Các kiến nghị liên quan đến chợ tạm Phước Trung không có cơ sở để giải quyết

Thứ Ba, 29/11/2022, 17:39 [GMT+7]
In bài này
.

Tiểu thương chợ tạm Phước Trung (khu phố 4, phường Phước Trung, TP.Bà Rịa) tiếp tục khiếu nại, kiến nghị lên UBND phường Phước Trung liên quan đến chủ trương đóng chợ tạm  như: bồi thường cơ sở vật chất khi di dời, được kinh doanh tại chợ Phước Nguyên... Thế nhưng, theo chính quyền phường, các kiến nghị này không có cơ sở để giải quyết.

Quang cảnh chợ tạm Phước Trung.
Quang cảnh chợ tạm Phước Trung.

Chợ tạm Phước Trung tồn tại trên địa bàn khu phố 4 (phường Phước Trung, TP.Bà Rịa) trong nhiều năm qua. Để bảo đảm an ninh trật tự, văn minh đô thị, UBND TP. Bà Rịa có chủ trương dẹp bỏ chợ này. Tuy nhiên nhiều hộ tiểu thương đang kinh doanh buôn bán tại đây không đồng tình vì ảnh hưởng đến cuộc sống mưu sinh hàng ngày của họ. Sau thời gian tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, các tiểu thương chấp thuận di dời khỏi chợ tạm và mong muốn được bồi thường cơ sở vật chất khi di dời sang chợ mới. Đồng thời, kiến nghị mở rộng chợ Phước Nguyên (phường Phước Nguyên) để tạo điều kiện cho họ vào kinh doanh.

Liên quan đến các kiến nghị trên, tiểu thương cho biết, ở chợ tạm Phước Trung họ đã đầu tư cơ sở vật chất như: mái tôn, nền xi măng, đường điện, đường nước, đồng hồ… rất tốn kém. Vì vậy, khi di dời tiểu thương đề nghị cơ quan nhà nước hỗ trợ bồi thường cơ sở vật chất đã đầu tư để tạo điều kiện thuận lợi cho họ di dời sang chợ mới.

Ngoài ra, theo tiểu thương, nhà của họ đều ở các phường: Phước Nguyên, Phước Trung, Long Toàn… nằm ngay khu trung tâm của TP. Bà Rịa. Trong khi đó, dẹp chợ tạm rồi buộc tiểu thương sẽ phải di dời về các chợ: Kim Dinh, Tân Hưng, Hòa Long, gây khó khăn cho việc kinh doanh, buôn bán do nằm cách xa trung tâm. Vì vậy,  tiểu thương mong muốn được kinh doanh tại chợ Phước Nguyên, chợ Long Toàn. Thế nhưng, do các chợ này đã kín nên tiểu thương đề nghị UBND TP. Bà Rịa mở rộng chợ Phước Nguyên để tiếp nhận tất cả các hộ kinh doanh ở chợ tạm vào kinh doanh tại chợ này. 

Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND phường Phước Trung cho biết, thời gian qua, UBND TP. Bà Rịa và UBND phường Phước Trung đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hộ tiểu thương về các chợ trên địa bàn thành phố để kinh doanh khi chấm dứt hoạt động chợ tạm Phước Trung. Nhằm  bảo đảm quyền lợi và cuộc sống mưu sinh cho hộ tiểu thương, UBND phường Phước Trung đề nghị các hộ tiểu thương liên hệ các chợ để đăng ký nhận ô sạp kinh doanh. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND TP. Bà Rịa, các địa phương cũng sẵn sàng tiếp nhận, bố trí khu vực kinh doanh cho  tiểu thương  đã đăng ký chuyển về kinh doanh tại các chợ thuộc địa bàn. Theo đó, 41 hộ kinh doanh thống nhất tự chọn và nhận ô sạp về các chợ trên địa bàn TP. Bà Rịa.

