Chiến công xuất sắc của lực lượng đặc công, biệt động
Trước Tết Mậu Thân 1968 khoảng hai tháng, các lực lượng đặc công, biệt động có nhiệm vụ tiến công các mục tiêu trong đô thị đã có mặt tại các bàn đạp, căn cứ lõm hoặc tại các cơ sở mật trong thành phố, thị xã... sẵn sàng tiến công khi có lệnh. Lần đầu tiên, lực lượng đặc công, biệt động tham gia tác chiến với quy mô lớn.
Đội võ trang Ban Tuyên huấn đặc khu Sài Gòn - Gia Định (T4) trước giờ xuất kích tham gia chiến dịch Tết Mậu Thân 1968. Ảnh: Tư liệu. |
Đêm 30 rạng ngày 31-1-1968, các lực lượng vũ trang ta đồng loạt tiến công vào hầu hết các thành phố, thị xã trên toàn miền Nam Việt Nam, trọng điểm là những thành phố lớn như: Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế.
Tại Sài Gòn, các đội, cụm biệt động tập kích đồng loạt vào các cơ quan đầu não Mỹ - ngụy, gây chấn động dư luận trong nước và thế giới, không những chỉ quân viễn chinh Mỹ và quân đội, chính quyền Sài Gòn hoang mang cực độ, mà cả Nhà Trắng cũng bàng hoàng, sửng sốt. Lúc 2 giờ sáng 31-1, một đội biệt động 17 chiến sĩ tiếp cận Tòa Đại sứ quán Mỹ, nhanh chóng diệt lính gác, dùng bộc phá đánh sập tường bao, thọc thẳng vào tòa nhà chính, chiếm giữ tầng một, diệt nhiều quân cảnh, đẩy lùi các đợt phản kích của địch. Đến 9 giờ sáng, địch dùng trực thăng đổ quân đánh từ sân thượng xuống, phối hợp với quân từ nhà Đại sứ Pháp đánh sang, trận đánh không cân sức diễn ra gay go, quyết liệt, các chiến sĩ biệt động đã anh dũng chiến đấu, giành giật với địch từng bậc cầu thang, từng căn phòng. Lực lượng sinh viên, học sinh không đến chi viện được theo như kế hoạch. Toàn đội biệt động đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, đến người cuối cùng. 15 chiến sĩ đã hy sinh, 2 chiến sĩ bị thương và bị bắt.
Cùng thời gian trên, nhiều mục tiêu quan trọng khác đều bị biệt động tiến công đồng loạt. Tại Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn, ở cổng số 4 và 5 bị một bộ phận Tiểu đoàn đặc công 4 cùng với Tiểu đoàn bộ binh 2 (mũi nhọn) của Phân khu 1 (Hóc Môn, Gò Vấp) tiến công, một phần khu vực Bộ Tổng Tham mưu và nhiều vị trí quan trọng bị đánh chiếm. Trong lúc đó, tại cổng số 2 và cổng Phi Long cũng bị Cụm biệt động 679 uy hiếp mạnh. Song, lực lượng của ta và của địch quá chênh lệch, các đơn vị chiến đấu cầm cự với địch ở Bộ Tổng Tham mưu của chúng được gần 2 ngày, vượt thời gian dài so với kế hoạch. Do không có lực lượng đến tiếp ứng, đến 14 giờ ngày 1-2-1968, các đơn vị biệt động không còn đạn, buộc phải phân tán lực lượng về các cơ sở.
Tại Đài Phát thanh Sài Gòn, Cụm biệt động 345 sử dụng 12 chiến sĩ tiếp cận mục tiêu, diệt lực lượng bảo vệ, chiếm giữ Đài chờ kỹ thuật viên vào phát sóng kêu gọi quân dân toàn Miền nổi dậy nhưng không có đơn vị nào vào tiếp ứng, kỹ thuật viên phát thanh cũng không đến. Trước sự phản kích quyết liệt của địch, buộc ta phải phá hủy Đài và tiếp tục chiến đấu, 10 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh.
