.
VIỆC KHIẾU NẠI 36 NĂM ĐỒI LẠI ĐẤT TẠI XUYÊN MỘC

UBND huyện chỉ đạo xử lý trong tháng 3

Cập nhật: 19:40, 28/03/2022 (GMT+7)

Đã 36 năm, kể từ năm 1986, gia đình bà Trần Thị Hồng Hạnh (ấp Phú Tâm, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) đã gõ cửa các cơ quan chức năng huyện Xuyên Mộc để đòi quyền lợi về 1.500 m2 đất mà gia đình mua lại của người khác, sau đó bị thu hồi làm chợ.

Diện tích đất khiếu nại của gia đình bà Trần Thị Hồng Hạnh (ấp Phú Tâm, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) hiện đang được 2 hộ dân khác ở và sử dụng.
Diện tích đất khiếu nại của gia đình bà Trần Thị Hồng Hạnh (ấp Phú Tâm, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) hiện đang được 2 hộ dân khác ở và sử dụng.

Người trong cuộc nói gì?

Phản ánh tới Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, bà Trần Thị Hồng Hạnh (ấp Phú Tâm, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) cho biết, năm 1985, vợ chồng bà Hạnh mua của gia đình ông Nguyễn Dương (ấp Phú Thiện, xã Hòa Hiệp) mảnh đất gần 1.500 m2 (rộng 33m, dài gần 50m), bám mặt tiền tỉnh lộ 329. Lúc mua, có giấy biên nhận chuyển nhượng đất viết tay giữa ông Dương và ông Nguyễn Thành Hiệp (chồng bà Hạnh). Ngoài ra, còn được chứng thực bởi ông Vũ Đức Rong, Trưởng ban điều hành kinh tế mới Bưng Kè.

Sau khi mua đất, gia đình bà Hạnh trồng mía trên đất, ổn định, không tranh chấp, không có bất cứ văn bản hành chính ngăn chặn nào của chính quyền địa phương vào thời điểm này. Thế nhưng, hơn một năm sau, tháng 6/1986, UBND xã Hòa Hiệp chủ trương xây dựng chợ Hòa Hiệp đã tự ý lấy đất của gia đình bà Hạnh để thực hiện dự án xây dựng chợ và phân lô hóa giá cho các hộ kinh doanh ở chợ mà không có một văn bản hành chính thông báo về việc thu hồi đất, cũng như không có thỏa thuận nào trong việc đền bù cho gia đình bà Hạnh, dù trên đất gia đình bà đang trồng mía 1 năm tuổi.

Quá bức xúc gia đình bà Hạnh đã nhiều lần khiếu nại lên cấp chính quyền nhưng đến nay đã 36 năm vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Theo bà Hạnh, các văn bản trả lời của chính quyền địa phương đều cho rằng không có giấy tờ, cơ sở pháp lý cho là đất của gia đình bà Hạnh. “Đất gia đình tôi mua có giấy viết tay, có chứng thực của cán bộ địa phương lúc bấy giờ là ông Vũ Đức Rong nhưng chính quyền lại cho rằng không có cơ sở pháp lý. Điều này là rất vô lý!”, bà Hạnh cho biết.

Cũng theo bà Hạnh, sau khi UBND xã Hòa Hiệp thu hồi đất và không đền bù, đến năm 1995, khu chợ này được UBND xã di dời đến ấp Phú Bình như bây giờ, không còn sử dụng. Tuy nhiên, phần đất của gia đình bà lại bị 2 hộ dân khác chiếm dụng, cất nhà để ở. “Đất của gia đình tôi mua, nhưng giờ người khác sử dụng, liệu điều này có bảo đảm công bằng? Rất mong cơ quan chức năng huyện Xuyên Mộc giải quyết, trả lại diện tích đất trên cho gia đình tôi, để bảo đảm quyền lợi cho gia đình chúng tôi”, bà Hạnh bày tỏ.

