.

Kỷ niệm 50 năm Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968: Vang danh "đội quân tóc dài"

Cập nhật: 19:10, 09/01/2018 (GMT+7)

Đã hơn 42 năm sau ngày miền Nam giải phóng, nhưng những năm tháng “vào sinh ra tử” trên khắp các chiến trường Bà Rịa - Long Khánh vẫn còn in đậm trong tâm trí các chiến sĩ Đội cối nữ huyện Châu Đức.

Sau đợt 1 Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, quân và dân ta bước đầu làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ và tay sai. Riêng lực lượng vũ trang huyện Châu Đức đã tiêu diệt, làm tiêu hao nhiều sinh lực địch, mở ra vùng giải phóng rộng lớn từ khu vực Tam Long (Hòa Long, Long Phước, Long Tân), đến Lộ 15, Lộ 2… buộc địch co cụm lại. 

Ngày 8-3-1968, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy Bà Rịa - Long Khánh, Huyện đội Châu Đức thành lập Đội cối với quân số ban đầu chỉ có 4 người, gồm: Nguyễn Văn Thìn (Đại đội 41, huyện đội Châu Đức) là khẩu đội trưởng; Võ Thị Xuân (quê xã Long Phước) là khẩu đội phó; Trần Thị Tâm (quê xã Long Phước) và Ngô Thị Đào (quê Tây Ninh) là đội viên. 

Nhiệm vụ của đơn vị là sử dụng hỏa lực cối 60mm chi viện cho Đại đội 41 thực hành tác chiến tiêu diệt địch trên địa bàn trong suốt quá trình tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, nhằm đánh bại kế hoạch hành quân lấn chiến vùng giải phóng của đối phương. Sau đó, quân số Đội cối 60mm Châu Đức tăng lên 12 người toàn là nữ, do bà Võ Thị Xuân làm khẩu đội trưởng. Địa bàn hoạt động của Đội cối nữ huyện Châu Đức ngày đó rất rộng, bao gồm toàn bộ địa bàn các huyện Châu Đức, Tân Thành và TP. Bà Rịa ngày nay. 

Súng cối là vũ khí nặng, một khẩu súng cối phải 3 người hợp sức mới mang vác nổi. Đường đi chủ yếu là đường rừng, núi, đèo dốc rất nguy hiểm. Thế nhưng, các chiến sĩ Đội cối nữ chưa bao giờ chùn bước trong những lần hành quân. Tiếp nối truyền thống phụ nữ Nam bộ lừng lẫy với đội quân tóc dài, 8 năm trực tiếp đương đầu với hiểm nguy và chấp nhận sự hy sinh, Đội cối nữ Châu Đức đã cùng bộ đội địa phương lập nên nhiều chiến công trên khắp các chiến trường trọng điểm Châu Đức, Khu Tam Long, Khu Tứ Long, dọc theo Lộ 15 (Phước Thái, Phú Mỹ, Mỹ Hòa), dọc theo Lộ 2 (Bình Ba, Ngãi Giao, Kim Long, Xà Bang) hỗ trợ đắc lực cho các đơn vị bộ đội huyện và tỉnh tiến công tiêu diệt địch.

Đại tá Thái Văn Điền (bìa phải), Chính ủy Bộ CHQS tỉnh chung vui cùng các thành viên Đội cối nữ Châu Đức trong buổi họp mặt truyền thống.
Đại tá Thái Văn Điền (bìa phải), Chính ủy Bộ CHQS tỉnh chung vui cùng các thành viên Đội cối nữ Châu Đức trong buổi họp mặt truyền thống.

Chúng tôi tìm đến nhà bà Võ Thị Xuân - khẩu đội trưởng Đội cối 60mm năm xưa. Bà Xuân giờ đây ở tuổi 68 nhưng vẫn còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Trong ngôi nhà khang trang ở ấp Tân Hiệp (xã Long Tân, huyện Đất Đỏ) có rất nhiều những tấm huân chương, huy chương. Cầm trên tay bức ảnh bà Xuân cùng một nữ cối thủ tên Nguyệt đang sát cánh trên chiến trường (do Đảng ủy - Bộ CHQS tỉnh BR-VT trao tặng cách đây vài năm), bà Xuân kể: Đội cối nữ huyện Châu Đức được trang bị 1 khẩu cối 60mm. Đây là loại hỏa lực trợ chiến cho bộ binh, dùng rất hiệu quả trong các trận đánh gần, có thể tiêu diệt mục tiêu bị khuất bởi vật cản, đồng thời có thể ngắm bắn từ vị trí được che chắn tốt. Được huấn luyện trong thời gian ngắn, chị em đã nắm được kiến thức cơ bản, sử dụng thành thạo súng cối.

Tiếp tục tìm đến những người phụ nữ dũng cảm, kiên cường trong Đội cối nữ Châu Đức ngày ấy, chúng tôi gặp và được nghe bà Trần Thị Huệ (58 tuổi, ấp Bắc 1, xã Hòa Long, TP. Bà Rịa) chia sẻ: “Những đội viên Đội cối 60 chúng tôi ngày đó là những thiếu nữ tuổi mười tám, đôi mươi. Nhưng ngày đó các đội viên lại chọn con đường chiến đấu gian khổ, nơi lằn ranh giữa sự sống và cái chết để cống hiến tuổi xuân. Nhiều người có người thân bị giặc bắt bớ, tra tấn, tù đày, đối xử rất tàn bạo phải hy sinh. Do đó, tâm niệm của chúng tôi tham gia Đội cối với quyết tâm cầm súng đánh giặc đền ơn nước, trả thù nhà!”.

Với tinh thần “không lùi bước trước hiểm nguy”, sau 8 năm xây dựng và trưởng thành cho tới cuộc Tổng tiến công và đại thắng mùa Xuân năm 1975, Đội súng cối nữ Châu Đức đã lập nên nhiều trận thắng vang dội tại các địa bàn ác liệt, những loạt đạn cối 60mm là hỏa lực trợ chiến của các chị em đã bao phen khiến giặc thù khiếp sợ. Đóng góp của Đội cối nữ Châu Đức luôn được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh BR-VT ghi nhớ. Tên gọi thân thương “Đội cối nữ Châu Đức” đã trở thành một phần lịch sử quân sự của lực lượng vũ trang huyện Châu Đức và lực lượng vũ trang tỉnh BR-VT trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. 

Bài, ảnh: PHƯƠNG NAM, QUỲNH NGA

.
.
.