Chính phủ kiên quyết sàng lọc cán bộ, công chức, viên chức yếu kém
Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội Thái Trường Giang, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau về Năm APEC 2017, cơ hội và những thách thức mà Chính phủ phải thực thi để khẳng định vị thế của Việt Nam; vấn đề tuyển chọn và sử dụng nhân tài...
Về vấn đề tuyển chọn và sử dụng nhân tài vào bộ máy nhà nước, Thủ tướng Chính phủ cho biết, căn cứ vào quy định của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện việc tuyển dụng công chức, viên chức theo thẩm quyền, bảo đảm tuyển chọn đúng người, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và vị trí việc làm cần tuyển dụng.
Phấn đấu đến năm 2020, thu hút ít nhất 1.000 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ (tiến sĩ khoa học không quá 35 tuổi, tiến sĩ không quá 32 tuổi, thạc sĩ không quá 28 tuổi, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc không quá 25 tuổi) vào các lĩnh vực công tác của cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến cấp huyện; các đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước; lực lượng vũ trang và doanh nghiệp nhà nước.
Như vậy, việc tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức theo các quy định của Chính phủ về thu hút nhân tài nêu trên được giao cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện theo thẩm quyền. Với trách nhiệm của mình, trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm công chức, viên chức, trong đó có việc thực hiện chính sách thu hút nhân tài vào trong bộ máy nhà nước.
Thời gian vừa qua, một số bộ, ngành và địa phương có tình trạng tuyển dụng, bổ nhiệm công chức không đúng quy định, như bổ nhiệm lãnh đạo nhiều hơn công chức chuyên môn, nghiệp vụ, bổ nhiệm người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng... Cử tri và đại biểu Quốc hội đã có nhiều ý kiến đề nghị các cơ quan Đảng, Nhà nước ở các cấp, các ngành quyết tâm hơn nữa trong đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, kiên quyết xử lý những đảng viên, cán bộ, công chức có biểu hiện “suy thoái”, có hành vi tham nhũng, lãng phí.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Nội vụ khẩn trương tiến hành kiểm tra, rà soát theo thông tin báo chí phản ánh liên quan đến việc tuyển dụng, bổ nhiệm “người nhà” tại các địa phương, đơn vị.
Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác cán bộ, tập trung vào việc thực hiện các quy định về tuyển dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý và thanh tra, kiểm tra tối thiểu 30% các đơn vị thuộc, trực thuộc trong năm 2017 (Công văn số 4951/VPCP-TCCV ngày 15/5/2017 của Văn phòng Chính phủ).
Sau kiểm tra, thanh tra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương miễn nhiệm chức vụ, điều chuyển công tác, chấm dứt hợp đồng đối với trường hợp sai phạm; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của những tổ chức, cá nhân vi phạm trong công tác cán bộ; xử lý kỷ luật nghiêm minh theo quy định của Đảng và của pháp luật.
Đến nay, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 8/2/2017 về Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương. Trong đó, Chính phủ đã xác định rõ nhiệm vụ: Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cấp và những trường hợp người nhà, người thân của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp có nhiều dư luận thắc mắc, không đồng tình và công khai kết quả xử lý.
PHƯƠNG NGUYÊN