Theo ông Nguyễn Dương, người bán đất cho gia đình bà Hạnh cho biết, diện tích đất trên do ông Nguyễn Dương khai phá đất rừng từ năm 1980. Từ đó gia đình ông Dương sử dụng canh tác trồng mía. Năm 1985, ông Dương bán lại cho vợ chồng bà Hạnh. Sau đó, diện tích đất bị thu hồi như những gì bà Hạnh đã trình bày. Quá trình khai phá, sử dụng và chuyển nhượng đất của ông không xảy ra tranh chấp với ai, không có ngăn chặn nào từ chính quyền địa phương.

“Sau khi tôi bán cho gia đình ông Hiệp, đất bị thu hồi nhưng gia đình ông Hiệp không được đền bù là rất thiệt thòi cho gia đình ông. Do đó, tôi đề nghị cơ quan chức năng xem xét, giải quyết thấu tình đạt lý, bảo đảm công bằng cho người dân”, ông Dương kiến nghị.

Ông Vũ Đức Rong là người đã ký chứng thực cho việc mua bán đất giữa gia đình Bà Hạnh và ông Dương, nhưng chính là người thông tin rằng đất ông Dương bán là đất rừng phòng hộ.
Ông Vũ Đức Rong là người đã ký chứng thực cho việc mua bán đất giữa gia đình Bà Hạnh và ông Dương, nhưng chính là người thông tin rằng đất ông Dương bán là đất rừng phòng hộ.

Những câu trả lời chưa thỏa đáng

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hà, công chức địa chính xã Hòa Hiệp cho biết, hiện vụ việc khiếu nại của gia đình bà Hạnh đang được cơ quan chức năng huyện Xuyên Mộc, chính quyền xã Hòa Hiệp tiếp tục giải quyết. Theo các tài liệu liên quan, trước đây diện tích đất trên thuộc đường ranh 50, chắn gió phòng hộ, do nhà nước quản lý.

Năm 2004, UBND xã Hòa Hiệp đã có văn bản trả lời gia đình bà Hạnh. Theo nội dung văn bản, Khu kinh tế mới Bưng Kè được thành lập năm 1978, khu vực đất phân lô thổ cư để cấp cho dân làm nhà ở là khu vực phía Tây tỉnh lộ 329. Khi phân lô thổ cư Ban kinh tế mới có để lại một phần khu vực trên để làm vành đai rừng phòng hộ, không san ủi, không cấp đất cho người dân làm nhà ở hoặc canh tác, sau đó người dân tự khai phá trồng cây lương thực.

Năm 1983, Ban điều hành kinh tế mới Bưng Kè (do ông Vũ Đức Rong làm trưởng ban) sử dụng diện tích đất để lập chợ cho dân buôn bán. Trong văn bản này cũng nêu rõ, theo ông Vũ Đức Rong (nguyên trưởng Ban điều hành Ban kinh tế mới Bưng Kè) cho  biết,  diện tích đất Ban kinh tế mới Bưng Kè sử dụng làm chợ nêu trên là diện tích đất rừng phòng hộ thuộc đất công, không thuộc của một hộ dân nào, khi làm chợ không có hộ dân nào thắc mắc, khiếu nại. Do đó, việc gia đình bà Hạnh khiếu nại đòi lại đất không có cơ sở để giải quyết.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, các tài liệu hồ sơ địa chính của UBND xã Hòa Hiệp liên quan đến phần đất trên đều không có tài liệu hay văn bản nào chứng minh thuộc đường vành đai rừng phòng hộ. Tất cả các thông tin liên quan đến thửa đất bà Hạnh và khu vực đất lập chợ Hòa Hiệp cũ theo các tài liệu cho thấy đều dựa trên ý kiến chủ quan của ông Vũ 

Ông Vũ Đức Rong là người đã ký chứng thực cho việc mua bán đất giữa gia đình Bà Hạnh và ông Dương, nhưng chính là người thông tin rằng đất ông Dương bán là đất rừng phòng hộ.
Ông Vũ Đức Rong là người đã ký chứng thực cho việc mua bán đất giữa gia đình Bà Hạnh và ông Dương, nhưng chính là người thông tin rằng đất ông Dương bán là đất rừng phòng hộ.

Đức Rong.