Tại Dinh Độc Lập, Cụm biệt động 345 sử dụng Đội 5 gồm 15 chiến sĩ (có 1 nữ) cơ động bằng xe ô tô đến tiếp cận mục tiêu. Do bộc phá không nổ, không phá được tường bao, xe ô tô chứa chất nổ không lọt được vào bên trong, nhưng tổ đột phá đã nhanh chóng nhảy vào bên trong cổng. Địch bắn chặn dữ dội, toàn đội phải lui ra, bị địch bao vây phong tỏa, ta vừa rút vừa chiến đấu trên đường Nguyễn Du, bắn cháy 3 xe Zeep, diệt nhiều lính ngụy, nhưng ta cũng bị thương vong dần, lại không có lực lượng đến tiếp ứng theo kế hoạch. Cuối cùng toàn đội đã hy sinh.
Tại Bộ Tư lệnh Hải quân, Đội biệt động 3 thuộc Cụm 345 có 16 chiến sĩ cơ động bằng ô tô đến tiếp cận mục tiêu tại cổng chính, diệt lính gác, lao ngay vào bên trong, tỏa ra đánh chiếm các vị trí dưới làn đạn xối xả của địch, quân số bị hao hụt nhanh chóng, số còn lại cầm cự đến sáng vẫn không thấy lực lượng bên ngoài vào. Cuối cùng, 14 chiến sĩ hy sinh, chỉ còn 2 chiến sĩ (có 1 nữ) vượt được vòng vây về ẩn nấp ở cơ sở.
Sát với Sài Gòn, các tỉnh Tây Ninh, Biên Hòa, Long An... các mục tiêu trong thị xã cũng bị tiến công đồng loạt. Điển hình như ở Biên Hòa, hàng trăm máy bay bị phá hủy, hàng nghìn tấn bom đạn bị đánh nổ, nhưng ta cũng bị thương vong lớn.
Như vậy, trong hai tháng thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng, ngay từ những phút đầu đến suốt quá trình của đợt tổng tiến công, đặc công, biệt động đã ra quân với một lực lượng hùng hậu nhất từ trước đến thời điểm này, có thể nói đã huy động toàn bộ lực lượng có trong tay, gồm cả đặc công chủ lực, đặc công địa phương và đặc công du kích làm mũi nhọn sắc bén, luồn sâu, thọc sâu vào hậu phương địch. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, bằng trí thông minh, trình độ chiến thuật điêu luyện và tinh thần dũng cảm vô song, lòng yêu nước cao độ “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, các đơn vị đặc công, biệt động đã mở màn xuất sắc cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy bằng loạt trận đánh vào các thành phố, thị xã trên toàn miền Nam. Đặc biệt là ở Sài Gòn, lực lượng biệt động đã đánh trúng cơ quan đầu não chiến lược của Mỹ, chính quyền Sài Gòn gây chấn động mạnh cho cả nước Mỹ, có thể nói lực lượng biệt động đã lập công đầu.
Ở các địa bàn khác cũng vậy, từ Trị - Thiên đến Khu 5 và Tây Nguyên, ngay từ những phút đầu của “giờ G”, những mục tiêu hiểm yếu, quan trọng trong hầu hết các thành phố, thị xã đều do các đơn vị đặc công, biệt động nổ súng tiến công đầu tiên; các lực lượng vũ trang và nhân dân thường lấy tiếng súng của đặc công, biệt động làm hiệu lệnh nổ súng chung cho cuộc tiến công trong địa bàn, địa phương mình.
Những chiến công xuất sắc, chiến thắng vang dội của lực lượng đặc công, biệt động ở Sài Gòn và các thành phố, thị xã khác trong những ngày Tết Mậu Thân 1968 là một đỉnh cao thắng lợi của chiến tranh nhân dân Việt Nam, chúng ta đã thực sự đưa được chiến tranh nhân dân vào đô thị, biến hậu phương địch thành chiến trường của ta, tạo nên sức mạnh và hiệu quả của cuộc tổng tiến công chiến lược, đánh bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang, chấp nhận đàm phán với ta để tìm giải pháp kết thúc chiến tranh ở Việt Nam.
Tuy nhiên, tham gia Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, đặc công, biệt động đã huy động hết lực lượng có trong tay, mà tác chiến chủ yếu ở địa bàn đô thị sâu trong hậu phương địch với hy sinh to lớn như vậy đã để lại cho đặc công, biệt động những tổn thất không nhỏ. Sau tổng tiến công, hầu hết lực lượng còn lại ở đô thị bị lộ, nhiều cán bộ, chiến sĩ bị địch truy lùng gắt gao, nhiều cơ sở mật bị địch bóc gỡ, phải mất thêm thời gian mới khôi phục lại được.
Đại tá VŨ HỒNG QUANG
(Phó Chính ủy Binh chủng Đặc công)