.

Mong sớm làm rõ nguyên nhân cháu bé tử vong tại nơi gửi trẻ

Cập nhật: 18:54, 09/11/2023 (GMT+7)

7 tháng kể từ ngày con gái tử vong “bất thường” khi gửi ở nhóm trẻ tự phát, chị Đ.T.K.L. (SN 1995, ngụ TP. Vũng Tàu) vẫn miệt mài mang đơn đi gõ cửa cơ quan chức năng để tìm sự thật cái chết của con.

Chị Ly bật khóc nghẹn ngào khi nhắc về người con
Chị Ly bật khóc nghẹn ngào khi nhắc về người con "xấu số" của mình.

Con tử vong khi gửi ở nhóm trẻ

Gần 7 tháng trôi qua, chị L. vẫn chưa nguôi ngoai nỗi đau mất con. Trong căn phòng trọ rộng khoảng 20m2, ở phường Thắng Nhất (TP.Vũng Tàu), chị L. ôm di ảnh con gái ngồi thẫn thờ, khuôn mặt tiều tuỵ, mắt sưng do khóc nhiều. Trong phòng, nhiều kỷ vật của bé vẫn được chị giữ lại. Trong lúc nói chuyện với phóng viên, chị L. liên tục khóc nghẹn vì nhớ con. “Mỗi lúc nhìn đồ vật của con tim tôi lại đau thắt. Tôi ước đó chỉ là cơn ác mộng để khi tỉnh lại tôi được ôm, được chạm vào con”, chị L. nghẹn ngào.

Chị L. cho biết, con gái tên N.G.H., mới 11 tháng tuổi. Do vợ chồng phải đi làm nên từ ngày 3/4, chị L. gửi con cho bà N.T.B. (SN 1980, ngụ phường 11, TP. Vũng Tàu) trông nom, chăm sóc.

Ngoài cháu H., bà B. còn trông giữ 2 cháu bé khác. Đây là nhóm trẻ tự phát, không phép.

Sáng 12/4, chị L. chở con đến nhà bà B. để gửi. Lúc đi bé vẫn khỏe mạnh, không có dấu hiệu ho, ốm hay bệnh tật. Đến trưa cùng ngày, vợ chồng chị nhận được tin báo con gái đang cấp cứu tại Bệnh viện Vũng Tàu. Khi đến bệnh viện, hai vợ chồng chết lặng khi bác sĩ thông báo con bị hôn mê sâu, chết não... Chị L. gục ngã đau đớn. Cháu H. điều trị tại bệnh viện đến ngày 6/5 thì tử vong.

Cái chết “bất thường” của cháu H. được gia đình chị L. báo tới công an. Làm việc với công an, bà B. cho biết cháu H. bị sặc sữa, sơ cứu không được mới đưa cháu đến bệnh viện. Trong khi chị L. cho biết, bác sĩ cấp cứu thông báo kết quả chụp phổi của cháu H. tại bệnh viện không thấy sữa hay dị vật ở đường thở, mà có vết bầm ở trên trán.

Chờ kết quả giám định bổ sung

Sau khi cháu H. mất, vợ chồng chị L. yêu cầu cơ quan chức năng giám định pháp y để làm rõ nguyên nhân. Ngày 6/5, Phòng Kỹ thuật Hình sự - Công an tỉnh có chứng nhận pháp y, nêu nguyên nhân cái chết của cháu H. là do suy đa cơ quan.

Tới ngày 17/7, vợ chồng chị L. nhận được thông báo kết luận giám định của Cơ quan CSĐT Công an TP. Vũng Tàu. Theo đó, nguyên nhân dẫn đến việc cháu H. tử vong là do: suy đa cơ quan ở cơ thể, bị chấn thương sọ não kèm viêm phổi. Vật tác động gây chấn thương sọ não là do vật tày, diện tiếp xúc rộng gây nên; tác động trực tiếp vào vùng đầu cơ thể nạn nhân hướng từ sau ra trước.

Ngày 2/8, chị L. có đơn gửi các cơ quan tố tụng TP. Vũng Tàu và tỉnh yêu cầu khởi tố vụ án hình sự liên quan đến cái chết của cháu H. Tuy nhiên, tới ngày 10/9, Cơ quan CSĐT Công an TP. Vũng Tàu đã ra quyết định đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm của gia đình chị L.

“Tôi không biết vì lý do gì mà cơ quan CSĐT Công an TP. Vũng Tàu đình chỉ giải quyết vụ việc của con tôi. Lời khai ban đầu của bà B. không khớp với kết luận giám định pháp y. Gia đình tôi đề nghị cơ quan điều tra khởi tố vụ án để làm rõ nguyên nhân cháu tử vong tại nơi giữ trẻ”, chị L. kiến nghị.

Giữ trẻ trái phép gây chết người, bị truy cứu như thế nào?
Theo quy định tại Nghị định 04/2021/NĐ-CP ngày 22/01/2021 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, hành vi tự ý mở cơ sở trông giữ trẻ tại nhà không phép có thể bị phạt vi phạm hành chính từ 7 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Đồng thời còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung cũng như áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
Khi người nhận trông giữ trẻ tại nhà làm cho đứa bé bị chấn thương sọ não dẫn đến tử vong thì có thể bị xem xét xử lý hình sự.
Cụ thể, nếu trong quá trình giữ trẻ mà người nhận trông giữ trẻ lơ là, không để ý dẫn đến việc đứa trẻ bị té ngã hậu quả gây chấn thương sọ não và tử vong thì có thể bị xem xét xử lý hình sự về tội “vô ý làm chết người” quy định tại Điều 128, BLHS 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Trong trường hợp nếu người giữ trẻ có hành vi bạo hành, đánh đập bé dẫn đến chấn thương sọ não và tử vong sau đó thì có thể bị xem xét xử lý về tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” dẫn đến hậu quả chết người quy định tại Khoản 4, Điều 134 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Hoặc nếu trong trường hợp chứng minh được hành vi của người giữ trẻ dùng hung khí nguy hiểm đánh trực tiếp vào vùng đầu đứa bé cũng có thể sẽ bị xem xét xử lý tội “Giết người” theo quy định tại Điều 123, BLHS 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
(Đoàn Luật sư tỉnh)

Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, Đại tá Bùi Văn Thảo, Giám đốc Công an tỉnh cho biết, vụ việc đang được cơ quan công an thụ lý giải quyết. Hiện đang chờ kết quả giám định bổ sung nội dung kết luận giám định pháp y ngày 6/5 của Phòng Kỹ thuật Hình sự. “Việc ra quyết định đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm của gia đình chị L. là do đã hết thời hạn giải quyết. Sau khi có kết quả giám định bổ sung thì cơ quan công an sẽ phục hồi điều tra theo quy định”, Đại tá Bùi Văn Thảo lý giải.

Bài, ảnh: TRÚC GIANG

.
.
.