Cẩn trọng để không bị mắc bẫy lừa đảo

Thứ Hai, 27/05/2024, 18:23 [GMT+7]
In bài này
.

Không còn là chuyện chỉ đọc trên báo, tuần trước trong nhóm Zalo cộng đồng chung cư nơi tôi ở, chị T.M.T nhắn lên nhóm để cảnh báo tình trạng bị mất sạch tiền trong tài khoản khi nghe theo lời một đối tượng giả danh công an hướng dẫn cài đặt tài khoản định danh điện tử mức 2. Theo lời kể của chị, đối tượng gọi điện thoại đến, xưng tên là P.T - công an khu vực. “Tên trùng khớp với đồng chí công an khu vực nơi khu phố sinh sống, nên khi nghe hướng dẫn tôi đã tin và làm theo”, chị T.M.T cho hay.

Tuy nhiên, chỉ ít phút sau đó chị đã phát hiện tài khoản hơn 30 triệu đồng bạn hàng vừa chuyển vào bị mất sạch.

Tình trạng bị lừa như chị T.M.T gần đây xảy ra khá nhiều dù cơ quan chức năng liên tục cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng. Thông tin trên các phương tiện truyền thông cho thấy, có nhiều người bị lừa mất sạch từ hàng chục triệu đến hàng chục tỷ đồng. Chiêu thức của các đối tượng là gọi điện thoại rồi dùng ứng dụng giả mạo có giao diện giống với ứng dụng VNeID thật, kích hoạt tài khoản định danh điện tử, cập nhật thông tin cá nhân trên tài khoản định danh điện tử. Sau khi người dân cài đặt ứng dụng VNeID giả mạo được cấp quyền truy cập thiết bị ở mức cao (cả đọc dữ liệu cá nhân, đọc tài khoản ngân hàng, đọc tin nhắn chứa mã OTP...). Các đối tượng lừa đảo kiểm soát được ứng dụng tài khoản ngân hàng trên điện thoại của người dân và bọn chúng thực hiện lệnh chuyển tiền để chiếm đoạt tài sản.

Một số thủ đoạn của tội phạm lợi dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thường giả danh công an, nhân viên cơ quan thuế, ngân hàng… Gần đây các ngân hàng cũng gửi thông báo cho khách hàng về tình trạng lừa cài đặt ứng dụng giả mạo, mạo danh tổng đài chăm sóc khách hàng của ngân hàng để gọi điện kiểm tra số dư, nâng hạn mức thẻ, liên kết ví điện tử, thông báo tài khoản khách hàng vừa bị xâm nhập… Từ đó, đối tượng yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản, thẻ, mật khẩu, mã xác thực một lần (OTP) hoặc quét mã QR, chụp mặt trước, mặt sau chứng minh nhân dân, căn cước công dân, chụp hình ảnh gương mặt hoặc gửi link hướng dẫn... Nếu khách hàng thực hiện theo yêu cầu của các đối tượng lừa đảo thì có thể mất tiền trong tài khoản hoặc thẻ.

Trước thực trạng trên, các cơ quan chức năng như Công an, Cục An toàn thông tin, ngân hàng… mới đây cũng liên tục khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không cung cấp những thông tin cá nhân như căn cước công dân, số tài khoản ngân hàng, mã OTP… để tránh bị đánh cắp thông tin sử dụng cho mục đích phi pháp. Đồng thời không làm theo các yêu cầu thông qua điện thoại; tuyệt đối không truy cập các link nhận được qua tin nhắn hoặc cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc.

VÕ THANH

 
;
.