Phong cách làm việc dân chủ của người đứng đầu
Nước ta là nước dân chủ nên cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu phải mang phong cách làm việc dân chủ. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân chủ còn có vị trí vô cùng quan trọng “là của quý báu nhất của dân” và là “cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đề xướng nguyên tắc dân chủ tập trung. Người coi đó là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của Đảng cũng như của hệ thống chính trị ở nước ta. Người yêu cầu cán bộ, đảng viên nói chung, người đứng đầu nói riêng phải luôn thấm nhuần dân chủ là nền tảng, là cơ sở của tập trung, nhưng dân chủ cuối cùng phải đi đến tập trung. Dân chủ để phát huy trí tuệ của tập thể, khơi dậy nguồn sáng tạo, phát huy tinh thần và tiềm năng làm việc to lớn của cấp dưới và quần chúng nhân dân, tạo ra sự đoàn kết, thống nhất và sức mạnh to lớn của tập thể. Người lãnh đạo mà “Miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối quan chủ”, thì theo Người cho dù “đầy túi quần thông báo, đầy túi áo chỉ thị”, công việc vẫn không chạy.
Trên cương vị đứng đầu đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng thành công phong cách làm việc dân chủ tiêu biểu, đặc trưng của mình. Từ việc nhỏ đến việc lớn, Người đều tranh thủ tối đa ý kiến của những người trong Phủ Chủ tịch, của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, của giới trí thức và đội ngũ chuyên gia. Trước những sự kiện trọng đại, Người trưng cầu ý kiến toàn dân. Khi đế quốc Mỹ có âm mưu leo thang chiến tranh đánh phá miền Bắc XHCN, Người mở Hội nghị chính trị đặc biệt, sự kiện được đánh giá như Hội nghị Diên Hồng trong thời đại mới. Năm 1968, tại Hội nghị bàn xuất bản sách “Người tốt, việc tốt”, Người thể hiện phong cách làm việc dân chủ đến mức: “Bác muốn bàn luận dân chủ, các chú có ý kiến gì trái với Bác thì cứ cãi, nhất trí rồi về làm mới tốt được”.
Quan điểm cũng như yêu cầu rất khắt khe với bản thân, với đội ngũ cán bộ ở cương vị đứng đầu của Người là trước khi đưa ra quyết định nhất thiết phải mở rộng dân chủ theo nguyên tắc: trao đổi, bàn bạc, lắng nghe, tiếp thu mọi ý kiến đóng góp trong Đảng, trong dân. Người dặn: cán bộ đảm nhiệm cương vị đứng đầu phải chú ý rèn luyện bản lĩnh dám nghe, dám tiếp thu những ý kiến của cấp dưới, của nhân dân trái với ý mình; luôn khuyến khích, động viên để cán bộ cấp dưới và nhân dân “cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến”; biết tôn trọng, thành tâm ghi nhận những ý kiến thuộc về thiểu số; không bao giờ được thành kiến, trù dập những người có ý kiến trái với mình; không cho phép được quyền “độc tôn chân lý”, cái gì mình cũng hay, cũng đúng, cũng nhất.
Phong cách làm việc dân chủ Hồ Chí Minh là đỉnh cao của sự giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tập trung với dân chủ. Người mở rộng tối đa biên độ dân chủ, nhưng Người lại dám quyết đoán, dám chịu trách nhiệm trước những bước ngoặt của lịch sử. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, trước khó khăn như “ngàn cân treo sợi tóc”, Người tuyên bố giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương; đề nghị Quốc hội cho “Việt Quốc”, “Việt Cách” 70 ghế trong Quốc hội, 5 ghế trong Chính phủ; chủ trương “hòa với Tưởng”, “hòa với Pháp”… Đó là những quyết định mang đậm phong cách làm việc dân chủ đặc trưng Hồ Chí Minh; là những sách lược được ghi vào lịch sử ở tầm cao tính quyết đoán của người chịu trách nhiệm lớn nhất trước Đảng, trước dân. Bản thân Người và Người bắt buộc những cán bộ đứng đầu dưới quyền phải có tố chất quyết đoán: dám nghĩ, dám quyết, dám làm, dám chịu trách nhiệm; thực hành phong cách dân chủ phải luôn đặt mình trong tập thể, tôn trọng, lắng nghe, phát huy trí tuệ và chấp hành theo ý kiến đa số của tập thể; nhưng phải mạnh dạn quyết định những vấn đề thuộc chức trách, thẩm quyền được giao; tuyệt đối không ỷ lại, núp bóng, dựa dẫm vào tập thể hay tranh công, đổ lỗi cho tập thể.
Hồ Chí Minh nghiêm khắc phê phán và luôn căn dặn cán bộ ở cương vị đứng đầu đơn vị, cơ quan, địa phương, bộ, ngành phải phòng và chống bằng được khuynh hướng vi phạm dân chủ và dân chủ hình thức. “Căn bệnh” đó sẽ làm cho cấp trên ngăn cách với cấp dưới; cán bộ, đảng viên ngăn cách với nhân dân, người có ý kiến không dám nói, người muốn phê bình không dám phê bình; làm cho “nội bộ Đảng âm u, uất ức mà hóa ra oán ghét, chán nản”. Phải xóa bỏ bằng được các biểu hiện tư tưởng và hành động độc đoán, chuyên quyền, bóp nghẹt dân chủ, dùng quyền lực nhân dân trao rồi tự mình ban phát lợi lộc cho bà con, anh em ruột thịt, bạn bè, “những người hẩu với mình”. Và tố chất của người cán bộ đứng đầu không cho phép sợ trách nhiệm, sợ khuyết điểm để rồi làm tiêu tan tính năng động, sáng tạo, không dám đổi mới, không dám đưa ra những quyết định có tính đột phá và không dám hành động.
NGUYỄN QUANG PHI