chống và ngược lại. 

Ba là, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức suốt đời. Đây là yêu cầu cốt lõi trong rèn luyện đạo đức, bởi theo Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng phải qua đấu tranh rèn luyện bền bỉ mới thành. Người khẳng định: “Đạo đức cách mạng không phải ở trên trời sa xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, mọi lúc, mọi nơi. Cán bộ, đảng viên giữ cương vị càng cao càng phải tích cực, liên tục học tập, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng. Khi gặp việc thuận lợi không tự cao, tự đại, thỏa mãn dừng lại; khi gặp việc khổ, việc khó thì không chùn bước, dám nghĩ, dám làm... 

Chu Khoan Thiện

 
.
.
.