Bệnh nhân đột quỵ, khó xin giấy chứng nhận thương tích

Thứ Tư, 17/05/2023, 18:30 [GMT+7]
In bài này
.

Bệnh viện Bà Rịa (TP.Bà Rịa) cấp Giấy chứng nhận thương tích (GCNTT) cho bệnh nhân đột quỵ rồi lại thu hồi, khiến việc thực hiện giám định mức độ suy giảm khả năng lao động không thể thực hiện gây bức xúc cho gia đình và bệnh nhân. Vì sao lại có sự việc này?

Sức khỏe của ông Dương Thanh Bình hiện vẫn chưa hồi phục.
Sức khỏe của ông Dương Thanh Bình hiện vẫn chưa hồi phục.

Cấp, rồi lại thu hồi

Phản ánh tới Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, bà Nguyễn Thị Kim Liên (xã Hòa Long, TP.Bà Rịa) cho biết, sáng ngày 7/2/2023 chồng bà là ông Dương Thanh Bình bị tai nạn lao động khi đang làm việc tại Công ty CP Dịch vụ đô thị Bà Rịa và được đưa đi cấp cứu, điều trị ở Bệnh viện Bà Rịa.

Tại đây, ông Bình được chẩn đoán mạch máu não đột ngột vỡ, chảy máu vào bên trong nhu mô não, tổn thương não. Các bác sĩ chẩn đoán xuất huyết não bán cầu trái, phải tiến hành phẫu thuật mở sọ giải áp lấy máu tụ. Sau đó gửi bảo quản xương sọ cho bệnh nhân tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP. Hồ Chí Minh.

Đến ngày 2/3, ông Bình xuất viện. Do xuất huyết não nên dù được bác sĩ mở sọ lấy máu tụ nhưng ông Bình vẫn bị liệt nửa người phải, khó nói và cần thời gian dài điều trị tại nhà riêng.

Do đó, ngày 20/3, gia đình ông Bình đề nghị Bệnh viện Bà Rịa cấp giấy chứng nhận thương tích (GCNTT) cho ông để làm hồ sơ giám định mức suy giảm khả năng lao động. Ngày 3/4, Bệnh viện Bà Rịa đã cấp giấy này cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, đến ngày 17/4, Bệnh viện Bà Rịa lại có văn bản gửi gia đình thu hồi lại GCNTT, lý do ông Bình nhập viện với chuẩn đoán xuất huyết não bán cầu trái, tình trạng bệnh không phù hợp cấp GCNTT.

Đến nay, việc giám định suy giảm khả năng lao động với ông Bình chưa thể thực hiện được. Do đó, chế độ BHXH, chính sách hỗ trợ của Công ty về tai nạn lao động, ông Bình cũng chưa được hưởng.

“GCNTT là giấy tờ bắt buộc phải có trong hồ sơ yêu cầu giám định  mức suy giảm khả năng lao động của chồng tôi là ông Dương Thanh Bình. Bệnh viện Bà Rịa căn cứ vào quy định pháp luật nào để thu hồi GCNTT đã cấp cho bệnh nhân?”, bà Liên thắc mắc.

Đại diện Đoàn Luật tỉnh cho biết, theo các tài liệu y khoa, về khái niệm thuật ngữ “Thương tích” được hiểu là sự tổn thương của cơ thể ở các mức độ khác nhau gây nên bởi tiếp xúc đột ngột với các nguồn năng lượng (có thể là các tác động cơ học, nhiệt, hóa chất, bức xạ ion, chất phóng xạ…) quá ngưỡng chịu đựng của cơ thể hoặc do cơ thể thiếu các yếu tố cần thiết cho sự sống như thiếu oxy, mất nhiệt...
Trong trường hợp nêu trên, GCNTT số 135/CN ngày 3/4 của Bệnh viện Bà Rịa cấp cho ông Dương Thanh Bình là đúng theo quy định pháp luật tại Quyết định số 4069/2001/QĐ-BYT ngày 28/9/2001 về ban hành mẫu hồ sơ, bệnh án và khoản 1, Điều 5, Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/ 2017 quy định chi tiết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế.
Văn bản số 482, ngày 17/4/2023 của Bệnh viện Bà Rịa về việc thu hồi GCNTT với lý do “Tình trạng bệnh không phù hợp cấp GCNTT” mà không nêu ra được quy định trường hợp ông Dương Thanh Bình không thuộc đối tượng được cấp GCNTT là không phù hợp quy định pháp luật.

 

Lúng túng vì quy định, hướng dẫn không rõ ràng

Làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Bà Rịa giải thích, sở dĩ Bệnh viện cấp GCNTT cho ông Bình rồi lại thu hồi do ông Bình bị xuất huyết não khi đang ngồi nghỉ ngơi, hút thuốc chứ không phải trong lúc đang lao động (dựa trên biên bản xác minh của công ty). Thực tế, ông Bình đến Bệnh viện Bà Rịa đã có dấu hiệu méo miệng, nói năng hơi lắp bắp. Sau khi theo dõi một thời gian ngắn, bệnh viện phát hiện ông Bình xuất huyết não và chỉ định mổ...

Ban đầu, phòng nghiệp vụ thấy trường hợp này có mổ phẫu thuật, can thiệp ngoại khoa nên đề xuất lãnh đạo Bệnh viện Bà Rịa ký cấp GCNTT. Tuy nhiên kiểm tra lại thấy việc cấp giấy trong trường hợp này là không phù hợp, không tương thích với mẫu GCNTT của Bộ Y tế. Do đó, bệnh viện liên hệ gia đình, có văn bản thu hồi lại GCNTT.

“Bệnh viện đã cung cấp tóm tắt hồ sơ bệnh án, giấy xuất viện nêu rõ tình trạng bệnh khi tiếp nhận và có văn bản gửi cấp trên, trong đó có Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế để hướng dẫn cụ thể. Việc thu hồi GCNTT đối với ông Bình không phải làm khó bệnh nhân mà là để minh bạch, khách quan và thực hiện theo đúng quy định”, ông Nguyễn Văn Thanh thông tin.

Cũng theo ông Thanh, việc cấp GCNTT được hướng dẫn, quy định tại Quyết định 4069/2001/QĐ-BY và Thông tư số 14 năm 2016 hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, việc cấp GCNTT cho bệnh nhân hiện không có hướng dẫn trường hợp nào cấp, trường hợp nào không. Thông tư số 14 cũng hết hiệu lực và được thay thế bằng Thông tư số 56 năm 2017, trong đó có nêu cơ sở điều trị cấp GCNTT cho bệnh nhân nhưng cũng không có biểu mẫu hướng dẫn. Do đó, bệnh viện rất lúng túng trong việc cấp GCNTT. 

“Thông thường hiểu thương tích có nghĩa có chấn thương, vết thương, tác động ngoại lực gây ra vết thương. Trường hợp ông Bình là trường hợp bệnh lý không phải bị thương tích (chấn thương, tai nạn...). Việc phẫu thuật là mổ cứu chữa bệnh cho bệnh nhân Bình, xảy ra sau khi bệnh nhân nhập viện, không phải là thương tích xảy ra trong quá trình lao động nên theo quy định bệnh viện không cấp GCNTT được”, ông Nguyễn Văn Thanh nói thêm. 

Bài, ảnh: TRÚC GIANG

 
;
.