F0 điều trị tại nhà được hưởng chính sách gì từ BHXH?
Nhiều bạn đọc thắc mắc về việc có con nhỏ bị F0 phải nghỉ việc ở nhà chăm con; F0 tự điều trị tại nhà được hưởng những chính sách gì từ BHXH bắt buộc? Phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu đã tìm hiểu và cung cấp thông tin đến bạn đọc.
Nhân viên y tế phường 3 (TP. Vũng Tàu) kiểm tra sức khỏe cho F0 điều trị tại nhà. Ảnh: HUYỀN TRANG |
Ông Phạm Văn Nanh, Trưởng Phòng chế độ BHXH (Bảo hiểm xã hội tỉnh), cho biết, theo Luật BHXH, người bị nhiễm COVID-19 (F0) là người bị ốm đau và được hưởng chế độ BHXH, cụ thể như sau:
Nghỉ việc do con nhỏ bị F0 được hưởng chế độ ốm đau
Theo Khoản 2 Điều 25 Luật BHXH năm 2014, người lao động (NLĐ) sẽ được hưởng chế độ ốm đau trong thời gian nghỉ việc chăm con nếu đáp ứng đồng thời các điều kiện: tham gia BHXH bắt buộc; phải nghỉ việc để chăm con dưới 7 tuổi ốm đau; con ốm có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền.
Trường hợp NLĐ có con dưới 7 tuổi mắc COVID-19 cũng sẽ được hưởng chế độ ốm đau trong thời gian chăm con khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện trên.
Theo Khoản 1 Điều 27 Luật BHXH, thời gian hưởng chế độ được quy định như sau: Con dưới 3 tuổi: Số ngày hưởng chế độ tối đa 20 ngày/năm/con; con từ đủ 3 tuổi đến dưới 7 tuổi: Số ngày hưởng chế độ tối đa 15 ngày/năm/con.
Trong trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia BHXH thì cha mẹ có thể lựa chọn cùng nghỉ hoặc nghỉ luân phiên để chăm con. Cả hai trường hợp này đều được giải quyết hưởng chế độ ốm đau tương ứng với từng người.
Theo Điều 28 Luật BHXH, người lao động hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại Điều 27 thì mức hưởng tính theo tháng bằng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ. Mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày được tính bằng mức trợ cấp ốm đau theo tháng chia cho 24 ngày.
Như vậy mức hưởng trợ cấp theo ngày tính theo công thức: (Mức hưởng/ngày) = 75% x (Tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ)/(24 ngày).
Trường hợp NLĐ mới bắt đầu làm việc hoặc trước đó đã có thời gian đóng BHXH, sau đó bị gián đoạn thời gian làm việc mà phải nghỉ hưởng chế độ ngay trong tháng đầu tiên trở lại làm việc thì mức hưởng được tính dựa trên tiền lương đóng BHXH của tháng đó.
F0 tự điều trị tại nhà vẫn được hưởng BHXH
Ông Phạm Văn Nanh cho hay biết thêm, hiện nay, các trường hợp bị F0 chưa được thanh toán chế độ ốm đau chủ yếu là các trường hợp mắc COVID-19 cách ly điều trị tại nhà. Theo quy định, chứng từ làm cơ sở để thanh toán chế độ ốm đau là giấy ra viện (nội trú); giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH do cơ sở có thẩm quyền cấp (ngoại trú).
Tuy nhiên, các giấy tờ mà người lao động là F0 điều trị tại nhà cung cấp không đúng theo quy định của Thông tư 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế và Luật BHXH. Theo đó, đối với trường hợp NLĐ là F0 điều trị nội trú hoặc cách ly tập trung tại cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 thuộc phường, xã, quận, huyện (cơ sở cách ly tập trung F0) thì cơ sở thu dung, điều trị COVID-19, bệnh viện điều trị COVID-19 cấp giấy ra viện đúng quy định tại Phụ lục 3 kèm theo Thông tư số 56/2017/TT-BYT.
Trường hợp NLĐ là F0 cách ly tại nhà, trung tâm y tế quận, huyện, thành phố, trạm y tế phường, xã, thị trấn chăm sóc và quản lý F0 tại nhà sẽ cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH theo quy định tại Phụ lục 7 kèm theo Thông tư số 56/2017/TT-BYT.
Trong trường hợp trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng hỗ trợ chăm sóc F0 tại nhà thì bác sĩ được phân công trực tiếp chăm sóc F0 ký xác nhận vào vị trí “người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh”, đơn vị chủ quản là trung tâm y tế quận, huyện, thành phố chịu trách nhiệm ký đóng dấu vào giấy chứng nhận hoặc ủy quyền bằng văn bản cho trạm y tế phường, xã, thị trấn ký đóng dấu.
Một lần khám, người bệnh được cấp một giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH tối đa là 30 ngày. Trường hợp F0 cần nghỉ dài hơn 30 ngày thì khi hết hoặc sắp hết thời hạn nghỉ ghi trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH đã được cấp, F0 phải tái khám để người hành nghề xem xét quyết định.
Theo BHXH tỉnh, từ ngày 24/11/2021, đối với các hồ sơ, giấy tờ không theo mẫu quy định tại Thông tư số 56/2017/TT-BYT do các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã cấp chưa đúng mẫu, chưa đúng cho NLĐ nghỉ ngoại trú quá 30 ngày cho một lần khám bệnh, chữa bệnh, NLĐ liên hệ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để được cấp lại giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH theo quy định của Thông tư trên.
Hiện nay, Bộ Y tế đang khẩn trương phối hợp với Bộ LĐTBXH, BHXH Việt Nam và các đơn vị có liên quan xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 56/2017/TT-BYT để bảo đảm các quy định phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó, sẽ xử lý luôn các vướng mắc về các giấy tờ đã cấp cho F0 trong thời gian vừa qua.
SA HUỲNH