Trong khi đó chính ông Vũ Đức Rong với tư cách là Trưởng ban điều hành Ban kinh tế mới Bưng Kè lúc bấy giờ là người đã chứng thực việc mua bán đất giữa gia đình ông Nguyễn Dương và gia đình bà Hạnh. Nhưng sau đó, năm 2004, chính quyền địa phương lại căn cứ vào thông tin mà ông Rong cung cấp để xác định rằng đất mà ông Hiệp mua lại từ ông Dương thuộc đất vành đai rừng phòng hộ.

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện khu vực diện tích đất mà gia đình bà Hạnh cho rằng đã mua từ ông Dương giờ đang được người dân xây dựng nhà kiên cố, nhà cao tầng và sinh sống, kinh doanh, mua bán nhiều năm qua. Vậy, theo lập luận của chính quyền địa phương, đây là khu vực đất vành đai rừng phòng hộ thì việc cất nhà ở kiên cố, kinh doanh mua bán như vậy có đúng quy định hay không? Và người dân cất nhà kiên cố này có được ngành chức năng cấp phép xây dựng? Phần đất mà các hộ dân này đang cất nhà có thuộc quyền sử dụng của họ hay không?

Trong thông báo số 03, ngày 14/1/1997 của UBND huyện Xuân Mộc kết luận phiên họp giải quyết khiếu nại, tranh chấp đất đai trên địa bàn huyện Xuyên Mộc nêu: Ông Nguyễn Thành Hiệp khiếu nại UBND xã Hòa Hiệp trưng dụng đất của ông mà không được bồi hoàn thỏa đáng. Hội nghị đã xem xét về nguồn gốc đất này, ông không có giấy tờ pháp lý nên bác đơn khiếu nại của ông Hiệp. Việc UBND xã thu hồi diện tích để làm công trình công cộng là đúng. Tuy nhiên, sau này, nếu xã quy hoạch bố trí dân cư thì ưu tiên cho ông Hiệp một lô đất.

Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc, liên quan đến nội dung khiếu nại của bà Trần Thị Hồng Hạnh (xã Hoà Hiệp), ngày 3/3/2022, UBND huyện giao Phòng TN-MT chủ trì phối hợp với UBND xã Hòa Hiệp tham mưu UBND huyện giải quyết đơn của bà Trần Thị Hồng Hạnh. Tuy nhiên, do sự việc xảy ra đã lâu (từ năm 1986), lãnh đạo UBND xã Hoà Hiệp cũng thay đổi qua nhiều thời kỳ, nên cần phải có thời gian kiểm tra, xác minh để giải quyết, nhằm bảo đảm đúng quy định của pháp luật. UBND huyện sẽ chỉ đạo đôn đốc giải quyết đơn thư của công dân và trả lời trong tháng 3/2022.

 

Vậy, trong những năm qua, trong quá trình xem xét, giải quyết đơn của gia đình ông Hiệp, chính quyền địa phương và ngành chức năng tại sao không thực hiện ý kiến chỉ đạo tại kết luận này?

Theo cán bộ địa chính xã Hòa Hiệp, khu đất để lập chợ nêu trên khoảng hơn 4.100 m2. Sau khi thực hiện làm chợ đã giao cho một số hộ dân kinh doanh buôn bán sử dụng. Sau đó, quy hoạch chợ xóa bỏ, chợ Hòa Hiệp di dời sang khu đất mới. Đến năm 2005, địa phương chủ trương quy hoạch bến xe. Do diện tích quá nhỏ nên không đủ để quy hoạch bến xe. Do đó, hiện khu vực này đang chủ trương quy hoạch khu dân cư.

“UBND xã Hòa Hiệp cũng đã đề nghị với UBND huyện Xuyên Mộc cho đo đạc lại để hóa giá cho các hộ dân đang sinh sống ở đây. Riêng nội dung khiếu nại của  gia đình bà Hạnh, UBND xã Hòa Hiệp đang phối hợp với phòng TN-MT huyện giải quyết theo quy định”, ông Nguyễn Văn Hà chia sẻ.

Bài, ảnh: TRÚC GIANG

.
.
.