Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Công tác thi đua phải hướng vào người dân, vào cơ sở
Ngày 18-1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương đã chủ trì cuộc họp đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác 2017, đề ra nhiệm vụ của Hội đồng trong năm 2018.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương phát biểu chỉ đạo phiên họp. |
Năm 2017, Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương đã thẩm định trình Thủ tướng, Chủ tịch nước khen thưởng cho 74.872 trường hợp. Trong đó, khen thưởng đột xuất, chuyên đề cho 8.610 trường hợp, khen thưởng thành tích thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5.816 trường hợp.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, năm 2017, nhiều phong trào của Mặt trận, đoàn thể, từng bộ, ngành, địa phương được phát động, thực hiện, có sức lôi cuốn. Công tác truyền thông, thông tin về người tốt, việc tốt được đẩy mạnh; công tác khen thưởng đã khắc phục một số bất cập, tồn tại. Thông qua phong trào thi đua yêu nước, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, báo chí có nhiều hình thức tôn vinh, biểu dương điển hình, nhân tố mới, mô hình mới.
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2018, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần: Công tác thi đua khen thưởng phải đóng góp vào sự chuyển mình của đất nước để đưa đất nước tiến lên; đời sống của người dân tiếp tục được cải thiện, “không ai bị bỏ lại phía sau”, kinh tế xã hội phát triển bền vững, hiệu quả. Thủ tướng chỉ đạo công tác thi đua phải hướng vào người dân, vào cơ sở. Phải đẩy mạnh hơn nữa nhiệm vụ tuyên truyền về tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước. Cùng với đó là tiếp tục biểu dương, tuyên truyền, tôn vinh tập thể cá nhân tiêu biểu, các mô hình mới, sáng tạo trong lao động, sản xuất, học tập, công tác.
Thủ tướng yêu cầu, ngay từ đầu năm, cần tổ chức phát động đợt thi đua đặc biệt, đồng loạt ra quân triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của từng bộ, ngành, địa phương. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01 với 242 nhiệm vụ cụ thể thì các bộ, ngành, địa phương đều phải có kế hoạch cụ thể triển khai. Thường xuyên phát hiện kịp thời những tấm gương người tốt, việc tốt, những mô hình mới và phải làm mạnh mẽ hơn, kể cả 4 khâu: Phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân rộng. Tiếp tục nâng cao chất lượng khen thưởng với tinh thần kịp thời, đúng quy định. Lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, thực hiện công tác chuyên môn làm thước đo khen thưởng. Trước khi khen thưởng, phải có nhiều kênh thông tin để truyền thông, lấy ý kiến nhân dân, đánh giá đúng thực chất đối tượng khen thưởng. Các địa phương phải tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm hồ sơ tồn đọng trong công tác khen thưởng thành tích thời kháng chiến, phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Đi liền với đó là đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện thi đua.
PV