Trước những kiến nghị của tiểu thương chợ tạm, UBND phường Phước Trung đã có văn bản trả lời không có cơ sở để giải quyết. Cụ thể, về kiến nghị yêu cầu bồi thường cho các hộ tiểu thương, UBND phường Phước Trung cho biết, trước năm 2009, các hộ buôn bán tại khu tự phát này kinh doanh tại mặt tiền đường Cách Mạng Tháng Tám (khu phố 4, phường Phước Trung) và người dân đặt tên là chợ nhỏ Phước Đức. Vị trí dựng ô, sạp để buôn bán của tiểu thương nằm trên phần diện tích đất của Hợp tác xã Quyết Tiến cũ.

Đến ngày 24/3/2009, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 835 về việc thu hồi hơn 5.277m2 đất tại phường Phước Trung để đầu tư, xây dựng công trình: Đường vào trường MN Phước Trung. Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng TP. Bà Rịa (lúc trước là TX. Bà Rịa) đã ban hành phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư công trình. Trong phương án bồi thường này có 18 hộ buôn bán tại chợ nhỏ Phước Đức được hỗ trợ, bồi thường vật kiến trúc (là các ô, sạp) trên đất của Hợp tác xã Quyết Tiến cũ và chấm dứt hoạt động.

Tuy nhiên, sau khi công trình đường hoàn thành và đưa vào sử dụng, các hộ kinh doanh này tiếp tục vào diện tích khu đất còn lại của Hợp tác xã Quyết Tiến cũ để dựng lại mái che tạm, ô sạp họp chợ buôn bán hình thành nên chợ tạm Phước Trung. Phần diện tích đất này đã được đưa vào quỹ đất công do Nhà nước quản lý. Đa số hộ buôn bán tại đây lại không phải là người địa phương, cũng không tạm trú tại phường Phước Trung, buôn bán chủ yếu mặt hàng rau, củ quả, thịt, cá... Về cơ sở vật chất, ô sạp bằng mái tôn, khung cây, sắt, che bạt, nền xi măng đã xuống cấp.

Ông Nguyễn Thanh Phong thông tin thêm, khu chợ tạm này không có Ban quản lý hay Tổ quản lý nên tình trạng tập trung đông người, buôn bán lộn xộn, lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường, nước và rác thải bốc mùi hôi gây ô nhiễm, mất trật tự mỹ quan đô thị. Vào buổi chiều và ban đêm, chợ tạm không hoạt động, người dân nơi khác đem rác đến bỏ, ảnh hưởng vệ sinh môi trường; các đối tượng ma túy và lang thang đến ở gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội. Mặt khác, vị trí tập trung buôn bán này nằm ngay cổng chính trường mầm non và cạnh bên Trung tâm Hành chính tỉnh với các mái che tạm dẫn đến nguy cơ mất an toàn cho người đi đường và học sinh vào mùa mưa bão.

Vì những lý do nêu trên, đồng thời đối chiếu quy định pháp luật hiện hành, UBND TP. Bà Rịa quyết định chấm dứt hoạt động buôn bán tại khu chợ tự phát thuộc khu phố 4, phường Phước Trung và không giải quyết bồi thường cho các hộ buôn bán tại đây do không có cơ sở pháp lý để bồi thường.

“Về đề xuất xin mở rộng chợ Phước Nguyên để bố trí hết các hộ tiểu thương kinh doanh ở chợ tạm Phước Trung vào đây, UBND phường Phước Trung cũng đã có văn bản trả lời cho tiểu thương rằng chợ không có quy hoạch mở rộng, cũng không còn diện tích đất để mở rộng. Hiện tại chợ Phước Nguyên (chợ hạng 3) đã có gần 400 hộ tiểu thương kinh doanh nên không còn chỗ để bố trí thêm ô, sạp. Mặt khác, căn cứ Nghị định 114 ngày 23/12/2009 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02 ngày 14/1/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ thì ngân sách Nhà nước không đầu tư, mở rộng, nâng cấp chợ của phường. Do đó, các kiến nghị của tiểu thương cũng không có cơ sở để giải quyết”, ông Nguyễn Thanh Phong nói.

Bài, ảnh: TRÚC GIANG

;
.