.

Con đường đất bị "bỏ hoang" nhiều năm sẽ được khôi phục lại

Cập nhật: 17:11, 21/03/2022 (GMT+7)

Phản ánh tới Báo Bà Rịa – Vũng Tàu, ông Phạm Như Ánh (thôn Trung Nghĩa, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức), cho hay, trước đây trên phần đất của gia đình, ông có cho người dân địa phương làm đường đi lại, vận chuyển hoa màu. Con đường này sau đó bị “bỏ hoang” nhiều năm. Tuy nhiên mới đây có người đến san lấp làm lại đường này và tranh chấp với gia đình ông. Phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu tìm hiểu nội dung sự việc.

Theo địa chính xã Đá Bạc thì đoạn đường đi qua khu đất của ông Ánh là đường nhà nước.
Theo địa chính xã Đá Bạc thì đoạn đường đi qua khu đất của ông Ánh là đường nhà nước.

Theo trình bày của ông Ánh, năm 1978, gia đình ông vào thôn Phước An, xã Đá Bạc khai hoang mảnh đất rộng khoảng 5 sào. Sau này, diện tích đất trên được nhà nước cấp GCNQSDĐ (gọi tắt sổ đỏ), theo chứng nhận số CA 995490 (gồm các thửa: 606, 732, 733, 734, 963, 964, 965, 994, 992, 995,996, 997, 607, tờ bản đồ số 52- 53).

Ông Ánh cho biết, do trước đây bà con không có đường đi lại nên ông cho người dân đi trên bờ ruộng thuộc phần đất gia đình để vận chuyển hoa màu về nhà. Sau này có đường đi lớn nên người dân không còn đi lại trên con đường đất cũ. Con đường cũng bỏ hoang từ đó đến nay gần 20 năm.

Trước Tết 2022, ông Ánh từ xã Nghĩa Thành qua xã Đá Bạc thăm rẫy mới phát hiện phần đường cũ trên khu đất của mình bị san ủi, đổ đất và lu lèn mở rộng làm đường. “Tôi ra xã thì không gặp được địa chính để phản ánh. Để một thời gian không thấy ai xử lý, con tôi đã nhờ xe cuốc đang làm đường 992 cạnh đó múc đất người ta đổ dời đi, hoàn trả lại mặt bằng”, ông Ánh nói.

Sau đó, ông Ánh tìm hiểu thì biết người đổ đất, làm đường trên phần đất của mình là anh Trần Đình Huy. Anh Huy có khu đất bên trong, tiếp giáp với khu đất của ông Ánh nên mới đổ đất làm đường trên đất của ông Ánh để có đường vào khu đất nhà mình.

“Mới đây, gia đình tôi được cán bộ địa chính xã Đá Bạc thông báo con đường đất cũ bị “bỏ hoang” là đường nhà nước, sẽ được khôi phục lại cho người dân đi lại. Tôi thấy vô lý vì đây đất của tôi, hơn nữa khi làm đường thì phải mời tôi tới, có hai bên kiểm tra, xem xét đàng hoàng chứ không thể tự tiện đổ đất đắp đường trên đất của tôi như vậy được”, ông Ánh bức xúc kể.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, anh Huy cho hay trước khi đổ đất phục hồi con đường đất cũ nêu trên, anh đã lên các cơ quan cấp huyện xin trích lục bản đồ, thông tin khu đất, con đường và thuê đơn vị đo đạc xuống đo, cắm cọc. “Hôm đo đạc, đóng cọc tôi có mời ông Ánh, con ông và cả trưởng ấp ra chứng kiến. Ông Ánh còn kêu đường đất cũ như thế nào thì cứ làm như vậy”, anh Huy nói.

Cũng theo anh Huy, do con đường đất cũ ông Ánh đã trồng mì, canh tác nên trước đó anh sang thương lượng và trả cho ông Ánh 10 triệu tiền mì, đồng thời thương lượng mua thêm 2m đất cặp theo con đường đất cũ để mở đường cho rộng rãi nhưng  ông Ánh không đồng ý.

Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa – Vũng Tàu xung quanh phản ánh của ông Ánh về việc con đường đất cũ nằm trong phần đất gia đình bị người khác san lấp, làm đường, ông Nguyễn Văn Trường, cán bộ địa chính – xây dựng xã Đá Bạc cho biết, con đường đất mà ông Ánh cho rằng là đất của mình có thể hiện trên bản đồ địa chính năm 1989, số hóa năm 2004-2009 là con đường nhà nước, đó là đất công. Trong bản đồ địa chính thể hiện đoạn đường đó dài hơn 26m, rộng từ 2,5m-3m. Do quá trình người dân không đi, cỏ mọc hoặc người dân canh tác nên hiện trạng đã bị mất đi. Nếu người dân có kiến nghị thì địa chính sẽ căn cứ vào đo đạc hiện trạng, xác định ranh để khôi phục lại con đường.

“Sắp tới, địa chính xã sẽ mời ông Ánh lên để giải thích rõ ràng về con đường này là đường đất nhà nước để khôi phục lại. Nếu ông Ánh không đồng ý và không xác định được vị trí con đường đất cũ thì chúng tôi sẽ nhờ Văn phòng đăng ký đất đai của huyện Châu Đức hoặc Đội khu đo Đá Bạc có máy đo nhập hệ toạ độ xác vị trí, ranh giới và cắm mốc. Lúc đó sẽ vận động ông Ánh khôi phục lại con đường, nếu không chấp hành và tái lấn chiếm thì sẽ lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính”, ông Trường thông tin.

Cũng theo ông Trường, con đường đất này kéo dài băng ngang qua đường 992, hiện nay một số đoạn đã bị nhiều người dân lấn chiếm, sử dụng nên không còn đường hiện hữu nữa. “Trước mắt chúng tôi ưu tiên giải quyết trước đoạn đường tranh chấp giữa ông Ánh và ông Huy, những đoạn sau đó sẽ tiếp tục xử lý, khôi phục lại toàn tuyến”, ông Trường nói.

Bài, ảnh: BẠCH LONG

.
.
.